|
Hàng tăng để … “đón bão”
Sáng nay, thời tiết Hà Nội bắt đầu trở gió, trời âm u, thi thoảng có hạt mưa nhỏ.Ai cũng bảo nhau “sắp bão đấy”. Có lẽ vì thế mà mặc dù hôm nay là ngày nghỉ nhưng các chợ trong địa bàn thành phố đều đông đúc từ 6h sáng.
Với tâm lí sợ bão, mưa to thậm chí Hà Nội ngập lụt, sợ thực phẩm khan hiếm, nhiều bà nội trợ tranh thủ dậy sớm ra chợ để tích
hàng. Kẻ mua, người bán tấp nập từ sáng sớm, các tiểu thương đua nhau bán
không xuể.
Đoán được tâm lí này, mặc dù bão chưa về, các tiểu thương cũng đua nhau tăng
giá. Các loại rau củ quả đều tăng ít nhất 2 giá so với giá của vài ngày
trước.
Chen chân mua thực phẩm "đón bão" |
Có mặt tại chợ Vĩnh Hồ lúc 6h sáng, sau khi căn vặn chuyện tại sao không có biến cố gì mà hàng hóa lại tăng chóng mặt như ngày Tết, một tiểu thương bán rau cho biết: “Nghe tin bão vào là rau lúc nhập ở chợ đầu mối đã tăng rồi. Nếu hôm nay không mua thì mai kia trời mưa gió, hàng hóa, thực phẩm sẽ còn tăng cao hơn”.
Mặc dù giá tăng cao hơn mọi ngày nhưng đến khoảng 9h sáng, một loạt các chợ như Vĩnh Hồ, Thành Công, Thổ Quan… đều trong tình trạng hàng hóa bán đã gần hết. Một số mặt hàng tươi sống như thịt lợn, thịt bò… trên các phản cũng hết nhanh hơn mọi ngày.
Theo quan sát của PV, các mặt hàng thực phẩm được người dân mua tích trữ nhiều nhất vẫn là mì tôm, mì gạo. Rau xanh cũng trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình nên giá cũng nhích lên từng giờ.
Đó là tình trạng ở các chợ hầu như không có ai quản lý giá. Còn trong siêu thị, các mặt hàng vẫn chưa thấy tăng giá như nhiều người lo ngại.
Bà nội trợ đua nhau “găm hàng”
Nghe tin sáng 30/7 cơn bão mạnh có tên Nock-ten có thể đạt cấp 11-12, giật tới cấp 14, chị Minh Anh nhà ở Thái Hà (quận Đống Đa) lo lắng: “Chiều qua ngồi văn phòng mình đã phải lên danh sách các thứ cần mua rồi. Tối về hì hụi dọn tủ lạnh để lấy chỗ cất đồ. Sáng nay 2 vợ chồng rủ nhau đi chợ từ sớm, tích trữ đồ mới phát hiện ra, ai cũng lo lắng như mình nên chợ đông như ngày Tết”.
Đồ khô như mì tôm, củ, quả, thịt... là những thực phẩm được chị ưu tiên hàng đầu: “mua sớm còn rẻ, chứ đợi một, hai ngày nữa, thấy bà nội trợ nào cũng đổ xô đi mua chủ hàng lại tăng giá” – chị Minh Anh than thở.
Những khu chợ được người nội trợ đến đông nhất là nằm trong vùng trũng, dễ ngập lụt như Thái Hà, Thái Thịnh, Láng Hạ, Kim Mã, Huỳnh Thúc Kháng…
Nhiều bà nội trợ ngoài việc tay xách nách mang quá nhiều hàng hóa còn rơi vào tâm lí “bức xúc” vì phải chờ đợi lâu để mua hàng.
Có hàng thịt lợn ngon ở chợ Vĩnh Hồ, thời
điểm 9h sáng, phản thịt lợn chỉ còn rất ít hàng nhưng đếm sơ vẫn có hơn chục
khách đứng chờ đợi để mua.
Trong các siêu thị, tình trạng chen lấn cũng xảy ra. Thậm chí, trong siêu
thị còn có phần đông hơn vì cuối tuần, nhà nào cũng đưa cả con cái đi siêu
thị cùng. Với tâm lí, ngoài chợ còn có thể tăng giá nhanh nhưng siêu thị thì
vẫn giữ nguyên, nhiều bà nội trợ cố gắng chuẩn bị thêm cả những đồ dùng
thiết yếu nhất phòng khi mưa bão mất điện: đèn sạc, nến, đèn pin…
Mướt mồ hôi vượt ra khỏi dòng người trong siêu thị Big C, chị Phương Loan
(phố Định Công) hớt hải: “Cuối tháng nhận lương, nghe tin có bão, lao vào
siêu thị mua đồ để tích. Giờ mình mua đủ các thứ rồi, mì tôm, đồ khô, đồ
tươi đủ cả. Thanh toán thấy hết 2 triệu mà xót hết cả ruột. Nhưng nghĩ đi
nghĩ lại, mấy hôm nữa mưa bão triền mien, phải trả đống tiền mua thực phẩm
đắt còn xót hơn”.
Chị Loan cho biết, chị cũng để ý xem hàng nào ở siêu thị vẫn đắt hơn ngoài
chợ thì chị sẽ mua ở chợ. Mặc dù biết, mua hàng cũng chỉ là để yên tâm,
nhưng chị Loan cùng với rất nhiều bà nội trợ khác vẫn cố gắng gom thật nhiều
hàng để “chống bão”.
Thu Lý