- Thời ấy, phà cầu Bùng, Ga Si (Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An) hầu như không một ngày vắng máy bay địch. Bom đạn đều đặn rải thảm. Hàng chục chiến sỹ ngã xuống trên mâm pháo, dân quân hi sinh bên cửa hầm. Nhưng từng đoàn xe tiếp tế vẫn thần tốc vượt tuyến lửa.
Bài 1: Hiến quan tài lát đường xe vượt hố bom ra trận Khu 4 cũ những năm chiến tranh phá hoại trở thành ‘túi bom’ của kẻ thù. Con đường huyết mạch bị bom đạn rải thảm. Nhưng giữa bao mồ hôi, nước mắt, máu xương và vô vàn sự hi sinh, mạch máu vận chuyển Bắc Nam vẫn không ngừng lại. Bài 2: Chuyện bắt sống giặc lái Mỹ bên bờ sông Lam Dù là một trong những mục tiêu ném bom ác liệt nhất, nhưng không lực Mỹ chẳng thể chặt đứt ‘yết hầu’ Bến Thủy (Nghệ An). Nơi đây ‘Người xe ra trận như nước cuốn – Cuồn cuộn mà không chút vội vàng”. |
Tự tay dỡ nhà, mở đường xe qua
Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng cụ Nguyễn Thị Viên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Diễn Kỷ vẫn nhớ như in ngày cùng dân quân chống Mỹ phá hoại. Bao nhiêu trận bom Mỹ thả, dân quân tự vệ, đại đội pháo 12 ly 7 hi sinh bao nhiêu người, cầu Bùng sập bao lần, cụ đều không quên chi tiết nào.
Năm 1967, bom Mỹ dội xuống Diễn Kỷ ác liệt nhất. Cụ Viên lúc ấy đang là nữ Phó chủ tịch xã, trực tiếp cùng các lực lượng chống giặc, đảm bảo giao thông.
“Ba trọng điểm ném bom của địch là Ga Si, cầu Bùng và bến phà trung chuyển, bom rải như mưa. Những tuyến giao thông huyết mạch khác như đường xe lửa, tỉnh lộ 538 cũng bị phá ác liệt.
Trong đó, phà cầu Bùng thực sự trở thành thành túi bom. Máy bay Mỹ liên tiếp quần thảo, rải bom như điên cuồng hòng chặt đứt mối giao thông quan trọng này. Nhiều lần, cầu Bùng bị đánh sập”, cụ Viên nhấp ngụm nước, “Nhưng sau mỗi lần bom đánh sập cầu, người dân lại dỡ nhà lót đường cho xe qua”.
Nhân dân Diễn Kỷ tự nguyện dỡ nhà lót cầu, phà cho xe qua trong những năm chiến tranh phá hoại. (Ảnh: Tư liệu đảng bộ xã Diễn Kỷ).
|
Cụ Nguyễn Thị Viên, nguyên Bí thư Diễn Kỷ, nhân chứng sống của thời ‘xe chưa qua nhà không tiếc”. |
Bà Phạm Thị Phòng, PCT Hội cựu TNXP Nghệ An, một nhân chứng sống của những ngày ấy cũng chưa quên cảnh người dân Diễn Kỷ dỡ nhà ‘vá’ cầu Bùng.
Đó là vào tháng 2/1967 thời điểm bom Mỹ đánh ác liệt, bà Phòng đang là Phó ban thanh niên xung phong đường sắt Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo việc sửa chữa tại Ga Si.
“Ngày đó, máy bay Mỹ oanh tạc cả này lẫn đêm, cày nát đoạn đường và khu vực bến phà cầu Bùng. 45 xe chở đạn dược, thuốc men chi viện cho miền Nam không thể vượt sông. Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng chục hộ dân đã tự tay dỡ nhà lấy gỗ chống lầy, lót phà cầu Bùng.
Chỉ trong 48 tiếng, đoàn xe đã vượt qua sông, tiến vào miền Nam trong sự reo hò của chiến sỹ, dân quân và người dân Diễn Kỷ”, bà Phòng nhớ lại.
Vai làm giá súng bắn rơi máy bay Mỹ
Trong những năm chiến tranh phá hoại, quân dân ở Diễn Kỷ không chỉ lo bảo đảm an toàn cho đoàn xe qua đường, mà còn sẵn sàng giáng trả máy bay địch những đòn chí mạng. Nhiều khi, chiến công đến rất bất ngờ!
Cụ Viên kể, từ tháng 4/1965, máy bay Mỹ liên tục rải bom xuống các trọng điểm trên địa bàn. Những trận bom gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân ở đây.
Điển hình như trận bom ngày 13/5/1965 làm chết 3 người; ngày 14/5 (2 người), ngày 15/5 (7 người hi sinh), ngày 16/5 (1 người)...
Đoàn xe tiếp tế vượt qua đoạn cầu Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An). Đây cũng là một trọng điểm bị ném bom ác liệt. (Ảnh: Bảo tàng QK4). |
Những năm sau đó của 2 cuộc chiến tranh phá hoại, hàng trăm chiến sỹ và nhân dân địa phương đã ngã xuống, máu nhuộm thắm sông Bùng. Những trận bom sát thương chỉ khiến quân dân địa phương thêm gan dạ, sẵn sàng lăn xả hi sinh để giữ cầu, giữ đường cho đoàn xe thần tốc ra trận.
Thời điểm này, ngoài các đơn vị pháo chủ lực bảo vệ Ga Si và cầu Bùng, dân quân tự vệ cũng sẵn sàng tác chiến. Và ngay từ những ngày đầu, dân quân Diễn Kỷ đã lập những chiến tích lớn.
“Hôm đó 2 ông Ngô Ái và Ngô Gườm vừa đi nhận súng trung liên về thì máy bay Mỹ kéo đến ném bom. Trong lúc chưa chuẩn bị được địa thế, Ngô Ái đã làm giá để kê súng, Ngô Gườm ngắm bắn ngay trên vai bạn.
Loạt đoạn đầu tiên đã hạ ngay một máy bay địch. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy chao đảo rồi lao xuống địa phận bên huyện Đô Lương. Tin vui khiến anh em dân quân tự vệ và nhân dân Diễn Kỷ thêm khí thế chống giặc”, cụ Viên nhớ lại.
Trong ánh mắt cụ, những ngày sôi nổi giữa bao gian khổ đó tưởng như mới chỉ xảy ra hôm qua. Tuổi thanh xuân của cụ và vô số những người khác ở quê hương Diễn Kỷ, ở Nghệ An đã đi qua trong mưa bom bão đạn. Khí thế của một thời chống giặc giữ cầu, giữ đường sẽ còn được kể mãi.
Và cũng như ở bất kỳ nơi nào khác trên tuyến lửa khu 4, nhân dân nơi này cũng xem việc giữ cầu, giữ đường như một lời thề thiêng liêng.
Để những đoàn xe ngày đêm tiếp nối ra chiến trường, thần tốc đến chiến thắng.
Cao Thái