Theo khảo sát của ICTnews, thị trường điện máy tại miền Bắc đang chứng kiến cuộc chạy đua cạnh tranh, mở điểm bán mới của một số hệ thống lớn như Media Mart, Pico, Trần Anh, HC, TopCare…

Hệ thống Trần Anh sau khi mở liên tiếp 7 siêu thị tại Hà Nội trong năm 2013 thì từ đầu năm 2014 đến nay mới mở thêm 1 điểm tại Ninh Bình, nâng tổng số siêu thị lên 11. Tương tự, hệ thống siêu thị HC cũng sở hữu 11 điểm bán, “tham chiến” tại Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa...

Hệ thống Media Mart, sau khi khai trương hai siêu thị vào giữa tháng 7 tại Hà Nội và Thanh Hóa đã kịp nâng tổng số điểm bán lên 14.

Trong khi đó, Pico và TopCare mới chỉ dậm chân ở con số 4 siêu thị, đồng thời chưa hé lộ bất cứ động thái gì về việc sẽ mở rộng ra các tỉnh.

Như vậy, trong số 5 tên tuổi nói trên của miền Bắc thì cuộc chạy đua mở điểm mới tính đến thời điểm hiện nay chỉ sôi động ở top 3 doanh nghiệp với Trần Anh, Media Mart và HC. Trong đó, đáng chú ý MediaMart là hệ thống có độ phủ rộng nhất.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Martketing Media Mart cho hay: Từ nay tới hết quý 3/2014, MediaMart còn tiếp tục có mặt tại một số thị trường trọng điểm khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An... Trong đó, doanh nghiệp này cũng coi thành phố Vinh (Nghệ An) là thị trường tiềm năng, là bàn đạp giúp phủ rộng hơn tại thị trường miền Trung.

Ngoài Media Mart, hệ thống siêu thị HC cũng ráo riết chuẩn bị mở siêu thị mới tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh để chính thức đặt chân vào thị trường miền Trung, buộc các doanh nghiệp tại đây phải “chia sẻ” miếng bánh thị phần.

Với lợi thế về số lượng điểm bán quy mô lớn, chủng loại hàng hóa đa dạng, không gian trưng bày, trải nghiệm và bán hàng lớn, giá bán phù hợp, nhiều khuyến mãi… ngày càng nhiều khách hàng chuyển qua kênh các siêu thị điện máy để mua sắm thay vì những cửa hàng nhỏ lẻ.

Đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK cho thấy, ngay trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng chi tiêu của thị trường điện máy tại Việt Nam đã tăng 27,5% so với cùng kỳ 2013, đạt xấp xỉ 35.000 tỷ đồng (mức cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, chỉ tính riêng tổng chi tiêu của mặt hàng điện thoại di động và máy tính bảng đã lên tới 16.000 tỷ đồng.

GfK cũng nhận định, chính mức tăng trưởng khả quan nói trên vẫn đang lôi kéo hàng loạt các doanh nghiệp vào cuộc đua mở rộng thị phần.