Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (PVO) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020 với lợi nhuận sau thuế quý IV tăng 460% lên 190 tỷ đồng. Nếu tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông Công ty mẹ PV Oil cũng là 141 tỷ, gấp 10 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính trong cả năm, PV Oil vẫn lỗ ròng 177 tỷ đồng do khoản lỗ gần 540 tỷ đồng trong quý I khi dịch Covid-19 bùng phát và khi đó giá xăng dầu thế giới ở mức cao.

PV Oil hiện là nhà bán lẻ lớn thứ hai với hơn 20% thị phần trong nước, xếp sau Petrolimex với hơn 50%.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi đột biến trong quý IV trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng báo lãi kỷ lục 11,5 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2020, gấp đôi so với cùng kỳ nhờ bàn giao Vinhomes Ocean Park, Grand Park và Smart City Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2020 đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm 2020 đạt 8.463 đồng, tăng 30%.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp báo lãi trong khó khăn.

CTCP Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong quý IV và cả năm lợi nhuận tăng gấp 6 lần so với năm trước đó lên 295 tỷ đồng. Đây là kết quả của một quá trình vài năm tái cấu trúc.

Thời gian tới, dù ngành thép còn nhiều rủi ro khó đoán định, song NKG được cho là sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn khi nhu cầu xây dựng nhà xưởng, nhà máy tăng cao, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) sau khi về tay người Thái đã gặp nhiều khó khăn trong đó có hai cú sốc Nghị định 100 và đại dịch Covid. Doanh thu của doanh nghiệp này tiếp tục giảm nhưng lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh.

Báo cáo cho thấy, lãi ròng trong quý IV/2020 của Sabeco vẫn tăng 45% lên mức kỷ lục mới 1.466 tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí, nhất là chi phí quảng cáo và khuyến mãi; bao bì, vận chuyển.

Tính chung cả năm 2020, Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.900 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước đó.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục sụt giảm mạnh hơn 15 điểm và đang hướng dần về ngưỡng 1.000 điểm trong bối cảnh áp lực call margin vẫn còn cao sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo SHS, phiên giao dịch ngày 28/1 đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử hơn 20 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên xét cả trên khía cạnh số điểm mất đi (73,23 điểm) cũng như phần trăm vốn hóa bốc hơi (6,67%). Sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã khiến áp lực bán hoàn toàn áp đảo lực mua trong phiên sáng. Về chiều thì hệ thống lại nghẽn khiến lực cầu không thể xuất hiện để thu hẹp mức giảm khi mà phần lớn các cổ phiếu đã giảm sàn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, hiện tại đang là sóng điều chỉnh 4 với target theo kịch bản tiêu chuẩn là quanh ngưỡng 1040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3). Tuy nhiên, tình huống phiên 28/1 là tiêu cực hơn với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 990 điểm (fibonacci retracement 50% sóng 3). Lượng dư bán giá sàn vẫn khá lớn nên có khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, ít nhất trong là vào đầu phiên sáng 29/1. Nhưng sau đó, thị trường sẽ dần tạo lập được đáy của sóng điều chỉnh 4 như diễn biến tạo lập đáy sóng điều chỉnh 2 diễn ra vào cuối tháng 7/2020 sau khi BN416 tại Đà Nẵng được phát hiện và đưa tin vào trưa phiên giao dịch 27/7.

Những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục quanh ngưỡng 1040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3) nên quan sát thị trường và có thể canh giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 990 điểm (fibonacci retracement 50% sóng 3).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index giảm 73,23 điểm xuống 1.023,94 điểm; HNX-Index giảm 17,74 điểm xuống 203,74 điểm. Upcom-Index giảm 5,34 điểm xuống 69,12 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 21 nghìn tỷ đồng.

V. Hà