Mặc dù thời gian qua đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ được ban hành, nhưng theo các doanh nghiệp, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận.

Trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử nói riêng trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng, mà hiện họ rất cần những chính sách hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả. 

Đánh giá về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, các chính sách về phát triển, về ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ gần như là các doanh nghiệp FDI đáp ứng các tiêu chí nhanh hơn các doanh nghiệp nội địa. 

Bởi vì những doanh nghiệp nội địa của chúng ta, nếu theo như tiêu chí đưa ra thì phải là một doanh nghiệp mới  thành lập, đầu tư mới và chỉ sản xuất công nghiệp hỗ trợ và chỉ xuất cho những ông lớn công nghệ. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt mang tính đa dạng nhiều hơn, cho nên họ có thể có một mảng này họ làm cho doanh nghiệp FDI, và cũng làm mảng khác cung cấp cho doanh nghiệp trong nước.

Vì thế khi đối chiếu theo Nghị định 111 của công nghiệp hỗ trợ thì họ chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp này cũng sẽ không được hưởng những các ưu đãi trong khi họ có khá nhiều mảng sản xuất công nghiệp hỗ trợ. 

"Chúng tôi đã có nhiều lần kiến nghị. Thực ra Bộ Công thương là đơn vị xây dựng bộ chính sách này cũng đã nhìn nhận ra những hạn chế của Nghị định 111 và cũng đã nỗ lực trong nhiều năm để sửa đổi. Hiện giờ việc sửa đổi đã không còn là sửa đổi nữa mà nâng lên thành Luật phát triển công nghiệp hỗ trợ mang tính bao trùm hơn, hứa hẹn sẽ giải tỏa những vấn đề còn vướng mắc của Nghị định 111 đã ban hành từ năm 2016", bà Hương nói.

Tuy nhiên, theo bà Hương, quá trình soạn Luật công nghiệp hỗ trợ trải qua nhiều bước kiểm định theo quy định của quốc gia khá khắt khe và phải qua nhiều tầng lớp thẩm định của các bộ ngành. Nên đến giờ vẫn chưa được ban hành, trong khi đó các doanh nghiệp Việt hiện chưa thực sự được hưởng đầy đủ các chính sách. Hiệp hội cũng đã nhiều lần kiến nghị không nên cấp giấy chứng nhận sau đó mới được hưởng chính sách hỗ trợ. 

Bà Hương cho rằng, những ưu đãi về thuế, chúng ta ưu đãi ngay trên hóa đơn đầu ra cho doanh nghiệp sẽ rất là hợp lý và cũng không sợ doanh nghiệp khai báo gian dối. Bởi vì nó rất rõ ràng. 

"Doanh nghiệp, Hiệp hội, Cơ quan hoạch định chính sách cần ngồi với nhau, thảo luận sâu để làm sao các chính sách đề ra đi vào cuộc sống thực sự hài hòa và tạo thuận lợi cũng như cơ hội nhiều nhất cho doanh nghiệp Việt", bà Hương chia sẻ. 

Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho biết, cần có những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được các ưu đãi.

Cụ thể ở đây là cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng tốt hơn, lãi vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất. Cùng đó là các giải pháp về đào tạo, nâng cao quản trị.... 

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng nhất trí cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi nào được “Luật hóa”, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới có khả năng tiếp cận được cụ thể các gói ưu đãi một cách dễ dàng và minh bạch.

Thu Ngân