Theo TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bối cảnh mới mở ra những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình.

TS Huy Phòng gợi mở, để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong có những giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.

Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình, nhất là trong điều kiện hiện nay. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đó là: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Thứ hai, bên cạnh việc phát huy những giá trị tích cực của hương ước, lệ làng, quy ước cộng đồng trong giáo dục, hình thành nhân cách con người thì trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lí đầy đủ về công tác gia đình.

Đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể trong việc đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng của nhân dân cũng như tạo không gian, môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân có cơ hội phát triển toàn diện. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác gia đình, trẻ em, đồng hành với các gia đình trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với những hoạt động phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia của các gia đình, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Quan tâm, chăm lo phát triển gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Gìn giữ, vun đắp hệ giá trị gia đình với sự kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và hiện đại sẽ tạo môi trường văn hóa lành mạnh, là điểm tựa tinh thần để mỗi cá nhân, gia đình không ngừng phát triển, tạo động lực, sức mạnh nội sinh góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua; tôn vinh các gia đình làm ăn kinh tế giỏi, gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; lồng ghép việc xây dựng gia đình văn hóa trong các chương trình, mục tiêu, đề án lớn của quốc gia nhằm khẳng định, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, dự báo xu hướng phát triển và những tình huống mới mà các gia đình có thể đối diện. Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, gia tăng sức mạnh và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trước những biến động của thời đại.

Thứ ba, phát huy tinh thần gương mẫu của các thế hệ đi trước, những tấm gương sáng về đạo đức, tri thức của ông bà, cha mẹ trong giáo dục dạy bảo con cháu. Định hướng năng lực thẩm mỹ, hướng thế hệ trẻ đến những điều tốt đẹp của chân, thiện, mỹ thông qua các phương tiện truyền thông, các xuất bản phẩm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, giáo dục đào tạo. Kiểm soát và thẩm định tốt những thông tin, luồng tư tưởng có nội dung xấu độc được lan truyền, phát tán trên mạng xã hội để cảnh báo kịp thời cho người dùng. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của mỗi gia đình.

Quốc Hoàn và nhóm PV, BTV