Biến động gần 5 năm tại Ngân hàng Sacombank hậu thời kỳ “Đặng Văn Thành” và hậu “Trầm Bê” sẽ chấm dứt với chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT sẽ có chủ mới trong khoảng một tháng tới.

5 năm biến động

'Sóng ngầm' tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) kéo dài thêm một tháng sau khi ngân hàng này bất ngờ thông báo chuyển ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) từ ngày 28/4 sang nửa cuối tháng 5/2017.

Lý do, theo ban tổ chức đại hội Sacombank là do chưa hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự cho HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2020, ngoài ra các tài liệu phục vụ đại hội cũng chưa được chuẩn bị thỏa đáng.

{keywords}
Vụ thâu tóm Sacombank sắp tới hồi kết.

Suốt thời gian gần 5 năm sau biến cố thay đổi nhóm cổ đông lớn (vụ thâu tóm Sacombank) gắn liền với sự rút lui của ông Đặng Văn Thành, vấn đề nhân sự cấp cao của ngân hàng này luôn là điều bí ẩn.

Ông Trầm Bê, người đứng đầu nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank hồi năm 2011-2012, đã rút lui từ 2015 (ủy quyền cho NHNN và cam kết không tham gia quản trị) và cho đến nay nhân vật sẽ ngồi vào ghế “nóng” mới sắp được bật mí với những cái tên khá quen thuộc.

Câu chuyện thâu tóm Sacombank sắp tới hồi kết khi mà hàng loạt các ứng cử viên nặng ký đã xuất hiện, từ các ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng có thâm niên hàng chục năm cho tới các ông lớn bất động sản hay cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nội dung trình đại hội, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 là 7 người. Trong đó, 1 thành viên HĐQT độc lập, tối thiểu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành ngân hàng và thành viên HĐQT độc lập.

Với cơ cấu cổ đông và những biến động giao dịch gần đây, có thể thấy, sẽ không có nhóm cổ đông nào mới từ bên ngoài vào. Hiện tại, hơn 50% vốn được chuyển giao từ gia đình ông Trầm Bê được NHNN giao VAMC quản lý. NHNN sẽ chọn đại diện phần vốn này. Vấn đề ở chỗ, cơ quan quản lý sẽ chọn ai cho chiếc ghế nóng cho một NHTMCP hàng đầu tại Việt Nam này?

Lộ diện ông chủ ghế nóng

Gương mặt gần gũi nhất hiện có thể được NHNN “chọn mặt gửi vàng” chính là chủ tịch đương nhiệm Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng có thể sẽ tái cử vị trí ghế nóng này với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng Vụ trưởng tại NHNN và kinh qua nhiều vị trí như Chủ tịch Công ty chứng khoán ACB, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sacombank. Gần đây, ông Kiều Hữu Dũng đã mua vào 300 ngàn cổ phiếu STB.

{keywords}

Ông Kiều Hữu Dũng được bổ nhiệm chức cụ chủ tịch HĐQT Sacobank từ 24/3/2014 thay cho ông Phạm Hữu Phú, ở vào thời kỳ ngân hàng này đang biến động rất mạnh sau khi Sacombank bị nhóm cổ đông gia đình ông Trầm Bê thâu tóm và chuẩn bị sáp nhập SouthernBank.

Ông Kiều Hữu Dũng là cử nhân Quan hệ quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế; Thạc sĩ Tài chính phát triển, Đại học London.

Một ứng cử viên khác là ông Nguyễn Miên Tuấn (1977), hiện là phó chủ tịch Sacombank. Ông Tuấn là thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Đại học Kinh tế T.P Hồ Chí Minh. Ông Tuấn cũng có 15 kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân hàng, chứng khoán và thị trường vốn ở Việt Nam. Ông từng là thành viên HĐQT Sacombank, thành viện CTCK Rồng Việt, thành viên HĐQT CTCP Pymepharco, Chuyên viên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM…

Tuy nhiên, gương mặt được nhắc đến nhiều nhất nhất có lẽ vẫn là ông Đặng Văn Thành. Trước đó ông Thành cùng với nhóm cổ đông nước ngoài, gồm: Evercore Group, Redsun Capital Limited đề đề xuất “bơm” vào Sacombank số tiền khủng gần 21 ngàn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối tại Sacombank.

“Ông Thành là người “đẻ” ra Sacombank. Sacombank là một ngân hàng có nền tảng rất vững, có hệ thống mạng lưới rộng, khách hàng trung thành, quản trị tốt… chỉ cần người hiểu nó là có thể vực được dậy. Sacombank sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim, nhất nhì trong nhóm các NHTMCP”, chuyên gia chứng khoán đánh giá.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, ông Thành và nhóm cổ đông nước ngoài đã bất ngờ có động thái rút lui. Hơn nữa, dù đã có công gây dựng và gắn bó với Sacombank nhưng sự trở lại của ông Thành sẽ khó hiện thực.Bởi vì, dù không có công bố nào nhưng giới đầu tư vẫn còn đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của nhà ông Thành trước khi phải rút lui khỏi Sacombank. Những thương vụ phải bán vội cổ phiếu để trừ nợ nhóm công ty gia đình vay Sacombank hay các phương án xử lý tài chính để ra đi êm thấm của cha con Thành... là một góc khất được quan tâm.

Xoay quanh phương án nhân sự cho Sacombank, nhiều người đang hướng đến mô hình của Eximbank tức là giữa ổn định nhân sự cho giai đoạn kế tiếp. Sự ổn định tổ chức dưới sự giám sát của NHNN là bước đi khả thi cho một tổ chức lớn đang vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ như Sacombank.

Trong khi đó, đã xuất hiện tin đồn về ông Nguyễn Đức Hưởng sau khi miễn nhiệm sẽ về Sacombank tranh chức chủ tịch. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, ông Hưởng rút lui khỏi LienVietPostBank trước hết là do nhu cầu cá nhân. Việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng khác nếu có sẽ chỉ khi Ngân hàng Nhà nước cần điều động nếu có. Và như thế, đó có thể chỉ là một giải pháp và một nhiệm vụ ngắn hạn thuần túy chuyên môn nên ông Hưởng khó có thể nắm chức chủ tịch.

Nguồn tin từ cơ quan quản lý tiết lộ, nếu có, ông Hưởng chỉ là một thành viên của Tổ giám sát của NHNN đối với các ngân hàng tái cơ cấu, trong đó có cả Sacombank. Được biết, nghỉ ở LienVietPostBank, ông Hưởng đang tham gia lớp học thi chuyên viên cao cấp công chức nhà nước.

V. Hà