Những ngày gần đây, bộ phim “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã thực sự tạo nên một “cơn sốt” trên khắp các phòng chiếu.
“Cơn sốt” do “Đào, Phở và Piano” tạo ra còn gây nên hiện tượng quá tải, nghẽn mạng, bảo trì, thậm chí quá tải máy in đối với hệ thống website của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Beta Cinemas và Cinestar. Các đơn vị này sau đó không nhận bán vé xem phim online “Đào, Phở và Piano” do lo ngại hệ thống hoạt động không ổn định.
Khác với các bộ phim chiếu rạp thông thường, “Đào, Phở và Piano” là bộ phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất với chi phí khoảng 20 tỷ đồng. Sức hút của “Đào, Phở và Piano” cho thấy tiềm năng thương mại của các bộ phim do Nhà nước sản xuất.
Theo ông Vũ Đức Tùng, quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, việc khán giả cùng đặt vé xem một bộ phim do Nhà nước sản xuất khiến trang web của đơn vị này bị sập là hiện tượng trước nay chưa từng có.
"Phản ứng của dư luận và kết quả ban đầu từ phim “Đào, Phở và Piano” là một tín hiệu khả quan, cho thấy nếu phim Nhà nước có chất lượng, kịch bản phù hợp xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc người xem thì hoàn toàn có khả năng ra rạp", ông Vũ Đức Tùng nhận định.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực được lan tỏa nhờ bộ phim, “cơn sốt” do “Đào, Phở và Piano” tạo ra cũng để lại nhiều bài học, đặc biệt là từ công tác chuẩn bị, vận hành hệ thống.
Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia hàng đầu về CNTT cho hay, gần đây, nhiều đơn vị Nhà nước đang làm tốt hoạt động phát triển sản phẩm và truyền thông, dẫn tới sự quan tâm lớn của xã hội.
Trên thực tế, không chỉ “Đào, Phở và Piano”, một sản phẩm có dấu ấn Nhà nước khác là đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà Tù Hỏa Lò (Hà Nội) cũng đã gây được ấn tượng mạnh với công chúng.
Nhờ những đổi mới về cách làm truyền thông, fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa lò hiện có gần 400.000 lượt người theo dõi. Đơn vị này cũng sở hữu những bài đăng “gây sốt” với lượt tương tác đạt con số 100.000 like.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đã mang đến trải nghiệm "tham quan di tích bằng âm thanh" trên 2 nền tảng số là Spotify và Apple Podcasts. Ba chương trình trưng bày trực tuyến “Thắp lửa yêu thương", “Sắt – Son", “Lời thề quyết tử" thậm chí còn đưa Spotify của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đạt Top 1 ở hạng mục Lịch sử.
Theo vị chuyên gia này, việc truyền thông để quảng bá cho những sản phẩm/địa danh mang yếu tố lịch sử cần được khuyến khích. Nhưng đi kèm với đó, hệ thống CNTT của các cơ quan Nhà nước cũng cần phải được đầu tư tương xứng.
“Bây giờ là thời đại xã hội số, thông tin lan truyền rất nhanh và nếu làm không đồng bộ, chúng ta sẽ rất lãng phí cơ hội để thu hút khách”, chuyên gia nhận định.
Trong thời đại chuyển đổi số, song song với kế hoạch truyền thông, các đơn vị này cũng cần phát triển hệ thống CNTT tốt hơn để tránh rơi vào tình trạng quá tải.
Để làm điều đó, họ có thể sử dụng hệ thống phân tán tải (Load Balancer), phân tán lưu lượng truy cập đến nhiều máy chủ để tránh bị quá tải. Họ cũng có thể sử dụng mạng lưới phân phối nội dung (Content Delivery Network - CDN), giúp đưa nội dung đến người dùng từ vị trí gần nhất, giảm thiểu tải trên máy chủ chính.
Các rạp chiếu cũng nên tối ưu hóa hình ảnh, để trang web nhanh hơn và tiêu thụ ít tài nguyên hơn. Cùng với đó là sử dụng công cụ giám sát, theo dõi lưu lượng truy cập và tài nguyên hệ thống, kết hợp với giải pháp tự động mở rộng (auto-scaling) để tăng cường tài nguyên khi cần thiết.
Tuy vậy, từ góc nhìn chuyên gia, ở câu chuyện quá tải hệ thống của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, công chúng nên có sự thông cảm.
Trên thực tế, các kênh trực tuyến thường sẽ yêu cầu việc đầu tư tương đối lớn từ hạ tầng, ứng dụng đến nhân sự vận hành. Nếu đầu tư nguồn lực trước mà sau đó không có khách, không phát huy được hiệu quả thì các cơ quan nhà nước sẽ rất khó để giải trình.
Việc quá tải hệ thống do “Đào, Phở và Piano” gây ra đã để lại những bài học nhất định về công tác đảm bảo hạ tầng CNTT. Thế nhưng, đây cũng là câu chuyện “con gà và quả trứng", cần có sự vào cuộc của các cơ quan hoạch định chính sách.