Mời quý khán giả xem Bàn tròn trực tuyến tại đây:
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá:
Xin chào quý độc giả của VietNamNet, xin chào các vị khách mời.
Kính thưa quý vị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là đại hội XIV của Đảng, từ đây người dân Việt Nam hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".
Trong tinh thần của Tổng Bí thư, Tuần Việt Nam tổ chức bàn tròn với chủ đề: Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vị khách mời bà Phạm Chi Lan - Nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Bà là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng và thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp. Bà Phạm Chi Lan đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu chính sách, đặc biệt là các vấn đề về chính sách kinh tế.
Xin trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ông Phúc đã có thời gian gần 40 năm công tác ở Quốc hội trên cả hai lĩnh vực là Pháp luật và Kinh tế. Ông đã tham gia tham mưu, phục vụ xây dựng 3 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Xin trân trọng giới thiệu ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, là thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thành viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế. Ông Đức đã có nhiều hoạt động liên quan đến tham mưu, xây dựng chính sách kinh tế.
Cả ba vị khách mời của chúng ta đã có nhiều đóng góp cống hiến trong quá trình xây dựng pháp luật, đổi mới thể chế nước ta trong thời gian vừa qua.
Để bắt đầu cho buổi tọa đàm, câu hỏi đầu tiên xin gửi đến các vị khách mời là: Tổng Bí thư Tô Lâm có nói: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước, đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết”, vậy xin hỏi các vị: Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?
Đầu tiên xin mời bà Phạm Chi Lan.
Bà Phạm Chi Lan: Những ngày này thực sự làm tôi nhớ lại những ngày chúng ta bắt đầu Đổi mới. Lúc bấy giờ đất nước đứng trước những thách thức vô cùng nghiêm trọng, cấp thiết phải giải quyết. Các nhà lãnh đạo đã đưa ra những câu như “Đổi mới hay là chết?”.
Tinh thần Đổi mới ở Việt Nam bùng lên mạnh mẽ trong xã hội và đặc biệt là trong giới lãnh đạo. Chúng ta quyết định chọn đổi mới về tư duy, đổi mới thể chế là khâu quan trọng nhất và là khởi đầu cho toàn bộ quá trình đổi mới của Việt Nam những năm sau này.
Tôi nghĩ, các vấn đề của thời đại ngày nay đương nhiên là khác với những vấn đề của gần 40 năm trước khi chúng ta đổi mới vào cuối năm 1986. Tuy nhiên, những thách thức và cơ hội của ngày nay cũng lại vô cùng lớn lao và có rất nhiều cái mới.
Vì thế, chúng ta cũng phải đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức để nhìn nhận lại những vấn đề của thời đương đại, đặc biệt là những tác động của thế giới mà chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào cũng như cuộc phát triển công nghệ nó đang tác động đến cuộc sống của từng người với tốc độ vô cùng mạnh mẽ mà cả thế giới đều đang phải quan sát, vừa phấn khởi vừa lo lắng.
Đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức và đi đến hành động bằng đổi mới thể chế, tôi nghĩ cũng là vấn đề mà chúng ta phải bắt đầu lúc này.
Xin cảm ơn bà Phạm Chi Lan, thưa ông Nguyễn Văn Phúc, câu chuyện chúng ta phải tìm giải pháp để đột phá, giải quyết những vấn đề cấp bách, như bà Phạm Chi Lan đã nói rằng: Vấn đề thể chế là một trong những lựa chọn hàng đầu, ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Đúng là bây giờ Đảng và Nhà nước, mới đây nhất là Tổng Bí thư Tô Lâm có nhấn mạnh đến vấn đề cải cách thể chế, coi thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; những thành tựu đạt được, những hạn chế, vướng mắc, khó khăn và thất bại cũng là do thể chế.
Vấn đề thể chế được nhắc lại với tần suất rất lớn, từ lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhà nước cho đến các ngành, các cấp rồi doanh nghiệp, rồi người dân.
Chắc chắn tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp, người dân sẽ thảo luận để giải quyết vấn đề này, nhưng thưa chị Chi Lan, khi tôi đặt câu hỏi với những chuyên gia hàng đầu, chuyên gia về kinh tế, chuyên gia về pháp luật: anh hiểu thể chế là gì? Xin thưa là tôi nhận được các câu trả lời khác nhau!
Trên thế giới người ta vẫn có khái niệm khác nhau về thể chế, nhưng xác định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, là đột phá cần phải làm đầu tiên, phải có những giải pháp cụ thể thì trước tiên chúng ta phải thống nhất với nhau nội hàm của thể chế là gì.
Chúng ta phải thống nhất với nhau một cách cơ bản, chứ hiểu khác nhau rồi nói cải cách thể chế, đột phá thể chế mà mỗi người đột phá một hướng khác nhau, một điểm khác nhau thì rất nguy hiểm.
Tôi thấy rất đáng vui mừng là câu chuyện thể chế bây giờ được "hâm nóng" lại, được nhấn mạnh bởi lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và của các cấp các ngành. Chắc chắn từ đây, chúng ta sẽ có những giải pháp quyết liệt để tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, mới bảo đảm thành công các cuộc cải cách khác, bảo đảm thành công phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa luật sư Trương Thanh Đức, là người tiếp xúc với thực tiễn rất nhiều, hai ý kiến của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Văn Phúc dưới góc nhìn của ông như thế nào?
Ông Trương Thanh Đức: Vâng, có thể nói là chúng ta ngồi đây chứng kiến những thời khắc lịch sử rất quan trọng, đúng như bà Phạm Chi Lan nói: Ngày hôm nay, sau mấy chục năm Đổi mới rồi mà tôi cũng cảm nhận rằng chúng ta lại bắt đầu Đổi mới, Đổi mới trên nền tảng của Đổi mới, sẽ cao hơn nhưng sẽ khó hơn.
Đầu tiên, phải khẳng định, sau khoảng thời gian chúng ta đổi mới, bứt phá, ngày nay chúng ta đang chậm chân, đang tụt hậu. Rất may là chúng ta có rất nhiều cơ hội và lợi thế, trong đó có ba cái lợi thế rất đời thường, rất đơn giản, không cao siêu gì cả.
Đó là Kinh doanh, Tiêu dùng và Hội nhập mà tôi cho rằng thế giới nếu có cùng lắm có một hay hai chứ không thể có ba lợi thế cùng lúc như chúng ta.
Đầu tiên là doanh nhân và người dân của chúng ta chấp nhận rủi ro rất cao. Họ sẵn sàng đầu tư, sẵn sàng kinh doanh rất mạnh mẽ. Đây là yếu tố đầu tiên rất quan trọng.
Thứ hai, doanh nghiệp và cá nhân của chúng ta chấp nhận hội nhập rất mạnh mẽ với hàng loạt các hiệp định, hiệp ước chúng ta tham gia và trên thực tế nó đã được biến thành những hành động và những kết quả.
Chúng ta sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng tiêu thụ toàn cầu. Chúng ta đã tận dụng được lợi thế của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của những thành quả Đổi mới. Ở nhiều nước khác, người ta phát triển, tăng tốc, đổi mới trong những giai đoạn không có những lợi thế như vậy.
Thứ ba, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu rất mạnh tay. Có thể nói, chúng ta rất ăn chơi, chúng ta rất tiêu dùng mạnh mẽ. Điều tích tực ở đây là người Việt Nam sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ. Thị trường 100 triệu dân là thị trường tiêu thụ rất hấp dẫn và có rất nhiều cơ hội.
Đấy là lý do để chúng ta thúc đẩy rất mạnh sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, đầu tư sản xuất hay đầu tư tiêu thụ thì cũng đều phụ thuộc vào thể chế.
Thể chế là yếu tố tất yếu, mang tính quyết định xem chúng ta tiến hay chúng ta lùi, chúng ta vươn mình đến đâu. Chẳng hạn, nhìn lại 30 năm trước, nếu chúng ta không chấp nhận đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu thì ngày hôm nay chúng ta còn nghèo nàn, còn tiếp tục lạc hậu đến đâu và có lẽ không có lối thoát.
Nhưng nếu hôm nay chúng ta vẫn cứ đổi mới theo kiểu túc tắc như trước thì tôi cho rằng, chắc chắn vẫn có tăng trưởng vì vẫn có những lợi thế đấy. Chưa nói đến thể chế, chúng ta có nhiều lợi thế lắm. Chúng ta vẫn phát triển nhưng phát triển làng nhàng. Nếu không phát triển tốt hơn thì có lỗi với dân tộc, với lịch sử trong cơ hội phát triển như ngày nay.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta có cơ hội phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta không đón nhận, không chớp lấy thời cơ, không mạnh mẽ thay đổi thì sẽ bỏ mất cái cơ hội vàng mà có lẽ ngàn năm có một, để phát triển, để ngẩng cao đầu với thế giới, với các cường quốc năm châu và bước vào phát triển trong Kỷ nguyên mới của dân tộc.
Tinh thần tự do kinh doanh
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa bà Phạm Chi Lan, bà luôn thấy sự khao khát của các thế hệ doanh nhân trong việc tham gia vào thị trường, vào phát triển đất nước như ông Trương Thanh Đức vừa nói. Các doanh nghiệp tư nhân vô cùng khát khao trong chuyện đưa đất nước vươn mình. Bà nhìn thấy Việt Nam có những tiềm năng gì để đạt được những vị thế mới cho Việt Nam trong kỷ nguyên mà Tổng Bí thư đã nói?
Bà Phạm Chi Lan: Trong suốt cuộc đời làm việc cũng như hơn 20 năm sau khi nghỉ hưu chính thức, tôi vẫn tiếp tục tham gia, quan sát các hoạt động của các doanh nghiệp, của người Việt Nam nói chung trong các hoạt động kinh tế.
Điều tôi mừng vô cùng là thấy người Việt Nam có tinh thần kinh doanh cao, ý chí kinh doanh cao. Đấy là 1 nhân tố vô cùng quý, đặc tính quý của người Việt Nam, nó thể hiện cực kỳ rõ trong thời đại ngày nay.
Chúng ta thấy rõ, trong thời bao cấp trước đây, trước Đổi mới thì nền kinh tế bị đè nén như thế nào, tinh thần kinh doanh không vượt lên được và đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sau Đổi mới, thay đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà nước chỉ huy sang nền kinh tế thị trường, Nhà nước trao quyền kinh doanh cho người dân, khuyến khích sự phát triển và chủ trương giải phóng mọi nguồn lực của dân thì ngay lập tức, Đổi mới của chúng ta đạt được thành quả rất sớm.
Tôi nhớ mãi lúc năm 1986, Việt Nam vẫn là một nước mỗi một năm phải nhập khẩu từ nửa triệu đến 1 triệu tấn lương thực, nhưng chỉ đến năm 1988, chỉ hơn 1 năm sau Đổi mới thì chúng ta xuất khẩu 1 triệu tấn gạo đầu tiên ra nước ngoài.
Tức là từ tình trạng rất thiếu ăn, đói ăn đến tình trạng dư thừa gạo và xuất khẩu được 1 triệu tấn chỉ hơn 1 năm. Ngay lập tức chúng ta trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Một sự thay đổi gần như trong một đêm và làm cho rất nhiều chuyên gia của các nước hỏi tại sao lại có thể như thế.
Thế đấy! Chỉ có thể là giải phóng sức dân, mà ở đây là giải phóng sức của nông dân, của những người liên quan đến nông nghiệp để họ chung tay cùng nhau vực dậy nền nông nghiệp Việt Nam là ngay lập tức thay đổi.
Thứ hai, thay đổi về cơ chế phân bổ nguồn lực, cơ chế về tiêu dùng ở trong nước. Thay vì hệ thống mậu dịch quốc doanh, Nhà nước đã để cho thị trường làm công việc phân phối của mình. Và như vậy, thì cái dư thừa gạo do phải tích trữ của thời bao cấp nó không còn nữa, nguồn gạo cung cấp dồi dào, lập tức có dư thừa trong xã hội và người dân có quyền được ăn gạo mới chứ không phải ăn gạo hẩm như trước đây.
Chính tinh thần kinh doanh cực tốt của người Việt, kể cả của những người nông dân bình thường, mới có thể tạo nên những thành quả như vậy.
Tương tự như vậy, mục tiêu ban đầu của Đổi mới là phát triển hàng tiêu dùng thì cũng ngay lập tức, bao nhiêu thứ còn thiếu thốn ở Việt Nam như quần áo, giày dép để đi là có những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rồi trao đổi hàng hóa với nhau giữa Bắc và Nam.
Nhu cầu đó được lấp khá nhanh bằng chính những người Việt Nam chứ lúc bấy giờ chúng ta chưa nhập khẩu được nhiều và nền xuất khẩu bắt đầu hình thành từ những hoạt động gia công hàng may mặc đầu tiên của Việt Nam, cũng như gia công giày dép đồ thêu của Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới bên ngoài.
Tính năng động, tinh thần kinh doanh rất cao của người Việt Nam thể hiện như vậy đấy. Một khi người dân được giải phóng, có việc để làm, thì người dân có thể làm được dù thiếu thốn về nguyên liệu đầu vào.
Người dân luôn tìm cách xoay xở và làm được. Đấy là tinh thần kinh doanh của người Việt và trong suốt gần 40 năm Đổi mới, tinh thần đó tiếp tục và nâng cấp lên để trở thành sức mạnh hiện nay.
Ngày nay, tôi quan sát thì thấy đấy vẫn là một trong những tiềm năng quý giá nhất của Việt Nam. Bất cứ quốc gia nào cũng coi con người là tiềm năng, là nguồn lực quan trọng số 1 của quốc gia đó.
Đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế, chúng ta chuyển đổi như vậy rõ ràng là do con người Việt Nam với tinh thần kinh doanh cao, với ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, phấn đấu để vươn lên với tinh thần ham học hỏi, ham cống hiến và tinh thần sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng ứng dụng những sáng tạo, những cái hay, những cái mới vào cuộc sống cho mình.
Người dân có tố chất như vậy đã chứng tỏ là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai.
Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa ông Nguyễn Văn Phúc, tụt hậu được xác định là một nguy cơ lớn, xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội đến nay. Theo ông, nguy cơ này có được ưu tiên giải quyết, xử lý tương xứng với đòi hỏi của thực tiễn đất nước trong thời gian dài vừa qua? Đâu là những cơ hội, tiềm năng của đất nước để thực hiện khát vọng vào Kỷ nguyên vươn mình?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Đúng là trong các nghị quyết của Đại hội Đảng, trong các văn kiện của Trung ương đều nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu. Đảng và Nhà nước ta, bên cạnh việc tập trung vào những đột phá về hạ tầng, thể chế, nhân lực và các nhiệm vụ khác, đã lồng ghép các giải pháp để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ tụt hậu.
Chúng ta chưa có một chương trình riêng về phòng chống tụt hậu. Chúng ta không có ban chỉ đạo riêng về phòng chống tụt hậu như ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Hiện nay, tụt hậu là hiện hữu, tức là nó đã, đang xảy ra. Xét về nguy cơ, nó hiện hữu ở mọi cấp, ngành, lĩnh vực và cũng liên quan đến mục tiêu, chiến lược phát triển. Chúng ta xem tụt hậu là nguy cơ lớn.
Tuy nhiên, phải phân tích, đánh giá được tụt hậu so với chính mình và so với thế giới. Đảng và Nhà nước phát động công cuộc Đổi mới đã khiến thế giới kinh ngạc, khâm phục. Ví dụ, từ chỗ thiếu ăn, thiếu gạo mà Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Quan trọng hơn, Việt Nam đã ở vị thế lớn là tham gia bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Chúng ta cũng đã cải cách ở nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu gạo.
Khi tôi xúc với các doanh nghiệp công nghệ, với những xu hướng phát triển mới, tôi thấy các bạn trẻ chắc chắn không chịu tụt hậu. Xe điện Vinfast đã xâm nhập vào thị trường thế giới. Những sản phẩm công nghệ của các tập đoàn công nghệ thông tin của chúng ta đã xuất khẩu ra thế giới. Phân tích vậy để thấy điều gì chúng ta tụt hậu và không tụt hậu.
Đương nhiên chúng ta cũng còn tụt hậu ở nhiều lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ xếp hạng sau thế giới nhiều. Ví dụ, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội về đường sắt cao tốc với tốc độ 350km/h với số vốn lớn. Đường sắt của chúng ta đã lạc hậu nhiều, hạ tầng cũng như đoàn tàu của ta từ thế kỷ XIX. Từ ngày Pháp làm đường sắt 1m cho đến bây giờ vẫn chạy bằng diezen trong khi thế giới đã điện hoá lâu rồi. Đây là ví dụ điển hình cho tụt hậu.
Nhìn chung, đất nước qua 40 năm Đổi mới đã đạt được những thành tựu phát triển, có quy mô kinh tế thứ 40, đầu tư xuất khẩu thứ 20 trên thế giới nhưng nếu ta so sánh với tốc độ, chất lượng phát triển thì đúng là Việt Nam tụt hậu.
Chúng ta đã chạy với tốc độ cao hơn so với trước nhiều, nhưng thế giới đã xuất phát trước chúng ta rất nhiều nên chúng ta đã phát triển nhưng vẫn tụt hậu vì mình chạy theo sau họ.
Tôi vẫn thích câu nói của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nếu ta dùng mệnh đề này để phân tích thì thấy rất vui mừng vì sau 40 năm Đổi mới GDP (so với năm 1986) đã gấp gần 100 lần.
Chúng ta có những cơ hội, tiềm năng để không tụt hậu hoặc giảm thiểu nguy cơ tụt hậu để phát triển, nhưng cũng phải nói rằng chúng ta cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc
Chúng ta đã kí được các Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi đó đã có làn sóng đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ vào Việt Nam, rồi gần đây chúng ta kí loạt hiệp định mới như CPTPP, EVFTA nhưng chúng ta đã tận dụng hết được cơ hội hay chưa? Tôi đánh giá là chưa và đáng tiếc là đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Bản thân tôi đã tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì tôi thấy, xét về đầu tư nước ngoài, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội vô cùng to lớn để phát triển doanh nghiệp nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Chúng ta đã tụt hậu
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Thưa ông Trương Thanh Đức, nếu so với chúng ta hôm nay với chúng ta trong quá khứ thì quá tốt rồi. Vấn đề là chúng ta phải so với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới chứ không chỉ so với chính chúng ta. Ở góc độ so sánh quốc tế này, ông thấy Việt Nam đang ở đâu, và cần phải làm gì để đi nhanh hơn nữa?
Ông Trương Thanh Đức: Như ông Nguyễn Văn Phúc vừa nói, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, chúng ta lại lấy phụ gia, gia vị làm món chính trong khi quan trọng nhất là không biết mình là ai, mình ở đâu thì chắc chắn không thành công.
Chúng ta bắt đầu đổi mới gần 40 năm nhưng thực ra tăng tốc chỉ khoảng 30 năm thôi. Chúng ta đã tiến rất nhanh, mạnh, tốt và đúng như một giấc mơ. Thậm chí hơn cả một giấc mơ vì ở độ tuổi của ông Phúc, hay bà Chi Lan hay như của chúng ta ở đây đã trải qua hai thời kỳ rõ rệt, còn lớp trẻ khoảng 40 tuổi trở về sau họ không có được những trải nghiệm này.
Chúng ta chấp nhận nhìn ra thị trường, chấp nhận hội nhập sâu rộng toàn cầu mà lại chỉ so sánh với mình thì không có mấy ý nghĩa, thậm chí vô nghĩa, là ru ngủ, trì trệ, là tụt hậu. Vì vậy, tụt hậu không còn là nguy cơ vì chúng ta đang tụt hậu rồi.
Nói như ông Phúc, đã có nhiều lĩnh vực chúng ta tiến bộ, chúng ta ngang ngửa thậm chí đã hơn thế giới, nhưng về mặt bằng chung thì chúng ta không “qua bán” được.
Chúng ta đã đi đúng đường, đã có cơ hội rồi, đã có mọi thứ thuận lợi rồi nhưng nếu chúng ta vẫn cứ đi như hiện nay, tăng trưởng như hiện nay thì không khác nào những đoàn người vẫn cứ rong ruổi, bộ hành, đôi lúc tăng tốc một chút nhưng vì tốc độ kém nên vẫn tiến chậm, lẽo đẽo về sau, đi sau thiên hạ.
Cho nên, thách thức của chúng ta là buộc phải chạy. Có một số lĩnh vực, một số khía cạnh phải đi trước nên buộc phải có cách thức và giải pháp khác biệt mới chạy kịp chứ chưa nói đến việc chạy ngang người ta trong lúc họ đã quá chuẩn, đi quá sớm và có mặt bằng quá cao và thay đổi rất nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi đi sang Pháp, Anh, hình như họ đã phát triển nên không thấy họ “phát triển” gì thêm nữa. Nhà cửa của họ cách đây 30 năm tôi đi bây giờ vẫn thế, đường vỉa hè của họ cũng không đào lên, lát vỉa hè mới gì. Phải chăng họ đã phát triển không?!
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nói đấy là cái bẫy của người giàu mà các nước như Hàn Quốc đang rất lo. Vì vậy, Hàn Quốc đẩy rất mạnh việc phải sáng tạo, đi vào công nghệ mới, phải vượt lên nữa chứ họ sợ cái bẫy của người giàu, rằng khi đạt được số bước nhất định thì tự mình thỏa mãn và nghĩ như vậy là tốt rồi, không cần làm gì hơn nữa. Đó cũng là điều làm mình bắt đầu rơi xuống sau thiên hạ.
Điểm nghẽn thể chế cần khơi thông
Ông Trương Thanh Đức: Tôi cũng hoàn toàn nhất trí. Chúng ta có rất nhiều lợi thế và nghèo là một lợi thế. Nên nhân cơ hội này chúng ta hoàn toàn có hy vọng hơn họ. Chúng ta phải bứt phá, thay đổi và phải cạnh tranh thôi. Người ta xây nhà mà trăm năm rồi vẫn tốt thì làm sao đưa công nghệ mới, làm sao phát triển, làm sao tăng trưởng?
Muốn bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta phải biết mình là ai, chúng ta đừng ngủ mê trên thành tích, đừng gặm nhấm mãi thành quả, đừng có huyễn hoặc trước tiền nhân. Có ghi nhận, đánh giá nhưng vừa phải và chừng mực thôi. Thành tích nói ít, tồn tại nói nhiều, như thế mới có thể thay đổi được.
Chúng ta đã từng rất khốn khổ, nghèo đói vì thời quan liêu bao cấp lạc hậu, kìm hãm phát triển, kìm hãm doanh nghiệp và người dân, nhiều điều cấm đoán, trói buộc.
Nhưng chúng ta đã rất phát triển vì đổi mới thể chế và cởi mở. Sự đổi mới và cởi mở ấy như bà Phạm Chi Lan nói là đã biến nước ta từ một nước thiếu gạo trở thành quốc gia xuất khẩu thứ nhất, nhì thế giới và cả thế giới phải khâm phục.
Những năm gần đây, nền kinh tế chúng ta đang đối mặt với nguy cơ bị thắt chặt, bị trói buộc. Thật đáng buồn, nếu không có không khí của Tổng Bí thư Tô Lâm đang khơi gợi thì có lẽ, chúng ta lại có nguy cơ lớn hơn trước đây nữa vì xung quanh đã thay đổi, tiến bộ mà mình cứ đứng lại.
Tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân hàng ngày qua những câu chuyện bình thường mới thấy rằng, để có những thành tích, doanh nghiệp đã phải trả giá bằng muôn vàn bức xúc, bằng những điều rất buồn đằng sau.
Vì vậy, yếu tố quyết định để phát triển nhanh hay chậm, vươn lên hay đứng lại là thể chế. Để theo kịp quốc gia khác, không chỉ cần thể chế phù hợp, thuận lợi mà cần thể chế đột phá, táo bạo, khác biệt mà vẫn phù hợp với Việt Nam.
Chúng ta đã cải cách mấy chục năm qua và đã thành công vì thế cần thay đổi tư duy và không chỉ rào cản về tư duy mà còn rào cản pháp luật, nói rộng hơn là rào cản thể chế.
Tổng Bí thư Tô Lâm nói hoàn toàn chính xác là thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Điểm nghẽn này Đảng và Nhà nước phải khơi thông, Quốc hội và Chính phủ phải khơi thông chứ người dân không làm được. Trình độ, cạnh tranh, nhân sự thế nào là việc của doanh nghiệp, của người dân còn Nhà nước có vai trò quan trọng, đó là tạo điều kiện thông qua thể chế.
Hết phần 1
Sản xuất nội dung: Tuần Việt Nam
Ghi hình: Xuân Quý
Dựng hình: Huy Phúc
Ảnh: Lê Anh Dũng