- "Ngày thứ 2 đổi giờ
cả nhà tôi như phát điên lên, khi xe bus hết giờ chạy mà con tôi chưa về, điện
thoại không liên lạc được. Đổi giờ mới được 3 ngày thì cháu ngủ gật mất 2 lần.
Không thể chịu thêm cảnh phấp phỏng như vậy tôi đã mua xe máy 50cc cho cháu đi
học" - độc giả Nguyễn Ngọc Hà đã gửi đến báo VietNamNet những bức xúc sau khi Hà
Nội thực hiện đổi giờ làm, giờ học.
Tôi vô cùng bức xúc với qui định bắt học sinh cấp 3 tan học lúc 19h. Khi chưa đổi giờ, hôm nào phải đi học thêm con tôi dùng xe đạp, không phải học thêm cháu dùng xe bus (tôi rèn cho cháu đi xe bus từ năm học lớp 3).
Ngày thứ 2 đổi giờ cả nhà tôi như phát điên lên, khi xe bus hết giờ chạy mà con tôi chưa về, điện thoại không liên lạc được.
21h15 vợ chồng tôi chia nhau đi tìm thì thấy cháu dở khóc dở mếu đi về, hóa ra cháu ngủ gật trên xe bus nên bỏ bến cần xuống, khi phát hiện ra thấy toàn đường lạ, điện thoại lại hết pin, cháu phải xuống bến lạ, thuê xe ôm chở về, không may lại bị xe ôm bắt nạt lấy 150.000đ.
Đợi xe buýt trong giá rét (Ảnh: VietNamNet) |
Đổi giờ mới được 3 ngày thì cháu ngủ gật mất 2 lần. Không thể chịu thêm cảnh phấp phỏng như vậy tôi đã mua xe máy 50cc cho cháu đi học.
Bắt buộc tan học 19h của TP Hà Nội chắc chắn đã làm tăng đáng kể số lượng xe máy. Có người sẽ chất vấn tôi sao để con đi học xa thế (13km)? Tôi phải thưa rằng với chất lượng của trường PTTH điểm chuẩn 53,5 với chất lượng của trường điểm chuẩn 49 bạn chọn trường nào?
Vì giờ tan học oái ăm này tôi đã phải bỏ lớp ngoại ngữ của con (mà đâu có dễ để lúc nào cũng có lớp phù hợp).
TP Hà Nội đã sai lầm khi lấy học sinh cấp 3 ra làm thí nghiệm? Quy định tan học lúc 19h thể hiện sự yếu kém, sự vô cảm của nhiều cấp quản lý?
Học sinh cấp 3, gia đình họ, các thầy cô giáo dạy không thể là những người phải trả giá cho sự điều hành giao thông bất lực của cả một thành phố! Bắt học sinh cấp 3 tan học lúc 19h là vi phạm quyền trẻ em, mất dân chủ với các thày cô giáo và phụ huynh.
Không có một nước nào trên thế giới lại bắt học sinh tan học lúc 19h. Ai tán thành việc tan học của học sinh cấp 3 vào lúc 7h tối hãy đặt địa vị mình vào các cháu mà nghĩ. Đừng vì phải chịu ít phút tắc đường của mình mà đòi hỏi học sinh cấp 3 phải mất đi 2 tiếng.
Học sinh cấp 3 không là nguyên nhân gây tắc đường (nghỉ hè đường vẫn tắc), các con không được phép đi xe máy, đa phần các con đi xe bus, xe đạp, đi bộ, hoặc bố mẹ đón.
Tan trường... lúc lặn mặt trời
Nhiều gia đình thuê xe ôm
đưa đón con đi học, học sinh đứng chật cứng căng - tin ăn điểm tâm tối
vì Hà Nội thay đổi giờ học từ 1/2.
|
Không nên để học sinh tan học lúc 18h, bởi lúc này đường phố vẫn đông mà lại không tận dụng được ích lợi của việc lùi giờ tan sở của công chức.
Học sinh cấp 3 thường có 5 tiết học mỗi ngày, tính ra cả giờ truy bài, giờ ra chơi, giờ 5 phút thì mỗi buổi học cần 4,5 tiếng. Ca sáng bắt đầu 7h (hoặc 6h45) thì 11h tan. Ca chiều bắt đầu lúc 12h thì 16h30 tan là hoàn toàn hợp lý.
Mặt tiền trường học nào cũng rất rộng, chỉ cần bố trí 1 cổng ra, 1 cổng vào đảm bảo không có sự va nhau giữa hai ca thì sẽ không ùn tắc.
Nếu kiên quyết phải có một bộ phận dân chúng phải chịu tan sở lúc 19h thì UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT, Sở GTCC, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT hãy gương mẫu đi đầu, tình nguyện tan sở vào lúc 19h đi!
Các vị thử 3 ngày thôi sẽ thấm ngay ngay nỗi khốn khổ của các cháu học sinh cấp 3. UBND thành phố, Bộ GTVT đã không nghiên cứu tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây tắc đường: Chính là ô tô!
Theo số liệu của Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông: số lượng phương tiện của thành phố hiện có 3,7 triệu xe máy, gần 400.000 ô tô, đó là chưa kể mỗi ngày còn có hàng nghìn ô tô vãng lai từ các tỉnh về Hà Nội.
Lượng ô tô chiếm 10% (gần 400.000 chiếc) và xe máy chiếm 90% (3,7 triệu chiếc) nhưng ô tô chiếm tới 55% diện tích mặt đường và theo đó chiếm 65% diện tích bãi đỗ. Mỗi xe máy khi di chuyển chiếm 6m2 mặt đường và chiếm 2,5m2 chỗ đỗ, mỗi ô tô di chuyển chiếm 25m2 mặt đường và chiếm 10m2 chỗ đỗ.
Các vị hãy thử cấm các loại ôtô (trừ xe bus và xe đưa đón CBCNV, học sinh và một số trường hợp đặc biệt) lưu thông trong khoảng thời gian từ 16h30 đến 18h sẽ thấy hiệu quả ngay.
Trong thời gian Tết vừa qua, Hà Nội xe máy vắng teo nhưng vẫn có những tuyến phố tắc dài cả km bởi xe ôtô dung dăng dung dẻ trên đường. Những người có ôtô riêng là quan chức, là người giàu, người kinh doanh (taxi) – nếu cấm ôtô trong vòng 1,5 tiếng sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều mà lại chỉ đích danh thủ phạm gây tắc đường, vậy tại sao không mang ra thí nghiệm???
Người giàu, quan chức đều có người giúp việc (hoặc nhân viên) lo nhà cửa, cơm nước, đón con.. nên việc rời cơ quan muộn 2 tiếng so với dân thường mà tạo phúc cho đại đa số dân chúng vậy tại sao không làm?
Thêm nữa, taxi chạy xe trong giờ cao điểm thì không hiệu quả (tắc đường, tốn xăng, gây ô nhiễm cấm là điều miễn bàn). Đặc điểm của Hà Nội là phố xá nhỏ hẹp, đường ngang, ngõ tắt, hàng quán nhiều thì xe máy là phương tiện giao thông lý tưởng. Mong muốn ôtô sẽ là phương tiện giao thông phổ biến là hão huyền!
Từ Bộ GD-ĐT cho đến Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý trực tiếp mà không nắm rõ đặc điểm các cấp học, không hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, của học sinh để rồi tán thành chính sách tan học 19h là thiếu trách nhiệm!
Không thể phủ nhận biện
pháp thay đổi giờ học, giờ làm cũng đã có chút ít hiệu quả đối với một số tuyến
phố, nhưng chưa phải là thực chất bởi từ khi thực hiện đổi giờ đường phố nào
cũng đầy chặt bóng áo vàng (công an) và áo xanh tím (ngành giao thông) xen kẽ,
điều chẳng mấy khi có trước khi đổi giờ.
Nhà tôi ở quận Long Biên, con tôi học trường TPTH Kim Liên (đi xe đạp cháu sẽ phải đi cầu Long Biên xa hơn khoảng 4km vì cầu Chương Dương cấm xe đạp, thậm chí cấm cả xe đạp điện). Tan học cháu phải đi bộ khoảng 1km mất 10 phút từ trường ra bến xe bus bắt xe 25 hoặc 28 (cứ 20 -25 phút mới có 1 chuyến) đến bến đoạn qua Phương Mai một chút, cháu phải xuống xe, băng qua đường Giải Phóng bắt xe 22 (hoặc 03 xe 03 đi lòng vòng mất thời gian hơn cứ 15 phút có một chuyến) và đi bộ khoảng gần nửa km về nhà thì đã gần 9h tối. |
Nguyễn Ngọc Hà