Tuần Việt Nam/VietNamNet giới thiệu phần 2 Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vị khách mời bà Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Bà là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng và thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu chính sách, đặc biệt là các vấn đề về chính sách kinh tế.
Xin trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ông Phúc đã có thời gian gần 40 năm công tác ở Quốc hội trên cả hai lĩnh vực là Pháp luật và Kinh tế. Ông đã tham gia tham mưu, phục vụ xây dựng 3 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Xin trân trọng giới thiệu ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, là thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thành viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế. Ông Đức đã có nhiều hoạt động liên quan đến tham mưu, xây dựng chính sách kinh tế.
Phân định Nhà nước - Thị trường – Xã hội để chống lãng phí
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa các vị khách mời, gần đây Tổng Bí thư có phát biểu rất quan trọng về chống lãng phí và khẳng định, lãng phí làm phân tán nguồn lực của đất nước.
Câu hỏi đặt ra, có cách nào để phân bổ được nguồn lực tốt hơn cho phát triển vì trong không ít lĩnh vực hiện nay, việc phân phối nguồn lực vẫn thực hiện theo mệnh lệnh hành chính thay vì tín hiệu thị trường?
Xin mời bà Phạm Chi Lan:
Bà Phạm Chi Lan: Điều này là thực tế đang diễn ra ở nước ta. Sau gần 40 năm Đổi mới, dường như cách làm theo mệnh lệnh hành chính còn đang tăng lên và không đồng điệu với tín hiệu từ thị trường và với sự phát triển của xã hội.
Đây là vấn đề lớn. Nó gây ra tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn lực, nó làm cho các nguồn lực bị sử dụng rất lãng phí, kém hiệu quả. Ngay với nguồn tài nguyên lớn nhất là con người cũng chưa được khai thác và đầu tư thích đáng.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Vậy theo quan điểm của bà, điều gì níu kéo cơ chế đấy?
Bà Phạm Chi Lan: Tình trạng này, theo tôi, là do mấy nhân tố.
Trước hết, chúng ta đang nói nhiều về thể chế và cải cách thể chế là yêu cầu số một trong giai đoạn hiện nay. Phải phân định rõ hơn vai trò, quan hệ giữa ba trụ cột là Nhà nước, thị trường và xã hội.
Nhà nước là người đứng ra quản trị chung nền kinh tế đất nước. Ở những thị trường kinh tế tự do nhất thì Nhà nước vẫn có vai trò rất lớn vì Nhà nước đưa ra các chính sách, các cơ sở luật pháp, các văn bản pháp quy để điều hành và vận hành xã hội. Khi muốn thúc đẩy hoặc hạn chế ngành gì, Nhà nước thực hiện chủ yếu bằng những chính sách điều tiết, ví dụ như thuế hay chính sách ưu đãi, thay vì ưu tiên cho các thành phần kinh tế vì lợi ích chung của đất nước chứ không vì lợi ích của ngành nào.
Tuy nhiên, chúng ta chưa làm rõ được cải cách thể chế hiện nay cần làm gì. Theo tôi, điều đầu tiên thay đổi về tư duy, nhận thức và từ đó đưa đến phân định rõ ràng vai trò của Nhà nước, thị trường và xã hội. Sự tương tác, giám sát lẫn nhau giữa ba trụ cột này là vô cùng quan trọng.
Chúng ta chưa có cơ chế này, nên việc phân bổ nguồn lực, vốn nằm hết trong tay Nhà nước, bị méo mó.
Hầu hết nguồn lực của nước ta, nhất là các nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai, hầm mỏ, rừng… đều nằm trong tay Nhà nước, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, hoặc thuộc quyền phân bổ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn nắm giữ nguồn lực tài chính rất lớn, thông qua các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước.
Nhà nước giữ quyền phân bổ nguồn lực trong tay và bộ máy nhà nước lại quá rộng lớn với hàng trăm đơn vị từ cấp trung ương tới địa phương thực hiện quyền phân bổ như vậy.
Khi bộ máy lớn như vậy, lại thiếu sự phân cấp, làm rõ quyền và trách nhiệm của từng cấp đến đâu thì dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, dễ dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích để phân bố nguồn lực.
Nhân tố thứ hai, các cơ quan đó phân bổ cho ngành mình nhiều nguồn lực, hoặc chiếm dụng quá nhiều nguồn lực trong khi các ngành khác không có để phát triển. Đây là ví dụ về việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả.
Nhân tố thứ ba ở nước ta là thói quen trong bộ máy nhà nước, mà tôi phải nói đến vì đây cũng là vấn đề cần cải cách thể chế.
Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường gần 40 năm nay. Chúng ta tham gia một loạt các FTA, trong đó có những Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Các FTAs đều đòi hỏi sự đổi mới về thể chế ở nước mình cho tương ứng với thể chế kinh tế thị trường của các nước thành viên khác.
Tuy vậy, nước ta vẫn giữ thói quen quản lý bằng mệnh lệnh hành chính. Quản lý dựa vào hành chính vẫn là công cụ chủ yếu thay vì chính sách thị trường như các nước thường làm. Đấy là thói quen không tốt.
Nhà nước sẽ bỏ qua những khâu cần thiết: nghiên cứu, điều tra, đánh giá tác động trước khi quyết định phân bổ nguồn lực cho ai, ở chỗ nào. Bên cạnh đó, Nhà nước bỏ qua khâu tham vấn các đối tượng liên quan của thị trường, của xã hội, của người dân.
Chúng ta đã có các cơ chế như dân chủ cơ sở, sự giám sát của người dân, tiếng nói của báo chí… Nếu được thực thi tốt, các cơ chế này sẽ giám sát cả Nhà nước lẫn thị trường để ngăn chặn sự phân bổ và sử dụng nguồn lực lãng phí của Nhà nước và thị trường.
Thị trường đôi khi cũng gây ra lãng phí, Doanh nghiệp đầu tư quá mức vào những lĩnh vực không có tiềm năng cũng gây lãng phí.
Như Luật sư Trương Thanh Đức đã nói rõ: Đổi mới thể chế nằm trong tay Nhà nước là chính vì các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước được giao quyền và trách nhiệm phân bổ quyền lực.
Các cơ chế của chúng ta cũng vậy, trao quyền cho rất nhiều nơi, nhiều cá nhân nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng của ai. Thiếu trách nhiệm giải trình là một trong những điểm yếu của hệ thống chính sách của chúng ta. Cơ chế này gây ra lãng phí là tất yếu.
Phải chỉ ra những dự án, công trình lãng phí
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa ông Nguyễn Văn Phúc, từ nhiều năm nay chúng ta luôn hướng đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn. Ông nhận xét như thế nào về các cơ chế, chính sách để hiện thực hóa chủ trương này?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi muốn quay lại đánh giá và nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trước hết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, bây giờ lãng phí quá lớn, không thể chấp nhận được, và nguy cơ của nó không khác gì tham nhũng, thậm chí còn gây thiệt hại hơn cả tham nhũng. Tổng Bí thư có một cái bài viết riêng về chủ đề này.
Tôi cho rằng, Tổng Bí thư bắt rất đúng bệnh.
Thời gian qua chúng ta thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật để phòng chống lãng phí như thế nào, thực hành tiết kiệm như thế nào?
Thưa chị Chi Lan và anh Đức, chúng ta có Luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hàng năm theo quy định của luật, vẫn phải có báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính của Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí gửi tới Quốc hội.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi đây là nguy cơ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, cho đất nước. Qua đánh giá của lãnh đạo và qua thực tế, chúng ta có thể quan sát được, bao nhiêu công trình, bao nhiêu dự án, bao nhiêu héc ta đất bị sử dụng một cách lãng phí, hoặc không được sử dụng. Đâu đâu cũng có lãng phí, đâu đâu cũng có thiệt hại.
Hồi còn làm đại biểu Quốc hội, tôi rất quan tâm đến thất thoát, lãng phí. Nhiều khi phát biểu và chất vấn của tôi tới lãnh đạo các bộ luôn tập trung vào lĩnh vực này.
Có một kỳ họp Quốc hội, mà trước kỳ họp đó, tôi gửi 19 lá thư ở dạng tiền chất vấn. Tôi đề nghị các bộ trưởng và cơ quan bộ cho tôi biết kết quả phòng chống thất thoát, lãng phí trong bộ, ngành mình như thế này để tôi làm cơ sở chất vấn tại kỳ họp.
Tôi nhận được phản hồi của tất cả các vị bộ trưởng nhưng rất buồn là không một vị nào trả lời thỏa đáng. Họ đều trả lời, thất thoát lãng phí ở đâu đó thôi, rồi nói về nguy cơ, về nguyên tắc chứ không nêu được một dự án nào hay một vụ việc lớn nào của bộ, ngành mình.
Sau đó, tôi ra chất vấn tại kỳ họp nhưng tôi không thể chất vấn một lúc tất cả các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ được. Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Câu hỏi của tôi đơn giản thôi: Trong thống kê của chúng ta, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tính được tỷ lệ thất thoát, lãng phí trên GDP không? Chúng ta cứ nói thất thoát, lãng phí nhưng phải có định lượng, có số liệu chứ không thể định tính, cảm tính được. Mà số liệu thì chỉ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính mới có được.
Trước khi trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ghé tai tôi nói: “Cậu chất vấn khó quá! Chất vấn khó thế mà bắt tớ phải trả lời”.
Bộ trưởng trả lời tôi trước Quốc hội như thế này: “Đấy là một câu hỏi khó. Để tính được thất thoát, lãng phí của cả nước trên GDP là rất khó. Tuy nhiên, khó cũng phải làm”.
Tiếc là các bộ trưởng sau này quên mất câu chất vấn của tôi và câu trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Cho đến nay, tôi chưa thấy số liệu chính thức nào về tỷ lệ thất thoát, lãng phí/GDP trong báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội hàng năm.
Ngoài nhận báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách hàng năm về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì Quốc hội cũng có giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Khi tôi đang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì Quốc hội cũng có giám sát tối cao về phòng chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Các cuộc giám sát hồi đấy đã gây chấn động. Chắc chị Chi Lan còn nhớ, hồi đấy, mọi người nêu số liệu là có nơi, có lúc, có cấp, ngành thất thoát, lãng phí đến 30%, thậm chí đến 50%.
Đi thẩm tra, chúng tôi đặt vấn đề có đến mức 50% không, hay là bao nhiêu phần trăm? Chúng tôi yêu cầu, các anh phải khẳng định chứ không thể nói là “hình như” hay “có vẻ như” hoặc là “dự tính như thế”.
Sau đó, tôi nhớ là đoàn giám sát khẳng định là mức 30% là có thật, thậm chí có dự án trên nữa, có thể đến mức 50%. Nhưng rồi chúng tôi gọi là “có dự án”, “có ngành”, “có địa phương” thôi chứ không chỉ ra chính xác được. Hồi đấy đi giám sát, chúng tôi cũng liệt kê được các hạng mục công trình hay các dự án có thất thoát trong các phụ lục của báo cáo giám sát.
Bây giờ, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra thẳng thắn. Tôi thấy là quá đúng. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra luôn dự án chống ngập của TP.HCM 10.000 tỷ đồng mà bao nhiêu nhiệm kỳ không làm được, gây lãng phí. Ông cũng chỉ ra hai bệnh viện ở Hà Nam bao nhiêu năm nay xây rồi để đấy, quá lãng phí.
Bây giờ phải chỉ mặt, đặt tên từng dự án, từng công trình vì nó là những lãng phí hiện hữu chứ không vô hình nữa.
Tất nhiên, lãng phí vô hình cũng vô cùng lớn. Ví dụ, quy hoạch sai hay là những quy định bất hợp lý của pháp luật, làm hại cho doanh nghiệp. Đấy là những tác nhân vô hình, làm lãng phí về mặt thời gian, công sức, tiền bạc của của doanh nghiệp.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Vậy bây giờ cần làm như thế nào? Làm sao tách biệt được vai trò của thị trường và của Nhà nước để nguồn lực được phân bố hiệu quả hơn, để chống được thất thoát, lãng phí?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Câu hỏi này có lẽ đừng hỏi tôi. Hãy đi hỏi thị trường, hỏi doanh nghiệp, hỏi người dân vì người ta trả lời rất chính xác. Thị trường, doanh nghiệp và người dân trả lời làm thế nào để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chính xác nhất.
Về mặt thị trường, chị Chi Lan đã nói rồi. Thế giới cũng như Việt Nam đều khẳng định, thị trường là nơi phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất chứ không phải Nhà nước. Cái đó được chứng minh rồi, cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất. Phải dựa vào các tiêu chí, các nguyên tắc và các quy luật của thị trường để phân bổ nguồn lực.
Nhưng chỉ riêng thị trường thì cũng không đủ vì bản thân thị trường cũng có những khuyết tật, có những điều thị trường không tự thân giải quyết được.
Chúng ta nói, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tự thân thị trường không có định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo nhận thức của tôi, thị trường là nơi diễn ra các giao dịch, buôn bán khách quan. Bản thân thị trường làm sao có định hướng xã hội chủ nghĩa được.
Chính thể chế ấy, những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới định hướng thị trường theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa được.
“Định hướng xã hội chủ nghĩa” chính là được bảo đảm bằng các thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước”. Quan điểm này mới đúng. Vì thế, nói là “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mới là đúng, chứ nói “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là không chính xác.
Đảng yêu cầu là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” chứ không phải là “Hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tôi cho rằng, thị trường phân bổ nguồn lực mới hiệu quả, nhưng có đúng với “định hướng” không, có đúng với mục tiêu “xã hội chủ nghĩa” không thì phải bằng pháp luật, cơ chế.
Nhà nước rút lui thì thị trường phát triển
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Trong nhiều lĩnh vực, cứ khi nào nhà nước rút lui khỏi thị trường là thị trường phát triển lên rất nhanh, rất mạnh. Có rất nhiều ví dụ, như Khoán 10 hay thị trường hàng hóa. Thị trường này được tự do phát triển và phát triển lành mạnh, hàng hóa không bao giờ khan hiếm. Theo ông, có nên sợ về thị trường hay không?
Ông Trương Thanh Đức: Nếu có sợ thị trường thì chúng ta vẫn phải theo và sống với thị trường. Trên thực tế, thị trường vẫn là tuyệt vời nhất, nó là chìa khóa vạn năng để điều chỉnh mọi thứ. Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, Nhà nước xử lý một phần rất nhỏ mặt trái của nó thôi, còn lại nguyên tắc của thị trường là hoàn hảo. Nếu thị trường trái, có khi do chính chúng ta làm cho nó trái.
Theo đuổi “kinh tế thị trường” tức là chúng ta đã thay đổi thể chế, giúp đất nước ta lột xác “rũ bùn đứng dậy”. Chúng ta thay đổi hoàn toàn khiến thế giới kinh ngạc. Có như vậy, hôm nay chúng ta mới đứng trước kỷ nguyên mới. Nếu giải quyết được điểm nghẽn của thể chế, phá bỏ được sự kìm hãm, trói buộc thì đất nước sẽ tự khắc đường hoàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Rõ ràng, kinh tế thị trường đảm bảo hàng hóa dồi dào nhất, nhanh chóng cân đối nhu cầu nhất, vận hành hiệu quả, tiết kiệm, giá thành và giá cả hạ thấp nhất. Nếu giá cao thì nó không phải thị trường. Chẳng hạn, giá vàng cao không phải là thị trường.
Một ví dụ khác, trong đại dịch Covid, chúng ta khan hiếm khẩu trang là đương nhiên rồi. Nhưng khẩu trang khan hiếm vì chính sách không đúng, không chuẩn. Khẩu trang không phải là mặt hàng bắt buộc mà Nhà nước quản lý, định giá, phân phối. Muốn nó không khan hiếm nữa thì phải tăng cường sản xuất, trao đổi, thậm chí vượt qua mọi luật lệ để có khẩu trang.
Thị trường hôm nay luôn phản ánh khách quan, nhanh nhạy, chính xác mọi chính sách, thể chế của chúng ta. Như ông Nguyễn Văn Phúc nói: “Được cũng là thể chế, thua cũng là thể chế”. Nếu ta can thiệp không đúng, không hợp lý sẽ tạo tác dụng ngược. Bà Chi Lan nhận định, chúng ta đã làm ngược, làm sai, làm không chuẩn nhiều thứ, và đó chính là phi thị trường.
Bởi vì, thị trường có nguyên lý, có quy luật để tự cân bằng tốt nhất. Thế mà chúng ta lại cứ can thiệp quá, làm méo mó thì đương nhiên thị trường phản ứng lại.
Đổi mới thể chế bây giờ là chấm dứt hay giảm thiểu việc can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường. Thay vào đó là can thiệp bằng cơ chế, bằng chính sách, công cụ kinh tế.
Thưa bà Chi Lan, bà nói rằng, cần can thiệp thị trường không phải bằng công cụ hành chính mà phải bằng pháp luật. Nhưng đáng tiếc là chúng ta đã dùng pháp luật để tạo ra công cụ hành chính để can thiệp thị trường.
Nhà nước can thiệp để khắc phục lỗi của thị trường. Ở những nền kinh tế thị trường tiến bộ và lâu đời nhất thì Nhà nước vẫn phải can thiệp nhưng họ giảm thiểu can thiệp xấu, còn khi can thiệp tốt thì họ làm càng nhiều.
Con gái tôi đi mua một chỉ vàng nhưng không thể mua được. Can thiệp thị trường đồng nghĩa uốn nắn thị trường, chứ không phải chống lại quy luật thị trường. Cho nên, quy luật thị trường không sai thì hãy tôn trọng, đừng chống lại, hãy chấp nhận và nương theo quy luật thị trường thì chắc chắn có thị trường.
Tôi cho rằng, không có thiên tài vĩ đại nào, không có lực lượng hùng hậu nào, không có nhà nước siêu cường nào có thể làm thay vai trò của thị trường. Nhà nước là nhân tố đặc biệt vô cùng quan trọng. Bài học trong Đổi mới mấy chục năm qua là Nhà nước chỉ cần làm một động thái cho Khoán 10, dân tự do cày cấy, tự do trao đổi lưu thông, là nước ta thừa gạo.
Bà Phạm Chi Lan: Đúng là bản thân thị trường không tự nó theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhà nước đưa ra khuôn khổ luật pháp để điều chỉnh và khắc phục những khiếm khuyết của thị trường.
Điều tôi muốn nói rõ hơn, khi thế giới văn minh ngày càng phát triển, thì bản thân thị trường nó biết đặt ra những luật chơi riêng của nó, bên cạnh luật chơi chung mà Nhà nước đặt ra.
Chẳng hạn, những tiêu chuẩn CSR (corporate social responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) được áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu đó sẽ không xuất khẩu sang được những nước tiên tiến.
Khi Việt Nam bắt đầu có Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam trong những ngành hàng xuất khẩu sang Mỹ như dệt may, giày dép, thủy sản… đều phải cố gắng áp dụng tiêu chuẩn CSR để chứng minh với khách hàng và từ đó xuất khẩu vượt lên.
Sau này, thấy điều đó chưa đủ thì các doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp lại cùng nhau đưa ra tiêu chuẩn mới ESG (Environment là môi trường, Social là trách nhiệm xã hội, và Governance là quản trị). Nghĩa là, hệ thống quản trị phải minh bạch, liêm chính, không tham nhũng, không hối lộ. Một loạt các tiêu chuẩn về văn hóa, về đạo đức của doanh nghiệp cũng được lồng vào tiêu chuẩn quản trị của doanh nghiệp.
Từ đó, buộc các doanh nghiệp phải nâng dần chất lượng hoạt động của mình lên theo những chuẩn mực và yêu cầu của thị trường, trong đó bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, hệ thống quản trị tốt, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính liêm chính được đề cao.
Bác Hồ từ xưa đã có phương châm “ba xây, ba chống”, trong đó ba chống là chống quan liêu, lãng phí, tham ô.
Chống quan liêu vì Nhà nước rất dễ xảy ra tình trạng quan liêu, bản thân Nhà nước là một hệ thống mang tính chất quan liêu rồi, không biết yêu cầu của xã hội đến đâu, không biết thị trường đến đâu cho nên sử dụng, phân bổ nguồn lực có thể sai.
Chống lãng phí là vấn nạn thứ hai vì lãng phí các nguồn lực của đất nước, mặc dù lúc bấy giờ ta vẫn còn hay nói rằng, Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc”.
Chống tham ô vì hệ thống quan liêu không giám sát được, gây ra lãng phí và dẫn đến tình trạng tham ô. Những điều đó đến bây giờ vẫn hoàn toàn đúng.
Phân biệt lãng phí khu vực công và tư
Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi đề nghị phân biệt chống lãng phí trong khu vực công và chống lãng phí trong khu vực tư vì nó khác nhau về mức độ và cách thức.
Chúng ta có Luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bắt buộc với khu vực công, nhưng đối với khu vực tư ta chỉ khuyến nghị thôi và họ lại thành công hơn khu vực công.
Chống lãng phí ở khu vực tư gắn với chi phí sản xuất, chi phí tính vào giá cả. Vì vậy, khu vực công nên học mô hình quản trị tư trong vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tìm ra cái giải pháp, cách thức.
Khu vực công lãng phí do nhận thức, do quan liêu, như chị Chi Lan nói, kể cả do pháp luật và thực thi pháp luật.
Còn ở khu vực tư, có thể điều kiện hạn chế tài chính và công nghệ chưa cho phép họ tiết kiệm nhiều, chứ trong nhận thức, họ tính toán làm thế nào để giảm chi phí lớn nhất.
Trong gia đình, bố mẹ nhắc nhở con cái, con cái nhắc nhở bố mẹ đi ra khỏi nhà là tắt đèn, tắt quạt… Đây là những điều cần áp dụng trong quản trị công. Khu vực nhà nước hay khu vực công trước hết phải thay đổi từ thể chế, pháp luật, quy hoạch, dự án. Chi thường xuyên bây giờ đến 70% tổng chi ngân sách là quá lớn.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên những yêu cầu, bức xúc của xã hội, của nhân dân. Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, là của người dân nên họ bức xúc và xót xa lắm.
Mới đây, trong cuộc họp ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà tôi là Uỷ viên Ủy ban Trung ương, tôi cũng phát biểu về vấn đề chống lãng phí: “Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của Mặt trận khóa này là phải giám sát, phản biện xã hội về xây dựng thể chế và thực thi thể chế chống lãng phí. Mặt trận phải phản biện từng dự án, từng công trình cụ thể. Thực hành chống lãng phí phải đi từ những hành vi rất cụ thể của từng con người, trong mỗi cơ quan”.
Hết phần 2
Mời xem lại Phần 1: "Phải đổi mới tư duy về thể chế để bước vào Kỷ nguyên mới"
Sản xuất nội dung: Tuần Việt Nam
Ghi hình: Xuân Quý
Dựng hình: Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng