Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần MISA, đã từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp phần mềm có sản phẩm phổ biến như phần mềm kế toán của MISA, FAST… thường xuyên bị các đối tượng bẻ khóa (crack) và mang bán với giá rẻ hoặc phát tán miễn phí trên Internet. Việc làm của các đối tượng này là vi phạm luật sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại to lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất phần mềm.
Hiện rất khó xử lý hình sự hành vi vi phạm bản quyền phần mềm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
“Bên MISA đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan như Bộ Công an, Sở Thông tin & Truyền thông một số tỉnh/thành phố để điều tra và tìm ra các đối tượng vi phạm này. Tuy nhiên, luật hiện nay chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính mà không thể xử lý hình sự được (do luật quy định phải chứng minh được thiệt hại đủ lớn thì mới xử lý hình sự, mà việc này rất khó để thực hiện, ví dụ phát tán miễn phí), dẫn đến việc các đối tượng này vẫn ngang nhiên vi phạm và tiếp tục gây tổn hại không nhỏ cho các doanh nghiệp phần mềm”, ông Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ.
Mới đây, lãnh đạo MISA đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông rằng cần có đầu mối là thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông, Bộ Thông tin & Truyền thông chịu trách nhiệm thụ lý, xử lý các trường hợp vi phạm về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT-TT, đồng thời có các quy trình rõ ràng để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, lãnh đạo MISA cũng kiến nghị sửa đổi các luật hiện hành để có thể xử lý hình sự các đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ như crack phần mềm hoặc truy cập trái phép vào mạng máy tính/Internet mà không cần phải chứng minh thiệt hại.
Trên thực tế, nếu trộm đột nhập vào nhà trái phép, mặc dù chưa kịp lấy tài sản thì theo luật hiện hành cũng vẫn sẽ bị xử lý hình sự (Điều 158 - Bộ luật hình sự). Bản chất của việc crack/truy cập trái phép bản chất không khác gì việc đột nhập vào nhà trái phép.