Viết nên truyền thống anh hùng

60 năm trước, ngày 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm, Trung đoàn Không quân vận tải 919 (nay là Đoàn bay 919) đã được thành lập.

Là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiêu của Việt Nam, tài sản ban đầu của Đoàn bay 919 chỉ là 10 chiếc máy bay gồm các loại IL-14, Li-2; AN-2; Mi-4, Aero-45, Trener. Lớp huấn luyện phi công đầu tiên có 30 học viên được khai giảng ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng), mở đầu cho giai đoạn tự huấn luyện người lái sơ cấp, rút ngắn thời gian đào tạo ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu và vận tải hàng không dân dụng.

{keywords}
IL-14 là một trong những chiếc máy bay đầu tiên của Trung đoàn Không quân vận tải 919.

Ngay trong năm đầu tiên, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bay phục vụ Uỷ ban Quốc tế đi lại trên miền Bắc, chở hàng hoá trên các tuyến bay trong nước và đảm nhiệm bay chuyên cơ đưa Bác Hồ đi dự lễ thành lập Khu trị Tây Bắc. Giai đoạn 1965-1968, không quân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá Miền Bắc, Trung đoàn 919 dừng nhiệm vụ bay chở khách, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu, bay chuyên cơ, chở vũ khí đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ cho các chiến trường và tiếp tế vùng khó khăn.

Thắng lợi đầu tiên của Trung đoàn nói riêng và của lực lượng không quân Việt Nam nói chung được ghi dấu vào đêm 15/2/1964, khi tổ bay gồm 2 phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước điều khiển máy bay T-28 xuất kích từ sân bay Gia Lâm, tiếp cận và tiêu diệt gọn máy bay C-123 chở biệt kích Mỹ rơi xuống khu vực biên giới Việt-Lào. Trận thắng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Không quân ta bước vào mặt trận trên không với niềm tin vững chắc.

Trong hồi ký của Thượng úy phi công Nguyễn Văn Ba, ông cho biết không bao giờ quên khoảnh khắc phát hiện mục tiêu, nhả hết cơ số đạn vào chiếc C-123 để tiêu diệt “biệt kích trên không” và niềm hân hoan của đồng đội khi đón chiếc T-28 an toàn trở về sân bay Gia Lâm rạng sáng ngày 16/2. Sau trận thắng, tổ bay được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

{keywords}
Thượng úy phi công Nguyễn Văn Ba (trái) và Trung úy phi công Lê Tiến Phước (phải) trên ca bin máy bay T-28 số hiệu 963.

Phục vụ chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Đoàn bay 919 đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Trong đó có đạn pháp cho xe tăng, bản đồ thành phố Sài Gòn, cờ, biểu ngữ, truyền đơn… đáp ứng cho yêu cầu cấp bách của chiến dịch. Đằng đẵng trong cuộc khách chiến chống Mỹ cứu nước, lính Trung đoàn 919 chẳng bao giờ quên được cảm xúc bồn chồn trong những chiều rút ban chiến đấu, ở đơn vị nghe tiếng xe chở phi công về là cùng ùa ra cửa điểm danh xem ai còn, ai mất. Để rồi tự dặn lòng phải quyết lập nhiều chiến công mỗi khi nhận nhiệm vụ.

Làm chủ công nghệ mới

Trở thành đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong vai trò là nguồn nhân lực chính của đội bay, Đoàn bay 919 còn là lực lượng dự bị phục vụ an ninh, quốc phòng đất nước bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Với sự quan tâm đặc biệt của Vietnam Airlines dành cho công tác đổi mới công nghệ và hiện đại hoá đội tàu bay, phi công Đoàn bay 919 đã chính thức điều khiển, làm chủ các loại máy bay tân tiến nhất thế giới như Boeing 787, Airbus A350 và A321, đồng thời đảm nhiệm hầu hết các chuyến bay nội địa và quốc tế có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, tư tưởng và hiệu quả kinh tế.

{keywords}
Phi công Đoàn bay 919 hôm nay đã làm chủ các dòng máy bay tân tiến nhất thế giới như Airbus A350, Boeing 787.

Trong số các hãng hàng không dân dụng của Việt Nam, chỉ duy nhất Vietnam Airlines có quy định rèn giữa phi công bằng khoá học 3 tháng ở các trường sỹ quan không quân. Quá trình này nhằm trang bị những kiến thức, lý luận khoa học quân sự, rèn đức rèn tài và kinh nghiệm, kiến thức, bản lĩnh, nghị lực của những người lính cho các phi công trẻ trước khi nhận nhiệm vụ đi bay.

Chia sẻ về công tác đào tạo thế hệ phi công trẻ, anh Tô Ngọc Giang, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết: “60 năm về trước, điều kiện khai thác, trang thiết bị tuy còn kém nhưng các chú, các anh đã có thể thực hiện được những chuyến bay rất xa, đi những tuyến đường rất lạ. Họ đã dạy chúng tôi rất nhiều điều về tinh thần sáng tạo cũng như sự quyết tâm học hỏi.

Áp dụng vào hiện tại, khi đi dạy các phi công khác, tôi luôn nói rằng yêu cầu của một chuyến bay bình thường không quá nhiều, nhưng mình luôn phải tự tìm hiểu, tự học hỏi. Kiến thức đó có thể không dùng cho chuyến bay hôm nay hay ngày mai, nhưng rất có thể sẽ dùng cho chuyến bay tuần sau, khi mà sự cố hỏng hóc diễn ra hay điều kiện thời tiết xấu xảy đến. Việc học hỏi thường xuyên, trau dồi kiến thức là điều cực kỳ quan trọng đối với một phi công.”

{keywords}
Đoàn trưởng Tô Ngọc Giang cho rằng tinh thần không ngừng học hỏi là yếu tố quan trọng mà mọi phi công cần có.

Trải qua gần 60 năm trưởng thành và phát triển, Đoàn bay 919 vẫn giữ vững tinh thần chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo để đóng góp vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đến nay, Đoàn bay 919 đang quản lý gần 1.200 phi công với hơn 50 quốc tịch khác nhau. Từ chỗ phải gửi phi công đi huấn luyện chuyển loại tại nước ngoài, hiện Đoàn bay 919 đã đủ năng lực huấn luyện bay để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện toàn bộ đội ngũ phi công khai thác cho Vietnam Airlines, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hãng hàng không quốc gia nói riêng và ngành hàng không nước nhà nói chung.

Những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Đoàn bay 919:

- Huân chương Hồ Chí Minh (2009)

- Huân chương Lao động hạng nhất (2004)

- Huân chương Itxala hạng nhất (1999)

- Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhì (1994)

- Huân chương Quân công hạng nhất (1984)

- Huân chương Chiến công hạng nhì (1981)

- Huân chương Chiến công hạng nhất (1967)

Ngọc Minh