Trong liveshow Đêm Việt Nam 8 sẽ diễn ngày 24/12 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của các ca sĩ : Như Quỳnh, Thu Phương, Ngọc Anh 3A, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Quang Lê. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện “lạ” của nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang và nghệ sĩ đàn tỳ bà Diệu Thảo.
NSƯT Lệ Giang lần đầu tiên xuất hiện với cây đàn bầu trong một chương trình ca nhạc cùng nhiều tên tuổi dòng nhạc nhẹ.
NSƯT đàn bầu Lệ Giang đang là giảng viên đàn bầu tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chị là học trò của NSND đàn bầu Thanh Tâm. Trong hơn 30 năm theo nghề, chị đã đi biểu diễn hơn 80 quốc gia trên thế giới, thường xuyên có mặt trong các chương trình nghệ thuật lớn của quốc gia, là một trong những nghệ sĩ đàn bầu tiêu biểu nhất hiện nay.
Cho đến thời điểm này, nhà sản xuất Đoàn Thuý Phương có thể nói là người trong việc đưa các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống lên các sân khấu biểu diễn mang tính thương mại, tạo nên một sự giao thoa mạnh mẽ và tôn vinh họ như họ xứng đáng được hưởng.
Trước đó, thángg 10/2022, live concert Chuyện của mùa thu nhà sản xuất Đoàn Thuý Phương cũng có màn kết hợp tài tình giữa nhạc trưởng- nghệ sĩ sáo trúc Đồng Quang Vinh và nghệ sĩ violin Anh Tú trong bài Trái tim không ngủ yên.
Hay sự kết hợp thăng hoa của nghệ sĩ đàn tỳ bà Diệu Thảo và violin Anh Tú ở live concert Dáng em cũng là một ấn tượng mạnh. Sự mềm mại, dịu dàng mà sâu lắng của tỳ bà kết hợp cùng cái say, nồng, nét hào hoa của violin đã đem đến một câu chuyện âm nhạc mới, một xúc cảm rất mới cho người thưởng thức.
Những thành công liên tiếp đó là chất xúc tác để Đoàn Thúy Phương giàu cảm hứng hơn trên hành trình đưa nhạc cụ dân tộc lên sân khấu biểu diễn mang tính thương mại, khai mở cho nhạc cụ dân tộc những chiều kích mới, không gian mới trong biểu diễn.
Vốn là người đắm đuối với nghệ thuật truyền thống, từ nhỏ đã mê cải lương, ước mơ trở thành diễn viên cải lương, cũng từng được tuyển vào đoàn cải lương Chuông vàng (Hà Nội), nếu mẹ chị không ngăn cản vì sợ con gái theo nghiệp nghệ thuật truyền thống sẽ vất vả thì chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương giờ này có lẽ đã là một diễn viên cải lương.
Không được đi theo đam mê, Đoàn Thúy Phương vẫn tìm cách được sống với đam mê ấy bằng việc thực hiện chuỗi chương trình Ngôi sao phương Nam vừa mới kỷ niệm tròn 1 thập kỷ diễn ra. Chuỗi chương trình giúp những người yêu cải lương Hà Nội sống lại với ký ức vàng son của cải lương Sài Gòn một thời, đồng thời lan tỏa hơn nữa tình yêu cải lương, yêu nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại hôm nay.
Và, đến giờ khi thành công với hàng loạt chương trình nghệ thuật đình đám, Đoàn Thúy Phương lại tiếp tục lan tỏa, nhân rộng tình yêu với nghệ thuật truyền thống khi đưa các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống lên những sân khấu biểu diễn.
Cái khéo léo, tinh tế nữa của Đoàn Thúy Phương là chị đưa nhạc cụ truyền thống lên sân khấu ca nhạc một cách rất mới, bằng sự kết hợp với nhạc cụ phương Tây, bằng việc thể hiện những sáng tác hot, hit, bất hủ… Từ đó, khán giả thấy một sự gần gũi đặc biệt, xóa đi những định kiến ban đầu về nhạc cụ dân tộc vốn tưởng như chỉ quen thuộc với các tác phẩm nghệ thuật dân gian.
Nhờ đó, các tiết mục biểu diễn này vừa trở thành “món ăn” lạ, vừa trở thành điểm nhấn của chương trình, đặc biệt hơn nữa là lan tỏa được tình yêu nhạc cụ dân tộc đối với đông đảo khán giả. Đồng thời cũng chứng minh được biên độ không giới hạn trong trình diễn của các nhạc cụ dân tộc, luôn có sự giao hòa với âm nhạc hiện đại, dễ dàng chinh phục được khán giả hiện đại, khán giả trẻ nếu biết cách khai thác.