Do phải đối diện hằng ngày với bất cập rủi ro trong môi trường kinh doanh, phần lớn doanh nhân Việt Nam có thói quen là không dám nghĩ xa và xây dựng chiến lược lâu dài, khác với doanh nhân phương Tây.
Sống, học tập và làm việc ở nước ngoài một phần tư thế kỷ trước khi trở về Việt Nam lần đầu vào năm 1999, con đường trở về của ông Trần Đức Cảnh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Mỹ gắn liền với sự phát triển kinh tế và giáo dục của đất nước suốt 25 năm qua.
Tiếp nối mạch “Doanh nhân Việt 30 năm đổi mới”, kinh nghiệm và hiểu biết trong bài viết dưới đây của ông Trần Đức Cảnh lại là một cái nhìn có so sánh, đối chiếu các giá trị, để thấy rõ hơn “phần chìm” của tảng băng.
Ba thế hệ doanh nhân
Do điều kiện lịch sử, Việt Nam nằm trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có trường hợp tượng tự, tính chuyển tiếp giữa các thế hệ doanh nhân và các vấn đề liên quan bị đứt đoạn, bị bỏ quên, thậm chí còn bị “xóa sổ”, bị coi là “con buôn” suốt một thời gian dài, làm tổn thương sâu sắc đến tính cách doanh nhân.
Cộng thêm áp lực cực lớn về phát triển công nghệ thông tin trong hơn hai thập niên qua, thế giới hội nhập sâu đã ảnh hưởng lớn đến cách tiếp cận thị trường, đối tác, nguồn vốn, và quản lý điều hành…
Phần lớn thế hệ doanh nhân của thập niên 1980 và 1990 là bị “đẩy vào”, vì nhu cầu kinh tế và cuộc sống, từ đó mới khám phá ra những điều hay và những việc mình có thể làm được. Sản phẩm làm ra hay giao dịch trong giai đoạn này rất là đơn giãn, phần lớn là đáp ứng như cầu của nền kinh tế thiếu hụt hàng hóa trong nước.
Vì kinh doanh nặng phần tự phát trong giai đoạn này, nên kiến thức và tính sáng tạo trong kinh doanh không hoàn toàn theo quy trình bài bản, một số thành công từ may mắn, nhưng số thất bại cũng không ít.
Thế hệ thứ hai xuất hiện cuối thập niên 1990 và 2000, họ tiếp cận được kiến thức kinh doanh, sản phẩm ở các nền kinh tế thị trường, công nghệ thông tin, và nguồn tài chính, đầu tư từ bên ngoài. Một số bị “cuốn vào” do sở thích, đam mê. Họ tự tin hơn trong điều hành và có khả năng hơn trong việc làm cầu nối bên trong và ngoài nước cũng như thế hệ doanh nhân tiếp theo.
Thế hệ thứ ba hay 8X, 9X mới xuất hiện trong vài năm gần đây, một số nhỏ kế thừa thế hệ đầu, được đào tạo nước ngoài, có khả năng ngoại ngữ và tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên thế hệ doanh nhân này được cho là thiếu kinh nghiệm và tính chịu đựng trong môi trường kinh doanh lắm nhiêu khê và đầy phức tạp như hiện nay, rất khác với những gì họ được đào tạo tại trường ốc nước ngoài.
Nếu bảo rằng thế hệ này cần sự dìu dắt để thích ứng với môi trường kinh doanh trong nước hiện nay… có khi là một nguy cơ. Tốt nhất là để họ tự tìm và khẳng định cho thế hệ của mình.
So sánh với doanh nhân thế giới, tuy môi trường kinh doanh trong nước có phần nào cởi mở và thuận lợi hơn so với hai thập niên trước, tuy nhiên nhìn về cấu trúc và vận hành kinh tế còn nhiều bất cập, dẫn đến rủi ro cao.
Doanh nhân Việt Nam thuộc thế hệ trước đã được tôi luyện, trải nghiệm trong môi trường khó khăn đó, tính chịu đựng và kiên nhẫn của họ rất cao, rất bén nhạy trong xử lý tình huống, rất tiếc là mang tính đối phó nhiều hơn là sáng kiến chủ động.
Do phải đối diện hằng ngày với bất cập rủi ro trong môi trường kinh doanh, phần lớn doanh nhân Việt Nam có thói quen là không dám nghĩ xa và xây dựng chiến lược lâu dài, khác với doanh nhân phương Tây.
Sự tin cậy trong công việc cũng là một trở ngại lớn, có khuynh hướng tập trung vào người thân và gia đình, dẫn đến quy mô nhỏ, doanh nghiệp gia đình, không tận dụng khai thác được tài năng và trí tuệ trong xã hội.
Khác biệt dần thu hẹp
Môi trường kinh doanh ở miền Nam đã phát triển ngay cả trong thời gian chiến tranh, sau năm 1975, bị chững lại ít nhất 20 năm.
Sau khi đất nước mở cửa, tinh thần, kinh nghiệm kinh doanh và lực lượng doanh nhân vẫn còn một số, dù vậy nguồn lực gần như phải xây dựng lại từ đầu. Do không bị sống quá lâu trong chế độ bao cấp như miền Bắc, môi trường kinh doanh ở miền Nam, khi có điều kiện, đã năng động và sáng tạo hơn, điển hình như chúng ta đã chứng kiến tại thành phố này trong nhiều năm qua.
Doanh nhân miền Nam có điều kiện tiếp cận với thế giới tư bản bên ngoài sớm hơn từ khi đất nước mở cửa, qua thân nhân ở nước ngoài, khả năng ngoại ngữ, giao tiếp tốt hơn. Mặc khác, tính cách của doanh nhân miền Nam có lẽ thoáng và năng động hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Miền Bắc theo kinh tế tập trung, chế độ bao cấp và phi thị trường một thời gian khá lâu. Thế hệ doanh nhân ở những năm 40 của thế kỷ trước đã không có môi trường và điều kiện để kinh doanh.
Nói về kinh doanh theo cơ chế thị trường và hội nhập thì phần lớn doanh nhân miền Bắc đi sau miền Nam khá lâu. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nhân miền Bắc ăn nên làm ra trong những năm gần đây, nhờ có điều kiện du học nước ngoài, tích tụ được nguồn vốn và kiến thức kinh doanh, dù là ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ.
Trong môi trường kinh doanh hiện nay cùng với cơ chế vận hành, số doanh nhân miền Bắc có những lợi thế nhất định. Nhưng cùng với hội nhập, sự khác biệt văn hóa kinh doanh giữa các vùng miền đang dần thu hẹp. Thế hệ trẻ ngày nay đang hướng tới một chuẩn chung trong thế giới hội nhập.
- Trần Đức Cảnh/ Theo Bizlive
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.