- Lý giải việc thờ ơ với hiền tài, ông Phạm Khắc Lãm (nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình VN) cho rằng, "vì người quản lý nhiều lúc đã tự huyễn hoặc cho mình là người độc quyền chân lý nên mọi lời trái ý đều là sai".

Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam hôm nay (27/9) tổ chức ở Hà Nội hội thảo về vai trò của nhân tài với thịnh suy đất nước, tập hợp tham luận của nhiều nhà khoa học, nhiều cựu lãnh đạo và đại diện các hiệp hội. Bài học về dùng người của Hồ Chí Minh được nói tới nhiều lần như gợi nhắc một nguyên lý cốt lõi trong sử dụng nhân tài là phụ thuộc cái tâm, cái tầm của người đứng đầu và việc tạo được môi trường tự do, dân chủ, chấp nhận mọi sự khác biệt.

Không muốn dùng người hơn mình

Đăng đàn vào những phút cuối buổi sáng, ông Phạm Khắc Lãm chia sẻ, khi còn phụ trách công tác về người Việt ở nước ngoài, ông đã gặp gỡ nhiều trí thức Việt kiều để nghe chia sẻ. Tâm tư chung là họ đều e ngại khi nói những vấn đề ngược với ý kiến lãnh đạo.

Ảnh minh họa: Giáo dục thời đại
Chưa kể, như phân tích của nhiều nhà khoa học, nét riêng của những người có tài thường là khí khái, không muốn khoa trương ồn ào. Đôi khi với việc thường xuyên nêu chính kiến và bảo vệ chính kiến, họ trở nên đơn độc trong một tập thể. Với nhân cách vốn có, họ thường ngại va chạm, tránh né mọi sự ghen ghét, nhất là sự quy chụp về lập trường, quan điểm. Phát hiện nhân tài không khó, nhưng trọng dụng ra sao lại phụ thuộc vào người đứng đầu.

Nghiên cứu của TS Phan Tân, Viện nghiên cứu dư luận xã hội đã chỉ ra "lỗi hệ thống", đó là nguyên tắc "bất thành văn" mỗi khi xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ cao cấp của nhà nước không tính đến những trí thức giỏi ngoài Đảng.

Theo tổng kết của ông Vũ Quốc Tuấn (nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), người lãnh đạo phải biết lấy sự phát triển của cái chung làm trọng, không nên chịu áp lực chi phối của lợi ích bè phái, phe nhóm, địa phương, cục bộ, đặc biệt không nên sợ mất ghế. Không chỉ có con mắt tinh đời, người lãnh đạo còn phải luôn tự biết mình, biết người, không hẹp hòi và cũng không nên tự coi mình là trí tuệ siêu việt, tài giỏi hơn người.

Quan trọng hơn, lãnh đạo cần có niềm tin vào nhân tài, tránh đố kỵ hay quy chụp tràn lan. Bởi, đức độ của người đứng đầu cũng là một trong các yếu tố "hút" người tài. Thái độ chân thành, lắng nghe, khuyến khích những lời nói thẳng, nói thật sẽ có sức cảm hóa tự nhiên. "Chỉ người có tài mới biết phát hiện được nhân tài", ông Tuấn kết luận.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu có muốn và có dám dùng người tài. Bởi thực tế, không ít lãnh đạo không muốn dùng người hơn mình, tư tưởng hẹp hòi, vương vấn theo "chủ nghĩa lý lịch". Trong khi đó, để sử dụng nhân tài cần một quan điểm rộng lượng, không nên quá khắt khe, thành kiến.

Văn hóa đối thoại

Tuy nhiên, chỉ người đứng đầu có tầm nhìn vẫn chưa đủ. Nhân tài chỉ có thể được phát huy tài năng sáng tạo trong một môi trường lành mạnh, tự do, dân chủ.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt nhắn nhủ, người đứng đầu cần mạnh dạn phát huy dân chủ. Bởi, "chỉ dân chủ mới có thể chọn được người tài", ông Duyệt nhấn mạnh.

Theo đúc kết của GS Hoàng Chí Bảo, điều quan trọng là tạo ra một môi trường ứng xử văn hóa mà ở đó, người tài được tôn trọng và tin cậy. Việc làm đầu tiên là người lãnh đạo phải tạo ra một môi trường thực sự dân chủ, tranh luận, phản  biện, hình thành một thứ văn hóa là người đứng đầu phải thường xuyên chịu khó đối thoại và lắng nghe trí thức.

Điều khiến các đại biểu quan tâm hiện nay, đó là tình trạng mất dân chủ, ít người dám nói ra chính kiến. Những người đứng đầu mất đi thói quen đối thoại, phản biện đã kìm hãm và hạn chế sức sáng tạo, thui chột sự phát triển chung.

"Trong một môi trường đang vận hành theo các nhóm lợi ích cục bộ thì nhân tài phát huy bằng cách nào?", TS Hồ Sĩ Quý (Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội) lên tiếng. Ông Quý cũng nói vui, nếu doanh nhân Bạch Thái Bưởi "làm ăn" trong bối cảnh các nhóm lợi ích như hiện nay cũng khó lòng cạnh tranh được với các tập đoàn kinh tế về tàu biển.

Còn theo đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, không thể sử dụng nhân tài nếu không kiên quyết đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hóa biến chất, tệ quan liêu, tham nhũng, nạn chạy chức chạy quyền.

Rất nhiều điểm nghẽn khác cản trở việc trọng dụng, phát huy nhân tài được nhận diện và phân tích thấu đáo với kỳ vọng những tiếng nói tâm huyết vì dân, vì nước sẽ được lắng nghe. Và như chia sẻ của ông Vũ Quốc Tuấn, nhiều cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao với các chuyên gia, nhà nghiên cứu gần đây đã cho thấy các tín hiệu tích cực của việc mở ra môi trường đối thoại, dân chủ.

Lê Nhung

Có nên chọn người 'cãi' giỏi hơn mình?
Góp ý cho công tác nhân tài, các diễn giả cho rằng, quan trọng không chỉ là nhận diện, phát hiện nhân tài mà là lãnh đạo có biết nhìn nhận và có dám sử dụng người tài.
 
Rào nào đang cản bước người tài?
Góp ý cho dự thảo Chiến lược quốc gia về nhân tài do Ban Tổ chức TƯ xây dựng, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ nói, nên rút kinh nghiệm từ chuyện những người tài đã từng bị thui chột, không được trọng dụng.
 
Vì sao tôi dứt áo ra đi?
Sau 17 năm gắn bó với cơ quan nhà nước, tôi vẫn đành nói lời chia tay - một tiến sỹ kinh tế từ đơn vị cấp bộ.
 
Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui
Nói rất thật là tôi có cảm giác buồn vui lẫn lộn, nhưng không ngạc nhiên - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính chia sẻ chuyện chảy máu chất xám khu vực công.