Chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn

Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hiện đang được chủ đầu tư PVN/Ban quản lý dự án  (QLDA) phối hợp với Tổng thầu Lilama và các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai, tập trung các nguồn lực để thực hiện, phấn đấu đưa vào vận hành thương mại trong thời gian sớm nhất.

Trong quá trình triển khai mặc dù đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc; đặc biệt trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị ảnh hưởng do tác động kép của giá dầu giảm sâu và dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhưng vượt qua những khó khăn, thách thức đó, với những nỗ lực của tập thể, cán bộ, người lao động trên công trường, đến nay tổng khối lượng công việc dự án đã đạt được khoảng 88.94%.

{keywords}
 

Ông Hồ Xuân Hiền - Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cho biết: Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, Ban QLDA đã chỉ đạo, phối hợp cùng Tổng thầu LiLama triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, tập trung thúc đẩy, triển khai các hạng mục nhằm phục vụ đốt lửa lần đầu Lò hơi số 1 bằng dầu cũng như đạt được các mốc tiến độ khác theo kế hoạch. Trong đó, 2 công trình: “Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu” và “Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thành công” đã được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Đoàn Công Đức - Giám đốc công ty điện lực dầu khí Cà Mau cho biết: Để ổn định được mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các phần việc như: Thực hiện in các hình ảnh trực quan, thông báo hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 được dán tại những khu vực người lao động dễ quan sát; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đến từng cán bộ, người lao động và các nhà thầu đang làm việc tại 2 nhà máy điện Cà Mau 1&2. Thường xuyên trao đổi thông tin với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh từ cổng thông tin của Bộ Y tế để cập nhật ứng phó dịch bệnh một cách kịp thời. Cập nhật và báo cáo cho chính quyền địa phương, danh sách nhân viên nhà thầu từ các tỉnh, thành phố đến công ty làm việc.

“Thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xây dựng phương án ứng phó tình huống dịch bệnh; xây dựng Quy trình vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phun khử khuẩn hàng ngày tại nơi làm việc, khu bếp ăn tập thể và khu nhà ở của cán bộ, người lao động” - ông Đoàn Công Đức cho hay.

Ngoài ra, công ty còn phân công lực lượng bảo vệ trực tại cổng ra vào nhà máy kiểm tra sàng lọc sức khỏe người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở để báo cáo nhanh cho Ban Chỉ huy phòng chống dịch, có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời công ty đã xây dựng “Phương án thiết lập khu vực an toàn phòng tránh dịch Covid-19” và ban hành hướng dẫn cách ly tạm thời, nhằm cách ly hoàn toàn lực lượng trực tiếp vận hành thiết bị với người lao động làm công tác văn phòng trong thời gian dịch bệnh lan rộng.

{keywords}
 

Đại diện công ty khí Cà Mau cho biết từ ngày 31/1/2020, Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã nhanh chóng triển khai gấp rút các biện pháp để đối phó, phòng chống dịch Covid-19. Công ty đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống Covid 19 tại KCM, ban hành 6 chỉ thị, 1 kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo tình huống dịch bệnh tại Việt Nam và địa phương. Định kỳ hàng tuần Ban chỉ huy họp, cập nhật tình hình dịch bệnh và chỉ đạo phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động

Theo ông Trần Công Tín - Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro, trong bối cảnh 9 tháng đầu năm 2020, phần lớn các công ty đều khó khăn, thua lỗ do tác động của cuộc "khủng hoảng kép" từ giá dầu suy giảm và dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Vietsovpetro đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, xuyên suốt nhằm ứng phó kịp thời với “khủng hoảng kép”.

“Đến thời điểm hiện tại trong liên doanh Vietsovpetro không phát hiện ca nhiễm Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục, ổn định và an toàn”- ông Trần Công Tín chia sẻ.

Là đơn vị có các hoạt động ở nước ngoài, công ty POS cho hay mặc dù phải đưa một số lượng lớn cán bộ công nhân viên, người lao động ra nước ngoài thực hiện công việc, dự án cũng như các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty POS chưa có ca mắc bệnh, không còn trường hợp nào phải theo dõi, cách ly. Các công trình, dự án của POS tuy bị chậm tiến độ do ảnh hưởng nhưng vẫn tiếp tục được triển khai, vận hành liên tục, ổn định và an toàn.

“Tổng quan trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty đã triển khai tốt kế hoạch được giao, tiếp tục mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và từng bước nâng cao thương hiệu, uy tín của công ty tại thị trường trong nước và nước ngoài”, báo cáo của công ty nhấn mạnh.

Yên tâm trước kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 dù đối đầu nhiều khó khăn, đại diện Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí cho hay: Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 5.960 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch năm. Mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch nhưng lợi nhuận đạt 718 tỷ, tăng mạnh do công ty đã kiểm soát tốt và tối ưu hóa các khoản chi phí, tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, dẫn tới giá thành sản xuất các sản phẩm chính giảm 7-17%.

Ngọc Minh