Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, song đà tăng trưởng này đang phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do khu vực doanh nghiệp trong nước đang ngày càng khó khăn.

Theo phát biểu mới đây của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, bất cứ quốc gia nào muốn đi lên cũng phải phát triển hệ thống doanh nghiệp nội địa, mà phần đông là doanh nghiệp tư nhân, chứ không thể coi khu vực FDI là chủ thể của nền kinh tế. Vậy thì, đâu là nút thắt hạn chế sự phát triển của khối doanh nghiệp trong nước hiện nay?

Đánh giá doanh nghiệp tư nhân trong nước: đông nhưng chưa hiệu quả...

Theo thống kê từ Vietnam Report, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước có nhiều doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (BXH VNR500) năm 2014 nhất, chiếm khoảng 44%, nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất với 18,6% tổng doanh thu toàn bảng, giảm 0,8% so với bảng xếp hạng năm trước, cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong thời gian qua đang có dấu hiệu đi xuống.

{keywords}

Hình 1: Cơ cấu tổng doanh thu trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2013 và 2014 theo khối doanh nghiệp. Nguồn: Vietnam Report

Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản, khối tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây là mức thấp nhất so với các khối doanh nghiệp FDI (13%) và Nhà nước (6,2%).

{keywords}

Hình 2: ROA trung bình theo khối doanh nghiệp của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong những năm gần đây chỉ lớn lên về mặt số lượng mà thiếu đi yếu tố chất lượng kèm theo. Báo cáo mới đây của VCCI cho biết, trong số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động có tới 96% là doanh nghiệp tư nhân, với đa phần là các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tuy đông nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trong nước nhìn chung không thực sự tốt. Tỉ dụ như, khi người tiêu dùng lựa chọn nước rửa chén, họ sẽ nghĩ tới Sunlight trước khi ngắm nghía Mỹ Hảo. Theo nhiều chuyên gia phân tích, Mỹ Hảo có phần kém cạnh hơn bởi thương hiệu này vốn yếu thế về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quảng bá và xây dựng kênh phân phối. Vậy thì, để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, vấn đề mấu chốt đầu tiên của khối tư nhân trong nước nằm ở "vốn"?

Thiếu vốn là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân trong nước

Thống kê của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ nợ/ tổng tài sản của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang ở mức cao nhất, trên 67%. Điều đó chỉ ra rằng, phần lớn tài sản của khối tư nhân trong nước hiện nay là từ vốn vay, do đó rủi ro tài chính của khối doanh nghiệp này sẽ cao hơn các khối doanh nghiệp khác.

{keywords}

Hình 3: Tỷ lệ nợ/ tổng tài sản trung bình theo khối doanh nghiệp của Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014. Nguồn: Vietnam Report

Thực tế cho thấy, "thiếu vốn" là vấn đề gây đau đầu và là nguyên nhân của khá nhiều "vụ phá sản" của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo đánh giá của World Bank trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 12/2014), số doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động đang ngày càng tăng lên, nguyên nhân do doanh nghiệp tư nhân trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố: tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đằng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Với các doanh nghiệp tư nhân lớn, việc huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính hay kêu gọi từ phía cổ đông chiến lược không quá khó. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì có lẽ phải dùng từ "chật vật" mới có thể diễn tả được những khó khăn về vốn mà họ đang phải đối mặt. Vay từ ngân hàng khó, từ nhà đầu tư lại càng khó nếu họ không có một phương án kinh doanh và kế hoạch phát triển đủ thuyết phục. So với các doanh nghiệp FDI thì đây là yếu điểm lớn nhất làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đơn cử, cùng sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, liệu có doanh nghiệp tư nhân trong nước nào đủ tự tin có thể vượt qua Samsung Electronics Việt Nam để trở thành doanh nghiệp lớn thứ hai tại Việt Nam về doanh thu trong năm tới trên Bảng xếp hạng VNR500?

Có khá nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế hơn bởi họ không được ưu đãi như các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước. Nguyên nhân đó không sai, tuy nhiên nếu chỉ ngồi chờ đợi sự hỗ trợ nào đó từ phía bên ngoài thì vô hình chung doanh nghiệp tư nhân sẽ làm mất đi những ưu thế vốn có của mình như: sự năng động, tính sáng tạo, không bị ràng buộc và tự chủ hoạt động. Có lẽ, đã đến lúc doanh nghiệp tư nhân trong nước phải chấp nhận "tự thân vận động" và tìm cho mình một con đường đúng sở trường thay vì kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận trước mắt.

Ngày 27/01/2015, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Linh Chi - Vietnam Report