Tâm điểm mang tên VNPT

Một thông điệp được Chính phủ đưa ra là phải tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp này mạnh lên. Trong khi đó, các khung pháp lý đã được ban hành đòi hỏi thị trường viễn thông cần phải tiến hành tái cơ cấu. Cụ thể, theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định một doanh nghiệp viễn thông không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, theo đề án đã trình Chính phủ, khi tái cơ cấu phải đảm bảo mạng viễn thông tách ra sẽ hình thành 1 doanh nghiệp viễn thông mạnh quốc gia và bộ phận còn lại cũng vẫn là một tập đoàn mạnh. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sẽ bảo đảm hình thành và duy trì được thị trường viễn thông có từ 3 - 4 mạng viễn thông tầm cỡ quốc gia đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh. Ngoài ra, khi tiến hành tái cơ cấu thị trường viễn thông phải giữ được 2 thương hiệu là VinaPhone và MobiFone. Như vậy, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước cũng như các quy định và quy hoạch trên thị trường viễn thông đều đổ dồn vào tâm điểm là VNPT.

Tại tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” diễn ra hồi đầu năm 2014, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: VNPT và Bộ TT&TT đề xuất phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT và đã trình Chính phủ đề án này. Việc chia tách sẽ theo hướng phía VNPT giữ lại một số doanh nghiệp có ngành nghề liên quan trực tiếp tới ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn là viễn thông và CNTT, trong đó có doanh nghiệp đang kinh doanh tương đối hiệu quả. Còn lại, hơn 60 doanh nghiệp khác (trong đó nhiều doanh nghiệp không nằm trong ngành nghề kinh doanh chính của VNPT, kinh doanh khó khăn, đã được VNPT góp vốn vào khoảng 1.600 tỷ đồng) sẽ thuộc quyền sở hữu của MobiFone, sẽ do MobiFone gánh vác nghĩa vụ tài chính.

Tổng Giám đốc VNPT, ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là quyết định đã được cả VNPT cùng Bộ TT&TT cân nhắc kỹ lưỡng, là hướng đi đảm bảo cho VNPT có một bức tranh tài chính lành mạnh sau tái cơ cấu, trong khi MobiFone vẫn có đủ điều kiện để phát triển trong thời gian tới. Còn ông Phạm Hồng Hải cho rằng, trong khi vốn điều lệ của VNPT hiện nay khoảng hơn 70.000 tỷ đồng thì con số 1.600 tỷ là nguồn vốn tương đối nhỏ. Về mặt tài chính, có lẽ cũng không phải gánh nặng quá lớn.

Thị trường hình thành thế chân kiềng

Ngày 31/3/2014, thường trực Chính phủ chủ trì cuộc họp với Bộ TT&TT, VNPT và đã thông qua đề án Tái cơ cấu VNPT. Theo đó, sẽ tách MobiFone ra khỏi VNPT và trực thuộc Bộ TT&TT, không phải kèm bất cứ doanh nghiệp nào của VNPT. Bộ TT&TT cũng đã tiếp nhận MobiFone từ ngày 1/7/2014. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện VNPT có 76 công ty cổ phần mà VNPT đóng góp dưới 50% vốn điều lệ. Trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ và VNPT trình lên Chính phủ, MobiFone sẽ tách kèm với 62 đơn vị này và 2 quả vệ tinh Vinasat. Sở dĩ, phải đề xuất như vậy bởi MobiFone hiện đang chiếm 48% doanh thu, nhưng chiếm đến hơn 70% lợi nhuận của tập đoàn này,  khi xây dựng phương án đã phải tính đến các yếu tố đỡ gánh nặng cho VNPT. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vấn đề mấu chốt là cổ phần hoá, vì vậy phải tách MobiFone ra để thực hiện chủ trương này mà không kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chia sẻ, về mặt tâm tư tình cảm và kể cả về mặt kinh tế thì VNPT sẽ không muốn tách mạng nào ra cả. Đây là sự hi sinh lớn của Tập đoàn. Theo ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT: "Rõ ràng việc tách MobiFone ra bước đầu sẽ có những khó khăn cho VNPT vì mạng di động này đang là lực lượng chủ lực, tiên phong của VNPT. MobiFone đang chiếm phần lớn lợi nhuận của VNPT, bây giờ tách ra, rõ ràng VNPT sẽ bị "trống trải". Thế nhưng, trong đời sống hàng ngày, càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Bây giờ, khi MobiFone tách ra, VNPT có thể thua thiệt về lợi nhuận, nhưng có khó khăn chúng ta mới vươn lên được".

Đến ngày 1/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: Hiện thị trường viễn thông đã có 2 Tập đoàn rất mạnh là Viettel và VNPT, do đó nếu để MobiFone theo mô hình công ty sẽ rất khó cạnh tranh với 2 Tập đoàn này. Việc hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhằm đảm bảo quy hoạch có từ 3 - 4 tổng công ty viễn thông mạnh, hình thành thế chân kiềng trên thị trường viễn thông. "Tổ chức MobiFone với mô hình Tổng công ty thì khi cổ phần hóa sẽ làm tăng giá trị thương hiệu MobiFone. Ở nước ngoài, giá trị giấy phép viễn thông có khi lên đến hàng tỷ USD, do đó khi MobiFone được cấp thêm các giấy phép sẽ giúp giá trị thương hiệu được đánh giá tốt hơn, giá trị doanh nghiệp được nâng cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho MobiFone khi cổ phần hóa", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Và mới đây nhất tại Hội nghị triển khai kế hoặch năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Mặc dù năm 2014 ngành TT&TT gặp nhiều thách thức, nhưng cũng đã gặt hái được nhiều thành công. Đặc biệt, sau khi tái cơ cấu tất cả các doanh nghiệp mà Bộ TT&TT làm chủ sở hữu đều thoát ra khỏi khó khăn, tăng trưởng tốt cả doanh thu và lợi nhuận. Việc các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đạt được kết quả kinh doanh tốt như năm 2014 thể hiện việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty trong ngành là chủ trương đúng đắn. Thị trường viễn thông đã hình thành thế chân kiềng với 3 tập đoàn, tổng công ty mạnh, theo đúng quy hoạch của Chính phủ về quy hoạch thị trường viễn thông...

Các “đại gia” viễn thông vẫn tăng trưởng mạnh

Theo thống kê của Bộ TT&TT, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất là Viettel, VNPT và MobiFone vẫn có mức tăng trưởng mạnh trong năm 2014. Cụ thể, trong năm 2014, Viettel đạt doanh thu 196.650 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 20% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 40.532 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch, tăng 10,5% so với năm 2013. Viettel cũng nộp ngân sách Nhà nước 15.434 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Hiện tại, toàn mạng Viettel đạt 57,4 triệu thuê bao, trong đó di động là 55,5 triệu (3G đạt 14,65 triệu; 2G đạt 40,8 triệu); cố định: 1,9 triệu. Mặc dù MobiFone đã tách ra, nhưng kết quả kinh doanh của VNPT cũng tăng trưởng tốt. Lợi nhuận của VNPT trong năm 2014 dự kiến đạt 6.310 tỷ, đạt 103% kế hoạch và bằng 112% so với thực hiện năm 2013. Tổng doanh thu của VNPT dự kiến đạt 101.055 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, bằng 106% so với thực hiện năm 2013. Tổng nộp ngân sách nhà nước của VNPT dự kiến là 5.850 tỷ, bằng 118% năm 2013. Hiện tổng số thuê bao điện thoại trên mạng của VNPT là 30,5 triệu, trong đó cố định là 4,5 triệu thuê bao, thuê bao di động là 26 triệu thuê bao.

Với MobiFone, mặc dù năm 2014 có xáo trộn về tái cơ cấu và thay đổi lãnh đạo chủ chốt, nhưng MobiFone vẫn đạt kết quả sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 36.605 tỷ đồng, bằng 101,4% kế hoạch năm. Mức doanh thu này tuy giảm 7,3% so với năm 2013 nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng 5,2%, đạt 7.300 tỷ đồng. Tổng thuê bao hoạt động trên mạng MobiFone đến 31/12/2014 đạt 40,2 triệu thuê bao...

(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 1+ 2 ra ngày 02/01/2015)