- “Một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá”, đó là tựa đề trong cuốn Lịch sử Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1983 của tác giả P. Héduy. (P. Héduy, Histoire de l’ Indochine, Paris, 1983) đã khiến tôi không khỏi rùng mình khi đứng giữa đồi hài cốt trong buổi chiều đầu đông nơi bản đảo Sơn Trà.

Không biết chính xác có bao nhiêu người lính viễn chinh nằm lại nơi đất khách quê người khi đặt chân xâm lược đến vùng đất này, và tại sao họ không được hồi hương về nước mẹ mẫu quốc khi cuộc chiến tranh đã kết thúc…?

Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của đội quân viễn chính Pháp - Tây Ban Nha khi đánh vào Đà Nẵng năm 1858 nhưng những nấm mồ hoang lạnh của quan quân nơi đồi hài cốt là những chứng tích còn lưu cho đến ngày nay.

Theo tài liệu lịch sử Đà Nẵng, năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho dời hơn 40 mộ sĩ quan đến một gò cao và xây tại đây một nhà nguyện, có tường bao quanh. Dưới nền nhà nguyện là một hầm đào sâu xuống để xếp các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ bốc từ các nơi đưa về.


Nhà nguyện - nấm mồ chung của lính tây trên đồi hài cốt

Ngôi nhà nguyện nhỏ, lạnh lẽo vì không người coi sóc, bên trong có một bàn thờ nhỏ giản đơn theo nghi thức Công giáo, phía trên là những phiến đá khắc dòng chữ Latinh chạy uốn lượn phía trên bệ thờ theo hình vòm đối xứng.



Bên trái bức tường có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: "A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l'Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux" (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 - 1859 - 1860 và được an táng ở đây). 

Xung quanh khuôn viên ngôi nhà nguyện có đến 40 ngôi mộ đắp bằng xi măng. Một số ngôi mộ dựng những tấm bia đá mà những dòng chữ đã không còn đọc được.


Những ngôi mộ xung quanh nhà nguyện.

Theo lời kể của các cụ già địa phương thì ở phía đông núi Mỏ Diều và đảo Cô, ven chân núi Sơn Trà, gần bãi tắm Tiên Sa trước đây, còn khá nhiều ngôi mộ của quân Pháp, nhưng khi quân Mỹ đến (1965-1975), khu vực này bị san ủi để mở rộng cảng và thiết lập doanh trại nên dấu tích không còn.

Trong tài liệu đề ngày 25/5/1921 của Trường Viễn Đông Bác Cổ mà ông Lưu Anh Rô, cán bộ nghiên cứu lịch sử Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tìm thấy có đoạn viết gửi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane, nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của Đô đốc Rigault de Genouilly.


Bàn thờ nhỏ bên trong nhà nguyện đã lâu không được sử dụng

Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Xung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18/11/1859...".

Đã hơn 150 năm dâu bể, dấu tích của chiến trường chống giặc ngoại xâm xưa vẫn còn đó. Đứng giữa đồi hài cốt nhìn ra cảng Tiên Sa và phóng tầm mắt qua eo biển nhìn về Đà Nẵng, trong tôi như vẫn còn nghe âm vang của tiếng gầm đại bác từ nơi cảng này nã vào thành Điện Hải và đâu đó thấp thoáng dưới mé biển đoàn quân Pháp đổ bộ vào chiếm bán đảo Sơn Trà.

Tôi miên man theo dòng ký ức, như thấy hiện về những ngày vị tướng tài Nguyễn Tri Phương cùng quân dân binh Đà Nẵng - Quảng Nam đắp lũy, xây thành vây hãm liên quân Pháp - Tây Ban Nha với tàu to súng lớn suốt 3 năm ròng nơi vùng biển này khiến hàng nghìn tên lính lê dương phải bại trận bỏ mình.

Bất chợt lòng tự hỏi không biết trong số những người khách phương tây tìm đến đồi hài cốt trong ngày 25/12 cầu nguyện hàng năm có mấy ai là hậu duệ của những người lính xâm lược bỏ mình nơi đất khách đã bị những chiến binh áo vải của một dân tộc nhỏ bé với vũ khí thô sơ của hơn 150 năm trước đánh bại?


Một góc khu đồi hài cốt lính tây nằm khuất lấp trong cỏ hoang, cây dại bên đường dẫn vào cảng Tiên Sa

Giờ đây, một con đường nhựa rộng thênh thang trải dài uốn lượn dưới chân núi Sơn Trà chạy thẳng ra cảng Tiên Sa. Những đoàn xe tải dài dằng dặc nối nhau nằm chờ chuyển hàng ra cảng ồn ào và hối hả. Ít ai chú ý đến đồi hài cốt cùng với ngôi nhà nguyện màu trắng xám lạnh lẽo bị vây bốn bên là cơ quan hành chính của khu cảng Tiên Sa sầm uất.

Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã quận Sơn Trà Nguyễn Đăng Xứng cho biết, đồi hài cốt là nơi sử ghi dấu sự thảm bại của liên quân Pháp đánh vào Đà Nẵng năm 1858. Trong tương lai không xa, đây sẽ là điểm đến tham quan thiết thực của lớp trẻ khi tìm hiểu về lịch sử của cha ông đánh giặc ngoại xâm.

Vũ Trung