- Kết quả điều tra của Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2011 (MEI 2011) cho thấy các bộ chưa thực sự chủ động và cầu thị trong tham khảo ý kiến doanh nghiệp phục vụ soạn thảo luật.
Lần đầu tiên ra mắt, MEI 2011 đưa ra một bức tranh toàn cảnh "tuy không tối nhưng thiếu điểm sáng" về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ. Cảm nhận của 207 Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện hơn 419.000 doanh nghiệp cả nước, chỉ ra những hoạt động "khó nhưng được giám sát chặt chẽ" như xây dựng dự thảo luật và tổ chức thi hành pháp luật, được các bộ thực hiện không tồi.
Trong khi đó, các hoạt động "dễ nhưng cần chủ động, thiện chí, tinh thần cầu thị và thói quen dân chủ" như lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội cho các dự thảo luật, và thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lại bị các bộ buông lỏng, thể hiện ở điểm chấm cho các chỉ số này rất thấp.
Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan. |
Trả lời VietNamNet bên lề lễ công bố MEI 2011 sáng nay (28/12), Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích sâu hơn về phát hiện này của cuộc điều tra.
- Bà có đồng ý với nhận định của MEI 2011 rằng "những việc ít phức tạp, đòi hỏi sự chủ động, thiện chí của các bộ" như lấy ý kiến DN, công bố thông tin lại bị các bộ buông lỏng?
Nhận định này của doanh nghiệp là xác đáng, là chuyện thực tế diễn ra ở nhiều nơi. Các bộ chưa thật cầu thị nên việc dễ nhất là mời doanh nghiệp đến hỏi cũng không buồn làm, ngay cả tổ chức họp hành mất công cũng không nghe. Về động tác thì việc này dễ hơn nhiều so với việc ngồi nghiên cứu để thiết kế, soạn thảo các điều khoản trong dự thảo luật.
Dễ hay khó còn do quan điểm từng người nhưng đây chắc chắn không phải việc quá khó mà không làm được. Có lẽ nguyên nhân chính là từ ý thức, các bộ chưa coi việc tham khảo ý kiến doanh nghiệp là quan trọng, vẫn coi việc thiết kế luật là việc của mình.
- Phải chăng vì thế mà khi được hỏi ý kiến, các doanh nghiệp cũng không mặn mà?
Các doanh nghiệp luôn quan sát, nếu thấy thực sự được lắng nghe, họ sẽ hào hứng góp ý. Ví dụ điển hình là Luật Doanh nghiệp năm 1999. Luật này thậm chí còn được nhận định "gần như là một tác phẩm của doanh nghiệp" chứ không phải chỉ của những người soạn thảo. Doanh nghiệp được tham gia soạn thảo nên họ hiểu, đánh giá cao và thực hiện luật thuận lợi.
Sau này cũng có những tham vấn khác nhưng doanh nghiệp lại thờ ơ, chán nản vì họp hành nhiều mà ý kiến cứ chìm nghỉm đi đâu. Nhiều hiệp hội còn cho biết các bộ gửi văn bản hỏi ý kiến và yêu cầu trả lời ngay trong một thời gian rất ngắn. Các hiệp hội làm việc theo nguyên tắc hỏi ý kiến doanh nghiệp chứ không đưa ý kiến chủ quan của lãnh đạo hiệp hội, do vậy nếu các bộ thực sự muốn hỏi ý kiến doanh nghiệp, phải cho họ thời gian nghiên cứu trả lời.
Cũng cần cung cấp đầy đủ tư liệu. Quá trình soạn thảo luật có nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm các nước, tài liệu nhiều hàng đống mà cung cấp cho doanh nghiệp đôi khi chỉ là bản tóm tắt dự thảo luật. Không hiểu những ý tưởng và mục đích đằng sau luật thì doanh nghiệp sao có thể góp ý.
- Liệu có phải chưa có chế tài nên các bộ làm việc này hời hợt?
Việc tham vấn đối tượng chịu tác động của luật là bắt buộc, nhưng chế tài chưa nghiêm, nên các bộ đôi khi "chịu khó" tổ chức tham vấn để báo cáo trong tờ trình - đã tổ chức bao nhiêu cuộc tham vấn, có bao nhiêu ý kiến góp ý... Song điều không sòng phẳng là trong đó, bao nhiêu ý kiến đồng tình, bao nhiêu không đồng tình với thiết kế của dự thảo, không đồng tình điểm gì, tại sao cơ quan soạn thảo không tiếp thu... thì không được nói rõ. Các cơ quan cấp cao hơn cần đòi hỏi các bộ khi trình dự luật phải báo cáo cả những sự trao đi đổi lại như thế.
- Vậy những nghiên cứu như MEI 2011 có thể phần nào thúc đẩy việc này ở các bộ?
Chắc chắn các bộ sẽ phải xem lại và nhìn nhận những việc chưa hợp lý. Điều quan trọng là các bộ phải thấy được hệ quả của việc không hỏi ý kiến DN tới nơi tới chốn hoặc bỏ qua ý kiến doanh nghiệp - nó làm hiệu lực thi hành luật yếu đi đáng kể, làm giảm nhiệt tình của doanh nghiệp.
Khi người ta ít tham gia, người ta không hiểu luật, quá trình thực hiện sẽ khó khăn, vi phạm tăng, các cơ quan lại phải chạy theo xử lý. Ngược lại, nếu chịu khó làm tốt khâu đầu tiên khi soạn thảo luật, gánh nặng của cả nhà nước và xã hội trong thực hiện luật sẽ giảm đi nhiều.
MEI 2011 (Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2011) được xây dựng chủ yếu dựa trên điều tra cảm nhận của các hiệp hội doanh nghiệp về các hoạt động xây dựng dự luật; lấy ý kiến đóng góp cho dự luật; chất lượng ban hành luật; thông tin, tuyên truyền, phổ biến luật; tổ chức thi hành luật và rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành luật liên quan đến kinh doanh của các bộ. 14 bộ được khảo sát gồm Công thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học - Công nghệ, Lao động - Thương bình và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông, Tư pháp, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế và Ngân hàng Nhà nước. MEI 2011 nhận được trả lời điều tra của 207 Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho 419.641 doanh nghiệp trong cả nước. Kết quả tổng thế cho thấy không có bộ nào yếu kém, tụt hậu nhưng cũng không có bộ nào nổi trội, khá tốt, tất cả đều ở mức trung bình. Hai nhóm hoạt động được đánh giá cao là "xây dựng dự thảo luật" và "tổ chức thi hành luật", hai nhóm hoạt động bị chấm điểm thấp là "lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của luật" và "rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành luật". Cùng với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), MEI được hy vọng thúc đẩy các nỗ lực từ phía các cơ quan hành pháp trong việc cỉa thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
|
Thuỷ Chung