TP.HCM đã hơn 50 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15 rồi 16. Trong 50 ngày với biết bao bất tiện, mọi thứ đảo lộn so với cuộc sống ngày thường. Sinh hoạt, giao thương, làm ăn, sản xuất, kinh doanh, buôn bán… cũng gặp vô vàn khó khăn.
Tối 20/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đăng đàn cho biết thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16! Ông và có thể cấp cao hơn nữa đang nghĩ đến những giải pháp có thể mạnh tay như một liều “thuốc đắng dã tật” để TP.HCM mau “lành bệnh”.
Những ngày sắp tới sẽ còn nhiều vất vả nhưng rồi chúng ta sẽ đối mặt thế nào đây? Chìm đắm trong những lo âu hốt hoảng hay xắn tay cùng nhau, chung sức chung lòng để vững vàng và “khỏe khoắn” hơn, mau vượt qua những ngày này? Nhiều những chia sẻ và thêm những cảm thông, có lẽ quãng đường phía trước bớt gập ghềnh hơn.
Sáng ra tôi đọc được những chia sẻ trên trang cá nhân của anh Minh rau, người đàn ông “nổi tiếng” với những việc phát rau, gạo, trứng dễ thương ở Đồng Nai và giờ đã lan ra cả nước. Không biết anh ấy trích hay tự mình nghĩ ra nhưng tôi vẫn thích những dòng: “Cách tốt nhất để trị bệnh chán đời là đứng dậy và làm điều gì đó. Hãy chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra với bạn. Nếu bạn ra ngoài và làm cho một số điều tốt đẹp xảy ra, bạn sẽ lấp đầy thế giới với hy vọng, bạn sẽ lấp đầy bản thân với niềm vui nhỏ".
Tối qua, chung cư tôi ở, khi mà nhân viên vệ sinh có cả F1 lẫn F0, rác không dọn kịp, lối đi chưa được quét, thay vì trách móc hay kêu than với Ban Quản lý, mọi người đã cùng nhau ra dọn chính tầng mình sống. Rồi bà con lại thay phiên nhau đổ rác công cộng, quét lối đi chung và gửi thêm chút quà để động viên anh chị em phục vụ đang thiếu hụt lực lượng. Các nơi đã sạch sẽ, hành lang lại bóng loáng và nhiều người đã bớt buồn chán, than phiền.
Lúc này đây dù tiền nhiều, quyền thế hay đại gia thì cũng không thay đổi được tình hình người ít việc nhiều do dịch bệnh hay mọi thứ không thể nào bằng ngày thường để muốn rằng mọi thứ phải như xưa. Các cháu trai nhà tôi cũng học được cách lau nhà, rửa chén gọn gàng hơn khi cô giúp việc không thể đến làm do giãn cách hay chẳng còn thờ ơ với tô mì nấu vội, bát cơm nhà nấu để tìm cách ra ngoài tìm đĩa cơm tấm, tô hủ tíu ngày nào.
Mấy “tiểu thư” hay “công tử” con nhà khá giả tôi quen, cô thì tìm cách đến chùa quen hòa mình vào những tăng ni, Phật tử để nấu hàng ngàn suất ăn từ thiện, cậu đăng kí làm tình nguyện viên ngay phường nhà canh gác các điểm cách ly. Họ bảo mệt, mệt lắm chú à nhưng mà vui chứ ở nhà suốt ngày quẹt điện thoại chán quá, lại chẳng giúp được ai, lên mạng thấy người ta than phiền hoài.
Tôi biết vẫn còn những điều chưa thể vừa lòng nhiều người ở khu cách ly tập trung hay thiếu thốn tại BV Dã chiến mới thành lập. Tôi cũng rõ rằng không ít những chuệch choạc ban đầu, sai sót lúc mới làm hay kể cả lúng túng, bất cập khi triển khai đang phải sửa dần. Nhưng trong cuộc chiến chống Covid-19 chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại này thì đã ai từng có kinh nghiệm hay biết trước địch ở đâu, chúng tấn công ta như thế nào và cách gì sẽ hiệu quả nhất?
Không nên biện hộ cho những sai lầm khó tránh khỏi nhưng mỗi nước một đặc thù, mỗi trận địa lại diễn biến khác nhau và mỗi nơi tình hình thay đổi nhanh chóng ít ai ngờ. Chỉ có không làm gì mới chẳng sai hoặc ngồi im mới không thiếu sót nên giờ này đây tôi vẫn thích tư duy và cách nghĩ như của Minh rau “Cách tốt nhất để trị bệnh chán đời là đứng dậy và làm điều gì đó” thay vì than vãn và để những thứ tiêu cực bủa vây quanh mình.
Mẩu chuyện này tôi ghi lại từ một “Nhật ký cách ly” đáng để chúng ra suy gẫm “Một F0 không triệu chứng tại bệnh viện dã chiến mới lập, 15h chiều vẫn chưa có cơm ăn. Anh ấy hét lên với mấy người phục vụ "Mọi người ngủ hết rồi à, tính để tôi đói sao?”. Rồi chợt nhìn xuống thấy những thanh niên đang chuyển cơm giữa nắng nôi, bước đi xiêu vẹo vì mệt lả, sáng giờ chỉ làm và làm mà bụng chưa có miếng nào, dù trên tay vẫn bưng mấy chục hộp cơm…”.
Có thể mỗi người nhìn một góc, chịu đựng khó khăn khác nhau và hoàn cảnh chẳng phải ai cũng giống nhau nhưng có lẽ những cảm thông, chia sẻ, cưu mang, đỡ đần nhau lúc này cần thiết hơn trách móc, ca thán, giận dữ, chỉ trích…Những ngày phía trước dài hay mau qua chắc chắn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta đối diện và hành xử ra sao. Nhưng dù thế nào thì bớt chìm đắm trong lo sợ và bực tức để ít nhất mỗi người cũng nhẹ nhõm hơn sẽ khiến cộng đồng vững vàng hơn trong lúc khó khăn này.
Hà Phan
>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Ngày đầu giãn cách 19 tỉnh, thành và những 'sửa sai' đúng lúc
Một số nơi xuất hiện những lúng túng, chuệch choạc và cả 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược' hay 'sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng' đang được thừa nhận, sửa sai dần.