Con vẹm xanh là nguồn lợi có sẵn trong tự nhiên. Ngày trước, người dân Cà Mau coi vẹm xanh là món ăn cải thiện cho bữa cơm gia đình. Giờ đây, vẹm xanh trở thành món ăn đặc sản, bán chạy ở các chợ.
Người dân ở Trần Văn Thời cho biết, vẹm xanh có quanh năm, nhưng cứ gió thổi hướng Nam là loại nhuyễn thể hai mảnh này xuất hiện nhiều nhất. Vì thời tiết gió thổi hướng Nam làm nước biển trong, sạch nên thích hợp cho vẹm xanh phát triển.
Theo những người dân chuyên đi săn vẹm, khoảng tháng 10 âm lịch năm trước tới tháng 6 âm lịch năm sau là thời điểm vẹm nhiều và ngon nhất.
"Vẹm xanh sinh sản vào tháng 10 âm lịch, đây cũng là thời điểm chúng sống nhiều cạnh bờ biển nên đi săn lúc này sẽ thu hoạch lớn", anh Nguyễn Quốc Tính (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc) nói.
Anh Nguyễn Quốc Tính có hơn chục năm gắn bó với nghề bắt vẹm xanh ở huyện Trần Văn Thời. “Người dân ở đây thường đi bắt vẹm xanh từ sáng sớm khi thuỷ triều rút và dừng khi nước lên, thường là giữa buổi chiều hàng ngày. Vẹm xanh sống ở dưới mực nước khoảng 3m, muốn bắt chúng phải trầm mình xuống", anh Tính nói.
Anh Tính giải thích, tập tính của vẹm xanh là kết dính với nhau thành từng chùm, rồi nương nhau vào các cọc cây, trụ đá.
Ở biển bồi, vẹm xanh sống chủ yếu dựa vào các cọc cây của người dân đặt dớn. Những cọc cây cắm càng lâu thì vẹm xanh bám vào càng nhiều.
Vừa lặn vừa vục tay xuống những tảng đá ngầm, cứ vài phút anh Tính lại vớt lên từng búi vẹm bám chi chít vào nhau.
"Vẹm xanh ở ngoài tự nhiên khá nhiều, nhưng chúng bám rất chặt vào cột cây, trụ đá. Người nào bắt giỏi thì vài tiếng được vài chục kg, thậm chí cả trăm kg”, anh Tính chia sẻ thêm.
Anh Lê Út Nhì (cũng ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc), người có thâm niên hơn 15 năm làm nghề chia sẻ, công việc bắt vẹm xanh không quá nặng nhọc, không gò bó thời gian, làm nhiều quen tay, song việc ngâm mình dưới nước hàng giờ dễ bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đôi khi lặn bắt vẹm xanh đạp trúng mảnh sành, vật sắc nhọn bị đứt tay, chân”, anh Út Nhì nói và cho biết, vẹm xanh lớn thường khoảng 20 con/kg, bán được từ 30-40 ngàn đồng. Mỗi tháng anh đi vài chuyến, có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng.
Theo anh Út Nhì, thường bà con chỉ bắt vẹm xanh lớn, con nhỏ thì thả lại cho chúng lớn. Loài này rất dễ sống, thả lại trên biển là chúng tự lớn.
Không chỉ bội thu vẹm xanh, người dân ở huyện Trần Văn Thời còn đục con hàu trên các tảng đá. Anh Nguyễn Bảo Quốc ở huyện Trần Văn Thời chia sẻ, đục hàu rất đơn giản, lúc thủy triều xuống thì chúng đã “lộ thiên” phơi mình trong nắng.
"Cứ thế, mình chọn những con lớn nhất rồi dùng dao, dùng đục để tách hàu ra khỏi tảng đá. Sau đó, tách vỏ lấy ruột, hoặc để nguyên con", anh Quốc nói và cho biết thêm, người khai thác hàu đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, nếu không dễ bị hàu cắt đứt tay, chân. Vì vỏ hàu rất sắc bén.
"Do mực nước thủy triều trên biển xuống thấp, hàu sinh sống ở mực nước sâu nên người khai thác phải lặn, trầm mình dưới nước mới có thể khai thác được" anh Quốc nói.
Anh Quốc tiết lộ, vẹm xanh, hàu người dân bắt được bao nhiêu thương lái sẽ mua hết. "Cũng nhờ vào nghề bắt vẹm xanh, hàu... mà bà con ở đây có nguồn thu nhập khá ổn định; đặc biệt là đối với những hộ gia đình không đất đai", anh Quốc nói.
Vẹm xanh, hàu có thể chế biến được nhiều món ngon như nướng mỡ hành, hấp...