Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, một thực tế là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu hụt. Trong năm 2020, nhiều lao động TMĐT rời thị trường.
Lao động chuyên trách TMĐT sụt giảm
Doanh nghiệp khó tuyển lao động chuyên trách TMĐT (Ảnh: Internet) |
Lao động chuyên trách trong lĩnh vực TMĐT là một trong yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường này. Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom): “Trong nhiều năm liền, nguồn nhân lực cho TMĐT và đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT trong nước”.
Kết quả khảo sát của Vecom cho thấy, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên trách về TMĐT lại giảm nhiều so với các năm trước.
Số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp TMĐT trên cả nước cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp không có lao động chuyên trách về TMĐT tăng lên so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2020, có tới 77% doanh nghiệp không có lao động chuyên trách về TMĐT, tăng thêm 4% so với con số 73% năm 2019.
Nguyên nhân khiến chỉ có 23% doanh nghiệp có lực lượng lao động chuyên trách có một phần do tác động lớn của đại dịch và áp lực về tài chính khiến việc cắt giảm biên chế và kiêm nhiệm nhiều vai trò đã được các công ty triển khai để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
Phần lớn các doanh nghiệp không có lực lượng lao động chuyên trách TMĐT thuộc về nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo đó, tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT tại các doanh nghiệp SME chỉ bằng một nửa so với nhóm các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, nếu tính về cơ cấu ngành, lĩnh vực thì thông tin và truyền thông và Nghệ thuật - vui chơi - giải trí là hai lĩnh vực có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao nhất với tỷ lệ lần lượt 42% và 45% trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Tiếp theo sau đó là lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm có tỷ lệ 38%, lĩnh vực hoạt động chuyên môn và KHCN đạt tỷ lệ 31%.
Khó tuyển dụng lao động có kỹ năng
Một thực trạng được nêu ra đó là việc khó tuyển dụng các lao động có kỹ năng. Hiệp hội Vecom cho biết: Trong vòng 3 năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và CNTT ngày càng tăng.
Theo đó, năm 2020 có tới 32% doanh nghiệp cho biết, gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và CNTT (trong khi tỷ lệ năm 2019 là 30%).
Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT vẫn là kỹ năng được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất trong những năm gần đây, 46% doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng này.
“Thực trạng này cũng cho thấy, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cả theo hình thức chính quy và không chính quy đều là những vấn đề lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tới”, báo cáo của Vecom nhấn mạnh.
Từ mục tiêu phát triển TMĐT bền vững hướng tới năm 2025 TMĐT phát triển đồng đều và thu hẹp khoảng cách giữa 2 thành phố trung tâm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại. Vai trò của nguồn nhân lực càng được khẳng định rõ, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư lớn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực TMĐT, qua đó phục vụ hoạt động xúc tiến TMĐT tại nhiều tỉnh thành.
Ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Vecom cho biết, TMĐT đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong khu vực và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới.
Theo báo cáo, doanh thu TMĐT cán mốc 13,2 tỷ USD trong năm 2020. Với xu thế tăng trưởng như dự đoán có thể lên tới 35%, quy mô thị trường TMĐT có thể đạt 52 tỷ USD vào 2025. "Với đà tăng trưởng tốt như vậy, nền tảng vẫn phải trông cậy vào nguồn nhân lực," ông Nguyễn Bình Minh nói.
Duy Vũ
Ví điện tử, QR Code được người dùng Việt Nam ưa chuộng
Các hình thức thanh toán kỹ thuật số gia tăng, trong đó ví điện tử và mã QR được người Việt dùng nhiều.