Đang là chủ một tập đoàn lớn, ông Mỹ giao cơ ngơi cho vợ quản lý để khởi nghiệp lại ở tuổi ngoài 60.
Trong mắt gia đình và dòng họ, việc anh Nguyễn Thanh Tân bỏ vị trí giám đốc nhân sự cho một công ty Hàn Quốc để về quê làm nông dân là điều không thể hiểu nổi.
Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Tân đúc kết trong hai từ "mạo hiểm". Người đàn ông 41 tuổi tâm sự rằng, lựa chọn từ bỏ hình ảnh ông sếp trắng trẻo, quần áo chỉnh tề để về quê xắn quần lội sình nuôi lươn là quyết định "liều" nhất trong sự nghiệp.
Năm 2010, anh Tân giữ chức giám đốc nhân sự cho một công ty Hàn Quốc tại tỉnh Bến Tre, vợ anh cũng là kỹ thuật viên, cuộc sống gia đình sung túc với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, vốn đam mê nông nghiệp và luôn muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê nhà, đặc biệt muốn nuôi dạy con cái chứ không phó thác cho ông bà, nên anh Tân nghỉ việc về quê. Ngày nghỉ việc, vợ anh Tân không phản đối mà còn động viên chồng thử sức khởi nghiệp.
“Tôi muốn tìm thử thách, tìm sự mới mẻ cho bản thân. Ngoài ra, tôi muốn về quê để gần con, muốn làm giàu chính trên quê hương của mình.
Có người bảo tôi khùng vì đang làm giám đốc lại nghỉ về quê làm nông dân. Người thì khuyên tôi vừa làm giám đốc nhân sự vừa kết hợp khởi nghiệp ở quê.
Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định nghỉ việc để tập trung tuyệt đối cho sự nghiệp mới, chỉ được tiến, không được lùi. Khi đó nhận thấy con lươn đang có giá trị kinh tế nên quyết định khởi nghiệp từ đây", anh Tân chia sẻ.
Anh Tân nhớ lại: “Ngày bé, tôi theo ba đi đặt trúm, sáng đi mở trúm dính lươn nhiều lắm. Thế nhưng, sau này, con lươn ngày càng ít, giá đắt ngang tôm, cá. Lúc đó, tôi mới nghĩ tại sao mình không nuôi lươn để bán”.
Vốn kiến thức nuôi lươn ít ỏi, ban đầu anh Tân chọn cách vừa làm vừa tham khảo từ sách báo, tìm hiểu trên mạng và đến tận các trang trại để học hỏi kinh nghiệm, ghi chép cẩn thận.
“Lúc đầu, tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua 200kg lươn giống thả nuôi trong 3 bể xi măng. Song, lươn đem về nuôi ngày nào cũng có con chết. Có lúc lươn chết nhiều quá, sợ ba mẹ biết, cứ nửa đêm tôi lại mang lươn đi đổ, chứ không dám đi đổ ban ngày”, anh Tân bùi ngùi kể.
Một năm khởi nghiệp thất bại nhưng anh Tân vẫn không bỏ cuộc. Anh gom gần 200 triệu để sang trang trại ở An Giang mua con giống, tìm hiểu kỹ thuật nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo.
“Đợt nuôi lươn thứ hai thành công, từ đó tôi quyết định mở rộng diện tích nuôi. Đến nay, trang trại lươn đã rộng 2ha”, anh Tân cho biết.
Anh Tân nuôi lươn theo kiểu thâm canh, nước sạch không bùn, không sử dụng chất kháng sinh, đảm bảo sản phẩm không tồn dư chất cấm.
Về quy trình nuôi, anh Tân chia trang trại làm ba khu gồm: Khu nuôi lươn sinh sản, khu nuôi lươn thịt và khu ấp lươn. Lươn giống nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg sẽ được chuyển sang làm lươn sinh sản.
Để đảm bảo luôn có sản lượng quanh năm, anh Tân thường xuyên chọn lọc những cặp lươn bố mẹ hậu bị, khi tới mùa sẽ chuyển ra bể sinh sản.
"Một cặp lươn bố mẹ sinh sản từ 4-5 lần/năm, mỗi lần đẻ khoảng 500-1.000 trứng. Lươn thịt nuôi trong 10 tháng, đạt trọng lượng 4 con/kg thì xuất bán", anh Tân nói.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ông chủ trại nuôi lươn còn xây dựng website, kênh bán hàng trên internet...
Những người trước đây nói anh nghỉ việc về nuôi lươn là "khùng" thì giờ đây quay lại ủng hộ, có người đến tìm hiểu, học hỏi để mở trang trại.
Hơn 12 năm theo đuổi con lươn, trang trại của anh Tân giờ đây được cho là lớn nhất miền Tây. Mỗi năm anh cung ứng ra thị trường 10 triệu con lươn giống và 20 tấn lươn thịt. “Mục tiêu trong năm 2023, trang trại lươn của tôi sẽ đạt lợi nhuận từ 1-5 tỷ đồng”, anh Tân nói.
Anh Tân từng nhận bằng khen Nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2019.