41/63 tỉnh/thành phố trực triển khai đô thị thông minh

Tại Hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh. 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh. 

17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh,…  nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ngày 24/1/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nghị quyết 06 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”. 

Thực tiễn về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1,0. 

Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử. Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương 

Giải quyết những bất cập

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập như: mới bước đầu tập trung nhiều về ứng dụng các dịch vụ đô thị thông minh, trong khi các nội dung về quy hoạch đô thị thông minh, quản lý xây dựng đô thị thông minh chưa thực sự được chú trọng; còn ít các dự án đô thị thông minh có cách tiếp cận toàn diện với mục tiêu hướng tới không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị mà xa hơn là hướng tới một quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt là những bức phá trong hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút đối tác đầu tư; tại nhiều địa phương, việc đặt mục tiêu con người ở vị trí trung tâm dường như còn mang tính khẩu hiệu, biểu tượng, điển hình là vai trò của người dân trong việc tham gia hoạch định, vận hành các đô thị thông minh còn hạn chế; tính kết nối, chia sẻ giữa các đô thị chưa cao, mức độ hội nhập quốc tế còn yếu; việc huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội còn thiếu bài bản. 

Mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị thông minh song nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đô thị thông minh còn chưa đồng bộ và thiếu tính liên ngành.

Phát triển đô thị thông minh xu hướng tất yếu

Quy chế thí điểm quản lý đầu tư phát triển đô thị thông minh, tiêu chí đánh giá khu đô thị mới thông minh chưa được thống nhất ban hành; tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ; sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế; nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

TS Trần Quốc Thái – Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trên nhiều góc độ như: chưa cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ cũng như đề xuất khuyến nghị, giải pháp về vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều. Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa đa dạng, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.

Bàn về giải pháp, về giải pháp, TS Nguyễn Hoàng Minh (trường ĐH Kiến trúc) cho hay, đô thị thông minh được hình thành trên các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch đô thị thông minh, nền kinh tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, cư dân thông minh, cộng đồng thông minh, quản trị đô thị thông minh và xã hội thông minh. Trong đó, quy hoạch là trụ cột trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Thông qua công cụ quy hoạch tích hợp, phát triển các đơn vị đô thị thông minh, là hạt nhân lan tỏa, kết nối và thúc đẩy phát triển thành phố thông minh

TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đề nghị Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) để thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới ứng dụng công nghệ số như Blockchain,... phát triển kinh tế số

Về phía doanh nghiệp, TS. Hán Minh Cường, SGroup kiến nghị,  cần ban hành các hướng dẫn, quy định cụ thể về việc chuẩn hoá cấu trúc và thông tin dữ liệu, xây dựng định mức chi phí thiết lập cơ sở dữ liệu đô thị và các quy định về bố trí nguồn lực thực hiện, xây dựng các chương trình đào tạo GIS trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị tạo nguồn cán bộ, nhân lực phát triển và quản lý đô thị thông minh.

Duy Anh

Phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đạiHà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô”, tập trung phát triển các huyện lên quận, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…