Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 vừa được Bộ Tài chính, và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/12 với nhiều ý kiến thẳng thắn.

Doanh nghiệp sợi 'kêu cứu', Hải quan nói 'đã làm hết khả năng'

“Công ty chúng tôi và nhiều doanh nghiệp bông sợi khác tại tỉnh Thái Bình sản xuất sợi OE, nguyên liệu sản xuất chủ yếu là bông rơi nhập khẩu. Cuối năm 2023 đầu 2024, theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan Hải Phòng đã lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu và gửi Viện Dệt may thuộc Bộ Công Thương để giám định. Kết quả giám định là bông phế".

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phụ trách pháp chế và đại diện pháp lý của Công ty TNHH Bông Thái Bình mở đầu câu chuyện của doanh nghiệp mình với đầy tâm tư. 

"Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định Việt Nam chưa có tiêu chuẩn phế liệu bông nên việc Viện Dệt may kết luận giám định bông phế là không có cơ sở. Tuy nhiên, dựa vào kết quả giám định, Hải quan Hải phòng không cho thông quan”, ông Hùng kể.

Vì thế, các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Tài chính chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết vấn đề nhập khẩu bông rơi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song 1 năm nay chưa thấy được đồng hành.

Nha may soi Thai Binh.jpg
Nhà máy sợi OE Logitex (Thái Bình) trên bờ vực phá sản vì không được nhập khẩu bông rơi chải thô để sản xuất. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không được thông quan, một số doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất nên buộc phải đóng cửa; một số sản xuất cầm chừng do phải mua lại bông rơi của các đơn vị nhập khẩu khác.

“Nếu bông rơi là phế liệu không được phép nhập khẩu thì có thể buộc tiêu hủy hoặc buộc tái xuất, nhưng Hải quan Hải Phòng cũng như Tổng cục Hải quan không có hướng xử lý dứt điểm. Các doanh nghiệp phải chi trả tiền kho bãi gần 1 năm nay, số tiền lên đến nhiều tỷ đồng”, ông Hùng chia sẻ. 

Về phản ánh trên của doanh nghiệp, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, giải thích, bông rơi chia thành 2 loại: chải thô và chải kỹ. Khi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định bông rơi chải kỹ không phải phế liệu, nên được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sợi OE. Doanh nghiệp nhập khẩu bông rơi chải kỹ không có vướng mắc gì.

Nhưng với bông rơi chải thô, mặc dù doanh nghiệp khai báo, nhưng khi phân tích giám định thì tỷ lệ tạp chất rất cao, có trường hợp lên tới 40%.

Tổng cục Hải quan đã làm việc với Bộ Công Thương (liên quan dệt may), Bộ Tài nguyên Môi trường (liên quan phế liệu), Bộ Tư pháp (liên quan tính pháp lý) để tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp. Hiện tại, tất cả doanh nghiệp nhập khẩu bông rơi chải thô đều bị vướng. Chúng tôi đã làm hết khả năng trong thẩm quyền", ông Tưởng cho hay Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ vấn đề này.

Tuy nhiên, trao đổi với PV VietNamNet bên lề hội nghị về nội dung trả lời của đại diện Tổng cục Hải quan, ông Ngô Mạnh Hùng bày tỏ: “Chúng tôi chưa thỏa mãn với nội dung trả lời”. 

“Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đoàn công tác tham quan thực tế sản xuất sợi từ bông rơi chải thô để có kiến nghị chính sách phù hợp”, ông Hùng đề xuất.

Bị doanh nghiệp khởi kiện, Tổng cục Thuế cam kết sẽ bồi thường nếu làm sai

Tại hội nghị, ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát phản ánh một câu chuyện đã kéo dài nhiều năm nay.

Cụ thể, trong hai kỳ hoàn thuế giá trị gia tăng (32 và 33), Công ty An Phát xuất khẩu tinh bột sắn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc với tổng số lượng hơn 12,3 nghìn tấn. Cơ quan hải quan xác nhận “hàng đã xuất hết”. Tuy nhiên, đầu năm 2020, cơ quan thuế cho rằng An Phát xuất khẩu khống hàng hóa, quyết định thanh kiểm tra thuế vì nghi ngờ An Phát gian lận thuế giá trị gia tăng. 

Hoi nghi thue hai quan.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Công ty này khẳng định hồ sơ đầy đủ như 31 kỳ trước, nhưng tại kỳ hoàn thuế lần thứ 32 và 33, An Phát không được hoàn thuế với số tiền 11,5 tỷ đồng.

“Cơ quan thuế căn cứ vào việc không có trả lời tương trợ tư pháp của phía Trung Quốc để không hoàn thuế, vậy ai sẽ người chịu trách nhiệm cho thiệt hại của chúng tôi?”, ông Khoa nêu vấn đề.

“Ngày 20/6/2024, chúng tôi đã nộp đơn khởi kiện cơ quan thuế ra Tòa án nhân dân Quận Ba Đình (Hà Nội)”, Giám đốc An Phát thông tin.  

Trả lời doanh nghiệp, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Nội, tại kỳ hoàn thuế số 32-33, nhận thấy Công ty An Phát có rủi ro cao nên Cục Thuế đã đề nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ xác minh thông tin các khách hàng nhập khẩu của An Phát.

Kết quả xác minh, có một công ty mua hàng của An Phát đã bỏ địa chỉ kinh doanh, 2 công ty và 3 cá nhân không tồn tại tại địa chỉ kinh doanh, 15 công ty và 3 cá nhân không thừa nhận có quan hệ kinh tế với Công ty An Phát.

“Việc bên nhập khẩu không tồn tại hoặc không thừa nhận có nhập khẩu hàng của Công ty An Phát dẫn đến rủi ro cao về tính pháp lý của hợp đồng - một trong những điều kiện để được hoàn thuế”, ông Cường nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho hay đã nắm được việc Công ty An Phát gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Quận Ba Đình (Hà Nội).

"Chúng tôi cam kết cơ quan thuế sẽ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tố tụng và tuân thủ theo phán quyết của tòa. Nếu cơ quan thuế làm sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường”, ông Cường khẳng định.

Doanh nghiệp thu mua phế liệu than gặp khó về hóa đơn đầu vào

Tại hội nghị, các doanh nghiệp thu mua phế liệu cũng có nỗi niềm riêng. Theo ông Vũ Trường Thịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn XUMI Việt Nam, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục hóa đơn đầu vào, do người buôn bán phế liệu không có bộ máy kế toán, không có hóa đơn tài chính.

Tình hình này đã kéo dài nhiều năm mà chưa có cơ chế tháo gỡ, làm cho doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dẫn đến thất thu cho ngân sách. 

Tệ nạn hóa đơn bất hợp pháp diễn ra hàng ngày mà không quản lý được triệt để. Những doanh nghiệp tiêu cực về hóa đơn thì có thu nhập cao, lợi nhuận nhiều, còn các doanh nghiệp làm ăn lành mạnh bị thua thiệt.

TGD XUMI.jpg
Ông Vũ Trường Thịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn XUMI Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Tổng Giám đốc Tập đoàn XUMI Việt Nam đề nghị, trong giao dịch mua bán phế liệu, phế thải, vật liệu xây dựng, nông lâm, hải sản... có thể áp dụng cơ chế cho phép người mua được nộp thuế thay cho người bán. Việc doanh nghiệp đăng ký, kê khai nộp thuế thay cho hộ cá nhân kinh doanh là phù hợp với quy định pháp luật.

Ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Mạnh Cường lưu ý: Với những người bán phế liệu cho công ty mà trực tiếp thu nhặt phế liệu thì chỉ phải lập bảng kê, không phải lập hóa đơn vì họ không có khả năng lập hóa đơn.

Tổng cục Thuế đã tiếp nhận, nghiên cứu đề xuất chính sách thuế từ doanh nghiệp thu gom phế liệu, nhưng đang có vướng mắc là một số trường hợp hàng hóa nhập lậu, cần tính giải pháp chặt chẽ.

“Tổng cục Thuế đang xây dựng chương trình tuân thủ hoàn thuế tự nguyện. Doanh nghiệp nào đồng hành cùng cơ quan thuế ngay từ ban đầu, và chúng tôi nắm rõ được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp rồi thì sẽ hoàn thuế rất nhanh. Bộ tiêu chí về tuân thủ hoàn thuế tự nguyện này sẽ sớm được ra mắt và được công khai để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu thì đăng ký đồng hành”, ông Cường thông tin thêm.