Cách đây khá lâu, trong một buổi gặp gỡ giữa các doanh nhân tham dự Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), shark Hưng tỏ ra tiếc nuối khi nói về người trẻ Việt Nam:
"Có những bạn trẻ tôi thấy rất đáng tiếc là các bạn giết thời gian rất nhiều cho những thứ vô ích. Đó là điều tôi khuyên các bạn hãy tận dụng quỹ thời gian vô cùng quý giá của tuổi trẻ. Giống như quãng thời gian tôi 18-20 tuổi gần như 1 ngày hoặc 2 ngày tôi có thể đọc hết 1 cuốn sách, nhưng hiện giờ phải mất nhiều thời gian hơn và tốc độ ghi nhớ chậm hơn.
Bộ nhớ lúc đó bị đầy rồi, có quá nhiều mối quan tâm, bận tâm khác cản trở đến mình. 18-20 tuổi các bạn như một cái bộ nhớ USB mấy trăm Gb mà chưa ghi gì cả nên các bạn ghi đâu nhớ vào đấy, nó rất tốt, hấp thụ liên tục nhanh kinh khủng luôn. Các bạn phải tận dụng thời gian đó chứ đừng để phí thời gian đó cho những thứ mà sau này chúng ta không làm lại được".
Ngay cả những người bận rộn như tỷ phú Phạm Nhật Vượng đến hiện tại vẫn duy trì thói quen này. Ông cho biết mình đọc rất nhiều và hôm nào về đến nhà không quá mệt thì đọc.
Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người giàu có nhất thế giới cho thấy: Điểm chung giữa những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett đều là những người đọc sách rất chuyên cần. Đọc sách không chắc sẽ giúp chúng ta thành đạt trên đường đời, nhưng không có nó hầu như ta không thể thành người.
Warren Buffett từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Không chỉ riêng ông, nghiên cứu tiểu sử của những con người xuất chúng khác, ta sẽ thấy điểm chung của họ là vui vẻ và say mê đọc sách, ngay cả sau những giờ lao động mệt nhọc. Đối với họ, đọc sách là một cách tự học. Và sự học là sự nghiệp cả đời. Nhưng đọc sách thế nào để giúp mình tiếp thu kiến thức?
Đặt mục tiêu về số lượng
Trung bình mỗi năm Bill Gates đọc 50 cuốn sách. Nhìn qua có thể nhiều nhưng nếu chia ra thì mỗi tuần ông đọc 1 quyển sách. Sách có nội dung tốt có độ dày trung bình từ 200-300 trang. Tức mỗi ngày chỉ cần đọc 40-50 trang sách. Nếu tập trung thì chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ cho việc đọc mỗi ngày. Cứ chăm chỉ ngày nào cũng vậy, mỗi năm sẽ hoàn thành được từ 50 quyển sách trở lên.
Ngoài ra cách đọc sách tốt là cân bằng giữa sách hư cấu và phi hư cấu. Mỗ khi đọc một quyển thể loại này thì có thể đọc xen kẽ thể loại kia. Mục đích là để cân bằng giữa thực tế và tưởng tượng. Sách phi tiểu thuyết bạn có thể tìm đọc theo nhóm chủ đề như phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng, truyền cảm hứng, các sách về lịch sử, văn hóa, tinh thần, kinh doanh. Với thể loại truyện, tiểu thuyết có thể chọn các tác phẩm văn học kinh điển, có chiều sâu, có giá trị lâu dài, biểu hiện tâm lý con người hay phác họa bối cảnh lịch sử xã hội của một thời kỳ.
Chọn sách được đánh giá cao
Đọc sách dở chỉ khiến tốn thời gian của bạn. Vì vậy hãy tham gia mạng xã hội về sách như Goodreads để đánh giá nội dung của một cuốn sách. Trang này tổng hợp những nhận xét, bình luận, xếp hạng sách của người dùng và dựa trên những đánh giá khác cùng thể loại cho họ. Trên thế giới có nhiều người trước khi đặt mua một cuốn sách thường vào Goodreads đọc bình luận khen chê rồi mới quyết định mua hay không.
Ngoài ra mạng xã hội này còn có giúp bạn theo dõi mục tiêu đặt ra về số lượng sách đọc trong năm. Nhiều người đọc xong thường lên trang này để đánh giá, ghi lại cảm nhận quan điểm của mình hoặc tóm tắt về cuốn sách vừa đọc. Đến cuối năm, Goodreads tổng hợp lại thành một trang Your year in book. Nhìn lại một năm đọc bạn sẽ có thêm động lực cho thú vui này.
Ghi chép
Một bí quyết khác là mỗi khi đọc sách, bạn hãy mang bên mình một cuốn sổ nhỏ. Sổ được chia trang theo chủ đề ví dụ Thành công, kinh doanh, viết lách, thái độ sống, thay đổi bản thân. Khi đọc hay câu nào đó tâm đắc thì ghi vào sổ, kèm theo cảm nhận liên quan hoặc cách diễn giải nếu có. Sau này mỗi lần cần đọc lại để tạo động lực hay cần tư liệu để dẫn chứng, chứng mình khi nói chuyện, viết lách bạn có thể dùng lại cuốn sổ này.
Đọc sách nguyên bản
Với những sách nước ngoài, để hiểu trọn vẹn đúng ý tác giả, cách tốt nhất là đọc nguyên bản. Nhà giáo dục tiên phong trong thời kỳ Minh Trị là Fukuzawa Yukichi đã áp dụng phương pháp đọc sách nguyên bản này vào ngôi trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên tại Nhật Bản, do ông sáng lập nên. Ông dồn tiền mua sách nguyên bản từ Mỹ về, cho học trò đọc. Quan niệm của ông là khi đọc sách nguyên bản ta được đọc nguồn trực tiếp. Còn sách dịch đôi khi không dịch sát nguồn. Đọc sách dịch là đọc lại qua một nguồn thứ cấp, theo cách hiểu chủ quan của người dịch.
Xem mục lục trước khi đọc
Một cách đọc khác được tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ là ông thường xem mục lục, xem mục nào hay thì đọc, cái nào mà không hiểu hoặc thấy quan trọng thì có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.
Ông cũng tiết lộ ngày nhỏ thường thích sử, đọc sách sử. Nhưng khi lớn lên thì chuyển dần. Thời đại học ông thích đọc tiểu thuyết, còn bây giờ là sách quản trị và sách công nghệ. Sách công nghệ thì không phải là chi tiết về công nghệ, mà là xu hướng, những tổng kết về công nghệ.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp