Nhỏ bé và yếu thế
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của các DN tư nhân trong nước. Đội ngũ DN tư nhân phải lớn mạnh, làm chủ nền kinh tế và có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Thực tế cho thấy, các tập đoàn kinh tế lớn như Hyundai, Samsung, LG, Toyota, Mitsubishi, Panasonic,... là những DN đầu đàn, có những năng lực cạnh tranh toàn cầu, dẫn dắt cả nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển.
Tuy nhiên, nhìn vào Việt Nam thì thấy thực tế một đội ngũ các DN tư nhân rất nhỏ bé. Theo Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 684.300 DN đang hoạt động, thu hút 14,7 triệu lao động. Trong giai đoạn 2016-2020, DN thành lập mới (DN tư nhân) chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ.
Bình quân một DN dân doanh chỉ thu hút được 13 lao động, thấp hơn rất nhiều so với 512,4 lao động của khu vực DN Nhà nước và 229 lao động của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Còn về quy mô vốn, nếu như năm 2020, bình quân một DN Nhà nước là 5.300 tỷ đồng; doanh nghiệp FDI là 420 tỷ đồng, thì DN tư nhân chỉ có 43,8 tỷ đồng. Không những thế, vốn liếng chỉ tập trung chủ yếu ở 3% số DN tư nhân lớn, còn DN nhỏ và vừa có quy mô vốn chỉ từ 10-12 tỷ đồng. Khoảng 97% số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là DN nhỏ và vừa, trong đó tuyệt đại đa số là DN tư nhân. Trong số DN nhỏ và vừa thì 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm; khoảng 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng/năm. Số DN có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%.
Sử dụng lao động ít, quy mô vốn nhỏ, doanh thu thấp, nên đại đa số DN tư nhân rất hạn chế trong việc thu hút nhân lực có tay nghề, trình độ; khó huy động tài chính; thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc...
Khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy, chỉ có khoảng 25% DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Lý do là bởi năng lực tài chính chưa cao, hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính. Cùng với đó, các DN chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi...
Theo điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn 2016-2020, một DN tư nhân Việt Nam điển hình có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng của tiến trình công nghiệp hóa, giúp nhiều quốc gia “hóa rồng), mang đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững, thì chỉ có 14% số DN hoạt động. DN tư nhân chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng,... ít tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp.
Các nhà quản lý DN tư nhân của Việt Nam nhiều trường hợp chỉ tốt nghiệp trung học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ hộ gia đình hoặc đi lên từ vị trí nhân viên trong các DN Nhà nước. Với họ, việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển đi lên của DN.
Hơn 50% DN tư nhân vay vốn ngân hàng để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.
Thiếu “sếu đầu đàn”
Vào thời điểm lẽ ra các ngành sản xuất cần củng cố và các DN Việt Nam cần phát triển vững mạnh để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế thì lại bé nhỏ đi, cả về quy mô đầu tư và lao động.
Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các DN ngang tầm thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Năng lực hạn chế của các DN tư nhân sẽ ảnh hưởng tới khả năng cải thiện năng suất và gia tăng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tập trung phát triển DN tư nhân quy mô lớn. Những DN này được ví như “sếu đầu đàn” dẫn dắt, cả “đàn sếu” bay nhanh, bay xa, bay đúng hướng.
Tuy nhiên đây lại là thách thức rất lớn. VCCI phân tích, các rào cản khiến DN tư nhân khó lớn liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh. Đó là gánh nặng quy định pháp luật, khả năng tiếp cận tài chính, đất đai, sự thiếu minh bạch và chi phí không chính thức. Việc cải tiến những yếu tố này đã tốt lên theo từng năm nhưng chưa thực sự góp phần tạo nên những DN mang tầm quốc tế.
Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020, do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp vị trí 70 trên 190 nền kinh tế được đánh giá. Trong đó, Singapore giữ vị trí thứ 2, Malaysia thứ 12 và Thái Lan thứ 21. Có thể thấy khoảng cách giữa Việt Nam với ba nước trên còn khá xa. Nhưng ngay cả Malaysia và Thái Lan, tuy có thứ hạng cao hơn nước ta nhiều cũng không được đánh giá cao, ngoại trừ Singapore. Môi trường kinh doanh tốt đã góp phần đưa Singapore phát triển mạnh mẽ.
Những cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, không thực chất, mang nặng tính hình thức. Không những thế, nhiều quy định, rào cản gây khó cho DN đang có xu hướng quay trở lại.
Một DN tư nhân nhỏ than rằng những hỗ trợ về tài chính về đất đai, về quản trị không có. Duy trì hoạt động kinh doanh đã vất vả lại còn bị thanh kiểm tra, bị nhũng nhiễu, phải bôi trơn nên rất mệt mỏi. Chi bằng bỏ tiền mua mảnh đất để đó, chờ vài năm sau giá tăng bán lãi lớn, nhàn hạ hơn nhiều.
Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần có một môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh, minh bạch và thông thoáng thuận lợi, giống như Singapore, mới có thể giúp DN phát triển lớn mạnh, đất nước “hoá rồng”. Nhưng điều này còn xa vời với Việt Nam ở hiện tại và cả trong tương lai.