- Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến "Kỹ năng cho phát triển, góc nhìn doanh nghiệp", các khách mời đã chia sẻ câu chuyện khoảng cách giữa nhà tuyển dụng lao động và nhà trường cũng như những nỗ lực xích lại gần nhau.
Xem phần 1 TẠI ĐÂY
Xem khách mời TẠI ĐÂY
Bà Phạm Thị Hồng Ánh, Giám đốc Nhân sự, Công ty Ernst & Young Việt Nam. Bà đã có 19 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty, trong đó có 17 năm trực tiếp tham gia tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Hạ Anh: Tôi thấy ở đây có điều đáng lưu tâm khi ông Christian trao đổi, và cũng là vấn đề mà nhiều bạn đọc đặt ra khi gửi câu hỏi qua hệ thống trực tuyến. Đó là sự trao đổi thông tin, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam không tốt bằng các nước ở hiện tại, thậm chí là cách đây 20 năm. Chúng ta lý giải điều này như thế nào, đứng ở góc độ doanh nghiệp?
Ông Lê Tiến Trường: Tôi cho rằng sự hạn chế mối liên kết ở doanh nghiệp và nhà trường Việt Nam có 2 nguyên nhân chính.
Về mặt khách quan, trong vòng 20 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh, nhu cầu về nhân lực lớn.
Chính vì thế, số lượng được đào tạo ra trong trường về cơ bản trong giai đoạn vừa qua là được tiếp nhận hết. Dẫn đến việc, bản thân nhà cung ứng nguồn nhân lực trên thị trường không có cảm nhận sâu sắc về việc nguồn cung của mình có đạt chất lượng so với nhu cầu hay chưa. Đây cũng là một bài toán trong cung - cầu nhân lực trong giai đoạn vừa qua.
Đến nay, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cũng khác đi mới bộc lộ rõ hơn về phương diện chất lượng giữa cung và cầu. Lúc trước thì ta quan tâm nhiều đến số lượng hơn. Chính vì thế, nhu cầu, động lực đến giữa cả bên cầu và bên cung cho việc thông tin với nhau trong giai đoạn trước đây là không cao. Đấy là nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là do cả trong tư duy của những người làm đào tạo nhân lực.
Trước đây, một hệ thống giáo dục quốc dân được đào tạo hoàn toàn miễn phí và cho rằng mình đã sản xuất ra nguồn nhân lực như vậy là xã hội sẽ dùng. Người sử dụng lao động Việt Nam cũng thoát ly từ các doanh nghiệp nhà nước cũ, nguyên tắc làm việc cũng còn chậm đổi mới. Cho nên, họ cũng cho rằng mình là nơi tiếp nhận nhân lực đó để sử dụng, khi không đạt thì kêu. Bên kia thì cứ biết đào tạo số lượng mà mình đã tuyển vào mà chưa thực sự hình thành một thị trường lao động đúng nghĩa trên thị trường.
Chính ở chỗ không gặp nhau trên thị trường nên dẫn tới sự thiếu hụt. Cho tới giờ, các hoạt động tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung đòi hỏi một cấp độ cao hơn. Lúc đó, bắt buộc phải đi vào chất lượng của nguồn nhân lực.
Cũng như chính phủ chuyển đổi giai đoạn mới “chuyển sang tăng trưởng về chất”, nhu cầu “một thị trường lao động đúng nghĩa” mới phát sinh. Chắc chắn rằng, nhu cầu như thế sẽ là một lực đẩy để các bên tiến lại gần nhau hơn.
Và thực tiễn trong một vài năm vừa rồi, những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển khá tốt. Bản thân doanh nghiệp cũng tự động lại gần các trung tâm đào tạo có uy tín này để trao đổi thông tin về nhu cầu của mình.
Ông Lê Tiến Trường: "Bản thân doanh nghiệp cũng tự động lại gần các trung tâm đào tạo có uy tín này để trao đổi thông tin về nhu cầu của mình". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Hạ Anh: Một tín hiệu tốt là sự dịch chuyển về phía các trường đại học hàng đầu tới các doanh nghiệp hoặc từ phía doanh nghiệp về các trường đại học. Anh có thể phân tích hoặc giới thiệu một số thông tin cho các tín hiệu như vậy được không?
Ông Lê Tiến Trường: Rõ ràng, cả hai bên đều cảm nhận thấy nếu không có sự liên kết với nhau thì sẽ có một sự lãng phí nhất định.
Đối với bên đào tạo, trong thời gian đào tạo đưa ra một sản phẩm chưa được thị trường chấp nhận hoàn toàn hoặc phải đào tạo lại hay đào tạo bổ sung. Bên phía doanh nghiệp cũng thấy rằng, mình tuyển những người đã có bằng cấp nhưng không sử dụng được ngay và thời gian dành cho đào tạo lại, đào tạo bổ sung quá lớn.
Bởi vậy hiện tại, đối với những doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường, nhất là những doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài như chỗ chị Hồng Ánh chẳng hạn thì càng có một quyền lực nhất định của người tuyển dụng. Quyền lực ấy được thể hiện thông qua những yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo. Và trước hết là yêu cầu đối với những cơ sở đào tạo có uy tín. Công ty hàng đầu thì sẽ đi đến với “đại học hàng đầu” để nói với nhau về những câu chuyện là sẽ làm những chuyện gì với nhau.
Ngay như chúng tôi, cũng có quan hệ rất chặt chẽ với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM trong đào tạo người làm kỹ thuật của ngành dệt may.
Có một giai đoạn, khoảng cách giữa sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu của doanh nghiệp đã cách rất xa nhau, gần như là không thể dùng được ngay. Thậm chí, doanh nghiệp phải đào tạo về kỹ năng kỹ thuật, không nói đến kỹ năng mềm, mà chỉ nói về kiến thức kỹ thuật thôi gọi là năng lực của những người nhân viên này thôi thì cũng đã có những sự thiếu hụt.
Và vì thế mà chúng tôi cũng rất chủ động, đã có những chương trình được thiết kế bởi bên người sử dụng lao động chứ không phải chỉ hoàn toàn là nhà trường.
Có những môn học như thế và có những thời gian làm việc, trao đổi của sinh viên tại doanh nghiệp và có cả định hướng đề tài tốt nghiệp cho doanh nghiệp.
Sau đó, những sinh viên tốt nghiệp với những đề tài như thế có thể về trực tiếp các doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu.
Đó là những cách mà trong giai đoạn vừa qua đã rất cần, đặc biệt là trong khối kỹ thuật của ngành dệt may là ngành mà không thu hút được học viên trong khoảng chục năm trở lại đây.
Nhà báo Hạ Anh: Còn bây giờ thì khởi sắc hơn không ạ?
Ông Lê Tiến Trường: Với cách làm như thế, chúng tôi đảm bảo được ít nhất hai chuyện của tập đoàn về mặt chất lượng và đảm bảo một cách tương đối số lượng vẫn còn thiếu hụt vì sự hấp dẫn của ngành này trên thị trường không cao.
Chúng tôi phải thay đổi cả phương diện về cách làm cho ngành nghề của mình trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường như tiền lương hay điều kiện làm việc.
Bản thân ngành chúng tôi cũng phải nâng cấp và chuyển đổi trường cao đẳng thành trường đại học để đào tạo theo hướng đại học kỹ thuật. Gọi là kỹ sư thực hành cho chính ngành của chúng tôi
Trường cao đẳng được nâng lên đại học của mình để làm phần kỹ sư thực hành. Còn kỹ sư nghiên cứu, kỹ sư bậc cao thì vẫn phải trông đợi vào các trường đại học, các trung tâm kỹ thuật lớn của quốc gia.
Nhà báo Hạ Anh: Trong phần đầu của buổi bàn tròn này, anh Christian vừa đề cập tới những kỹ năng cơ bản thiết yếu đối với các nhân lực trình độ cao. Trong thực tế, anh thấy chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình so với các khuyến nghị từ nghiên cứu đặt ra liệu đã đáp ứng được chưa?
Ông Lê Tiến Trường: Tôi nghĩ rằng nghiên cứu là hoàn toàn chính xác.
Đối với doanh nghiệp, chúng tôi luôn chia ra hai mức độ quan tâm về chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ nhất, đương nhiên phải là những kiến thức thuộc về chuyên môn của nghề đó; trước khi nói về những cái như kỹ năng mềm, những kỹ năng hỗ trợ. Những kỹ năng gốc, kỹ năng cho nghề, kiến thức cho nghề phải đảm bảo. Cho nên, chúng tôi chia theo thứ tự ưu tiên. Trước hết phải tập trung cải thiện kiến thức nghề, kiến thức chính đề dùng cho công việc.
Thứ hai, đã nói đến là kỹ năng, tức là nói đến khái niệm của một việc phải có sự rèn luyện, phải có sự diễn tập. Việc rèn luyện và diễn tập hiện nay ở trong nhà trường - dù đã nhận thức ra đây là những cái cần phải bổ sung -nhưng cơ hội cho học viên được thực hành những kỹ năng thực sự là còn rất ít.
Cho nên, xác định ra khoảng cách là một chuyện. Còn việc dịch chuyển trong hệ thống đào tạo để những khoảng cách này được thu hẹp thì chưa được xử lý tốt và nhanh trong giai đoạn vừa qua.
Điều này chỉ có được ở một số trường đại học lớn hoặc những khoa quốc tế, khoa nâng cao của các trường như Ngoại thương hay ĐH Bách khoa, ĐH quốc gia; các lớp chất lượng cao của những trường này làm được, do số lượng học viên ít, điều kiện học tập tốt hơn và có thời gian để rèn luyện kỹ năng.
Còn phần lớn sinh viên, mặc dù nhận thức được, thầy giáo cũng nhận thức được, nhà trường cũng nhận thức được nhưng trong thiết kế chương trình và điều kiện giảng dạy lại không có được điều kiện thực hành, rèn luyện. Vì thế đến khi gặp nhà tuyển dụng thì vẫn cho thấy khoảng cách này tiếp tục tồn tại.
Bà Phạm Thị Hồng Ánh: "Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Việc bắt tay giữa doanh nghiệp - nhà trường không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhà báo Hạ Anh: Thưa chị Hồng Ánh, chị làm công tác nhân sự đã gần 20 năm. Theo quan sát của chị và quá trình thực tiễn tuyển dụng cũng như đào tạo nhân sự, chị thấy vấn đề này có những biến đổi gì?
Bà Phạm Thị Hồng Ánh: Về cơ bản, tôi hoàn toàn đồng ý với anh Trường.
Đã có những biến đổi về việc nâng cao kỹ năng của sinh viên khi tốt nghiệp. Có lẽ, chúng tôi làm trong ngành kế toán, kiểm toán và nhóm đối tượng sinh viên cũng thường đến từ những đại học hàng đầu của Việt Nam.
Chúng tôi thấy bản thân các trường đại học chuyển dịch rất linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Ví dụ, hợp tác rất nhiều với các doanh nghiệp, không chỉ trong việc trao học bổng mà còn trong quá trình đạo tạo.
Bản thân công ty Ernst & Young đã từng cử rất nhiều anh chị là lãnh đạo hoặc những người có năng lực lâu năm trong công việc đến để trực tiếp giảng dạy một số môn về chuyên ngành tại các trường đại học.
Chính điều này được sinh viên đánh giá cao bởi vì họ được nghe từ người làm nghề thực tế và được chia sẻ kinh nghiệm.
Điều đó sẽ giúp cho sinh viên có định hướng công việc tốt hơn. Từ đó, họ sẽ biết những kỹ năng nào phải trau dồi và nâng cao để đáp ứng yêu cầu của công việc trong tương lai.
Tôi cũng mong rằng, mô hình này sẽ được nhân rộng ra và không chỉ các trường đại học hàng đầu của Việt Nam mà các trường đại học trên khắp mọi miền sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bởi vì với những doanh nghiệp này, nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Tôi tin rằng, việc này không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc.
Đó là sự hợp tác của doanh nghiệp để có sự phát triển chung về nguồn nhân lực. Đó là sự phát triển cho đất nước nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng.
Phần 3: Cá nhân xây dựng năng lực cạnh tranh
- Thực hiện: Ban Giáo dục