Thời gian gần đây, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe tin xảy ra cướp ngân hàng ở đâu đó. Điển hình như vụ cướp tại Thanh Hà (Thanh Ba, Phú Thọ) tháng 6-2019, vụ cướp tại Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào tháng 7-2019, vụ cướp Tecombank tại Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 20-4-2020 và gần đây nhất đó là vụ cướp chi nhánh BIDV Ngọc Khánh vào ngày 27-7-2020. Từ các vụ việc này có thể thấy, cần có một sự thay đổi trong việc quản lý và đảm bảo an ninh cho những cơ quan có yếu tố đặc biệt như ngân hàng.
Kẻ cướp từng có tiền tỷ trong tay
Sáng 27-7, cán bộ nhân viên BIDV Ngọc Khánh cũng như người dân sinh sống tại khu vực Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã một phen thót tim sau tiếng nổ đanh gọn vang lên tại đây. Phát súng chỉ thiên do một trong hai đối tượng mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang xông vào cướp tiền tại chi nhánh này.
Theo các nhân chứng cho biết, vào thời điểm nói trên, hai tên cướp lao vào ngân hàng đã nổ súng ngay lập tức, đe dọa nhân viên ngân hàng và bảo vệ. Sau đó, một đối tượng bất ngờ đi vào phía trong quầy giao dịch, dùng súng ngắn dạng tự chế bắn lên trần nhà và hô: “Tất cả ngồi im, giơ tay lên”, rồi đi vào từng quầy giao dịch lấy tiền ném ra phía ngoài. Đối tượng thứ hai ném 1 túi màu đen xuống sàn và hô lớn “thuốc nổ, nếu chúng mày hô thì tao cho nổ”, rồi nhặt tiền do đồng phạm ném ra cho vào túi đen mang sẵn.
Chi nhánh BIDV vừa bị cướp. |
Khi đã mang tiền ra ngoài cửa ngân hàng, hai tên cướp tiếp tục dùng súng uy hiếp người dân, cướp chiếc xe máy nhãn hiệu Dream màu mận chín, mang biển số 29 - 137.X2, rồi bỏ chạy theo hướng đường Nguyên Hồng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng ra đại lộ Thăng Long và mất dấu.
Qua điều tra, Công an quận Đống Đa xác định hai tên cướp đã lấy đi 942 triệu đồng tiền mặt. Nhân dạng của hai tên cướp cũng được thu thập thông qua dữ liệu camera an ninh của ngân hàng và các nhà dân trong khu vực. Hoạt động của chi nhánh ngân hàng này cũng diễn ra bình thường ngay sau đó.
Vụ việc này đã khiến nhiều người dân lo sợ trước sự manh động của các đối tượng dùng súng cướp ngân hàng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người khác. Ngay lập tức, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội ráo riết truy lùng hai tên cướp.
Chỉ sau đó 2 ngày, ngày 29-7, Công an TP Hà Nội thông báo đã bắt được hai đối tượng nói trên khi chúng đang lẩn trốn tại Hải Phòng và phường Láng Hạ (quận Đống Đa). Qua lấy lời khai ban đầu, cơ quan điều tra xác định hai đối tượng là Phùng Hữu Mạnh (23 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch quận Ba Đình, hiện ở phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) và Hoàng Ngọc (42 tuổi, trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, hiện ở phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa), đồng thời xác định, Hoàng Ngọc là đối tượng chủ mưu. Nguyên nhân được xác định là do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên Ngọc đã rủ Mạnh đi cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Cảnh sát toàn cầu, Hoàng Ngọc khá “nổi tiếng” khi từng quản lý Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN với nhiều chi nhánh tại 8 tỉnh, thành trên cả nước. Công ty này cũng phát triển được một mạng lưới chuyển phát khắp 63 tỉnh, thành.
Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ Gió Nam do Ngọc cùng 11 cổ đông khác thành lập cuối năm 2006, với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Sau một thời gian dài hoạt động, đến năm 2018, Công ty cổ phần GNN Express phát thông báo chính thức dừng hoạt động từ 1-9-2018 vì "không còn đủ khả năng tài chính".
Hai bị can Phùng Hữu Mạnh và Hoàng Ngọc (từ phải sang). |
Theo thông báo trên Fanpage của doanh nghiệp này, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác của công ty. Sau khi công ty của Ngọc phá sản, đối tượng sống lang thang, không liên lạc với người thân.
Điều này cũng được thể hiện trong lá đơn của Hoàng Ngọc gửi cơ quan chức năng, Ngọc cho biết năm 2010, vì kinh nghiệm non nớt, Ngọc phải đi vay với lãi suất 15%/ tháng để duy trì công ty, trong đó có những tháng phải trả 170 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đến cuối năm 2016, Ngọc chuyển nhượng lại vốn cho các cổ đông khác và chỉ còn làm giám đốc điều hành, dù công ty đang bước vào giai đoạn phát triển nhất.
Năm 2017, sau khi dừng hợp tác với một đối tác lớn, GNN bắt đầu mất cân đối thu chi dẫn đến việc phải sống bằng tiền thu hộ từ dịch vụ COD của khách. Ngọc chỉ đạo sử dụng 5,5 tỉ đồng tiền COD của khách hàng cho các hoạt động công ty dẫn đến việc công ty càng ngày càng lao đao và kết cục tất yếu là phá sản.
Ngoài ra, công ty này còn nợ ngân hàng khoản vay mua 6 ôtô, vay tín chấp 1,7 tỉ đồng, nợ đối tác gửi hàng hàng không 1 tỉ đồng, nợ lương của người lao động 700 triệu đồng, nợ bảo hiểm xã hội 200 triệu đồng và khoản vay hơn 3,5 tỉ đồng khác. Sau đó, Ngọc xin được đi tù với tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Đi cướp để có tiền trả nợ
Do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều nên Ngọc đã rủ Mạnh đi cướp ngân hàng để… lấy tiền trang trải. Do sinh sống ở tầng trên toà nhà nên Ngọc nắm rõ hoạt động, giao dịch của ngân hàng. Biết Mạnh cũng là con nợ bởi chơi cờ bạc nên Ngọc rủ tham gia cùng.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn. |
Ngọc khai nhận, để có vũ khí gây án, đối tượng đã mua súng tự chế trên mạng với giá 12 triệu đồng và chế một quả lựu đạn giả được dán bọc bằng băng dính đen. Mạnh đảm nhận cầm lựu đạn giả đe dọa mọi người, còn Ngọc cầm súng để bắn uy hiếp.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, cả 2 đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang xông vào chi nhánh BIDV Ngọc Khánh. Tại đây, Ngọc nổ súng thị uy. Sau khi nổ súng chỉ thiên, Ngọc hô lớn: "Tất cả ngồi im". Trong khi đó, Mạnh ném quả lựu đạn giả rồi nói: "Thuốc nổ đây, nếu hô tao cho nổ". Lúc này, phòng giao dịch có 10 nhân viên và một cảnh sát bảo vệ.
Ban đầu, Ngọc có ý định dùng súng bắn vào người dân để thị uy, với mục đích là để sau khi cướp sẽ không có ai dám đuổi theo, thế nhưng Mạnh đã ngăn cản ý đồ này của Ngọc. Mạnh cho rằng, chỉ cần bắn chỉ thiên là được. Thậm chí, Mạnh còn phân tích cho Ngọc biết, nếu nổ súng vào người khác thì tội sẽ nặng hơn.
Ngọc lấy các cọc tiền ở các quầy ném xuống sàn nhà cho Mạnh nhặt nhét vào túi. Gây án xong, cả 2 ra ngoài cướp chiếc xe máy của một người đi đường rồi tẩu thoát theo hướng Đại lộ Thăng Long. Chiến sĩ cảnh sát bảo vệ tại ngân hàng dùng xe máy truy đuổi đến ngã tư đường Láng - Trần Duy Hưng thì mất dấu.
Khi 2 đối tượng tới phố Trúc Khê (quận Ba Đình), thấy vẫn có người đuổi theo, Ngọc đã vứt tập tiền gồm 52 tờ mệnh giá 100 nghìn (tương đương 5,2 triệu đồng) xuống đường cho người dân nhặt. Từ đó cản trở được người truy đuổi, rồi tiếp tục bỏ chạy.
Khi đến huyện Thạch Thất, Ngọc và Mạnh thay quần áo, đổi xe máy. Tại đây, Ngọc đưa cho Mạnh 200 triệu đồng và nói sau 7 ngày gặp lại sẽ đưa thêm. Sau đó cả 2 tách ra, Ngọc trốn xuống Hải Phòng. Khẩu súng gây án đã bị Ngọc phi tang khi đến Hải Phòng. Hiện cơ quan Công an cũng đã thu giữ được khẩu súng trên.
Cần đầu tư cho công tác an ninh ngân hàng
Sau vụ cướp của hai đối tượng Hoàng Ngọc và Phùng Hữu Mạnh, có thể thấy dù không phải là các đối tượng tội phạm chuyên nghiệp nhưng vụ cướp ngân hàng diễn ra một cách dễ dàng và nhanh hơn chính các đối tượng tưởng tượng. Điều đó một lần nữa thể hiện lỗ hổng an ninh trong việc quản lý bảo vệ tài sản của hoạt động ngân hàng hiện nay.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học cho biết, công tác an ninh của các ngân hàng hiện nay vẫn chưa tốt dù đây là một hoạt động đặc biệt. Lẽ ra những nhà quản lý cần đưa vấn đề an ninh của ngân hàng lên hàng ưu tiên, có một hệ thống riêng bên cạnh an ninh chung của nhà nước.
Hình ảnh hai bị can được ghi lại qua camera an ninh. |
“Khi quản lý một loại mặt hàng đặc biệt như vậy thì phải có phương án bảo vệ nó thật chứ đừng trông chờ vào cái chung của an ninh quốc gia, chính quyền các cấp, vì như vậy rõ ràng là bị động. Trước tiên phải chủ động về mặt quản lý, có một mạng lưới bảo vệ đặc biệt và có sự liên kết với an ninh chung của Nhà nước”, ông Thìn phân tích.
Ngoài ra, hiện tại lực lượng bảo vệ ngân hàng còn quá mỏng, tội phạm cũng nhận thức rõ về điều đó để chọn ngân hàng làm mục tiêu tấn công. Bên cạnh đó còn một vấn đề nữa đó là kĩ năng của lực lượng bảo vệ. Theo ông Thìn, lẽ ra bảo vệ ngân hàng phải là lực lượng trẻ, có sức khỏe, được đào tạo chuyên môn tốt.
Thế nhưng rất nhiều nơi lại tuyển những bảo vệ là những người vừa nghỉ hưu, đi làm để cải thiện thu nhập chứ không phải hoạt động nghề nghiệp, mục tiêu công việc. Nhiệm vụ của họ là "trông nhà" thay vì được đào tạo kĩ năng bảo vệ hay trấn áp kẻ gian. Đó là một lỗ hổng rất lớn khiến cho kẻ gian có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
“Cùng với việc cải thiện, tăng cường chất lượng của lực lượng an ninh thì cũng cần tăng cường công cụ hỗ trợ để nó phát huy được hiệu quả của lực lượng đấy. Không thể để một anh bảo vệ tay không lao vào bắt cướp có vũ khí được. Vì thế cần phải phát triển song song hai thứ đó”, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nói.
(Theo Cảnh Sát Toàn Cầu)