Trong tương lai, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng phải dựa trên đánh giá kết quả học tập ở nhiều môn học khác nhau trong nhà trường phổ thông kèm với nhiều tiêu chí khác (viết luận, phỏng vấn, v.v.) chứ không còn nằm trong khuôn khổ 3 môn học của mỗi khối thi.

LTS: Xung quanh Phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết gồm 2 kỳ của tác giả Nguyễn Tấn Đại, Nghiên cứu sinh ngành KHGD, Đại học Strasbourg, Pháp. Phân tích của tác giả nhằm chỉ ra những vấn đề tồn tại trong các phương án thi được đưa ra, đồng thời đề xuất một giải pháp.

Về việc xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình năm học lớp 12

Thực tế là tất cả (100%) học sinh dự thi tốt nghiệp THPT đều phải có điểm trung bình năm học 12 từ 5,0 trở lên và không có môn nào dưới 3,5. Nếu tỉ lệ đậu tốt nghiệp (điểm trung bình các môn thi từ 5,0 trở lên) trong toàn quốc là 90%, thì độ lệch giữa điểm chấm thường kì của giáo viên đứng lớp với "chuẩn" quốc gia (thông qua đề thi chung) là 10 %. Có nghĩa là kì thi tốt nghiệp có tác dụng sàng lọc lại 10 % số trường hợp chấm điểm "chưa chuẩn" của giáo viên.

Nhớ năm 2007 (dưới thời cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân), công luận hoan hỉ khi tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc rơi từ trên 90 % xuống gần 60 % vì cho rằng kết quả ấy mới đúng thực chất (tức có đến gần 40 % giáo viên cho điểm "chưa chuẩn"). Từ đó về sau, tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc cứ "bò" dần ngược lên đến hơn 90 %, ngược chiều với niềm tin của dư luận xã hội về chất lượng thực sự của kì thi này. Như vậy, việc chấm điểm thường kì "chưa chuẩn" của giáo viên mới chính là điều cần bận tâm, mới là lí do để phải duy trì kì thi tốt nghiệp quốc gia.

Nay, quy chế tổ chức nhà trường và quá trình dạy - học không hề có sự thay đổi về bản chất để kiểm soát hoạt động kiểm tra, đánh giá, cho điểm học sinh của giáo viên trong suốt năm học, cũng như hoàn toàn không có khả năng làm được việc đó trong vòng vài năm tới. Tức là việc cho điểm "chưa chuẩn" ở trường phổ thông trong cả nước vẫn tồn tại. Ở một số địa phương tỉ lệ này là thấp và tương đối ổn định, nhưng ở nhiều địa phương khác có biểu hiện của "bệnh thành tích" thì mức độ "lệch chuẩn" này là rất cao.

Nếu cho phép điểm số "chưa chuẩn" ấy quyết định đến phân nửa khả năng tốt nghiệp của học sinh (tức là học sinh khi được dự thi đã đạt được 50% điều kiện tốt nghiệp), thì rõ ràng tác dụng kiểm soát của kì thi tốt nghiệp sẽ càng bị triệt tiêu. Thi tự chọn thì học sinh đương nhiên sẽ chọn những môn nào mình học được nhất để thi, về lí thuyết điểm trung bình các môn thi (chiếm 50 % điều kiện tốt nghiệp) sẽ cao hơn. Như vậy, tỉ lệ đậu tốt nghiệp toàn quốc sẽ lại càng tiệm cận với mức tuyệt đối 100 %, và ý nghĩa của kì thi này lại càng không còn gì.

Chưa kể, điều đó còn gây ra một nguy cơ khác, đó là các trường và giáo viên đứng lớp lại càng có nhiều "cơ hội", hoặc để nâng điểm thường kì cho học sinh của mình được đậu tốt nghiệp, hoặc để gây áp lực thúc ép học sinh đi học thêm vì mục đích... kinh tế.

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Về tính đồng bộ giữa hai kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN

Trong số các trường có đề án tuyển sinh riêng hoàn chỉnh nhất đã được Bộ GD&ĐT công bố, hầu hết đều chọn thi "ba chung" kết hợp với xét/thi tuyển riêng. Trong số các phương án xét/ thi tuyển riêng, có ba hình thức: thi riêng các môn đặc thù theo ngành; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm trung bình chung hoặc điểm một số môn); xét tuyển dựa trên học bạ (điểm trung bình chung hoặc điểm một số môn, của năm học lớp 12 hay của cả 3 năm học cấp III).

Nếu như mục tiêu của Bộ GD&ĐT là chấm dứt kì thi tuyển sinh đại học trong 3 năm nữa, ngoại trừ các môn đặc thù cần phải tổ chức thi riêng, kì thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập những năm cấp III của học sinh đương nhiên trở thành căn cứ để xét tuyển chủ yếu cho tất cả các trường. Bởi đơn giản là không thể hình dung ra tình hình sẽ ra sao nếu hàng mấy trăm trường tổ chức thi tuyển sinh một cách độc lập và riêng rẽ với hàng triệu thí sinh trong cả nước. Như vậy, việc xét tuyển đại học, cao đẳng dựa vào điểm thi tốt nghiệp và học bạ THPT sẽ diễn ra như thế nào nếu Bộ GD&ĐT áp dụng cách thi tốt nghiệp tự chọn và chế độ miễn thi như nêu trong dự thảo?

Trở ngại đầu tiên liên quan đến điểm hàng năm lưu trong học bạ, đó là tình huống khi một trường nhận được nhiều hồ sơ đăng kí có mức điểm ngang nhau, nhưng có nguồn gốc từ các trường khác nhau và các tỉnh/thành khác nhau. Quyết định chấp nhận tất cả các hồ sơ theo mức điểm đề ra, hay cân nhắc xem trường này hay tỉnh kia có mức độ tin cậy cao hay thấp?

Theo một phân tích của Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên, có đến hàng chục tỉnh thành có kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động hết sức bất thường từ năm này qua năm khác. Đến một kì thi quốc gia, với đề thi nhìn chung là tương đối dễ, mà kết quả còn lên xuống thất thường không lí giải được, thì dựa vào cơ sở nào để có niềm tin vào những con điểm ghi trong học bạ của những tỉnh thành đó, vốn do giáo viên ở từng trường tự quyết định? Nguy cơ trong tương lai sẽ còn cao hơn, khi kì thi tốt nghiệp không còn tác dụng kiểm soát tình trạng chấm điểm thường kì trong năm học "chưa chuẩn", như đã trình bày.

Một giải pháp an toàn hơn cho các trường, đó là xét cả học bạ và lẫn điểm thi tốt nghiệp THPT. Giải pháp này có nhiều cơ sở hơn để xác định độ tin cậy của điểm số học sinh đạt được. Tuy vậy, điều đó đòi hỏi kì thi tốt nghiệp THPT phải ngày càng mạnh hơn, phản ánh xác thực hơn trình độ của học sinh.

Nhưng như đã nêu, thi tốt nghiệp THPT tự chọn, cùng với xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình năm học 12 như bản dự thảo nêu ra có nguy cơ làm suy yếu đi kì thi này.

Một vấn đề nữa là khi thi tốt nghiệp tự chọn, và các trường xét tuyển theo điểm của từng môn học liên quan đến ngành đào tạo, thì sẽ áp dụng điểm môn thi tốt nghiệp hay điểm trung bình môn học đó trong năm? Nếu xét theo điểm thi tốt nghiệp của môn tuyển (về nguyên tắc là khách quan hơn) thì lỡ học sinh không chọn thi môn ấy thì sao? Hoặc nếu thí sinh có thi tốt nghiệp môn cần tuyển, nhưng kết quả có sự khác biệt đáng kể so với điểm trong năm của cùng môn ấy, thì sẽ phải xét điểm nào?

Có một khả năng là nếu thí sinh không thi tốt nghiệp môn cần tuyển thì sẽ chuyển qua xét học bạ; cũng như là nhiều trường đã đưa ra phương án chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình môn học trong năm mà không lấy điểm thi tốt nghiệp của các môn ấy. Nhưng như vậy thì phải đặt lại câu hỏi về ý nghĩa của kì thi tốt nghiệp tự chọn: có cần tổ chức một kì thi phức tạp chỉ để lấy được con điểm trung bình các môn thi làm 50% điều kiện tốt nghiệp? Và tại sao lại bỏ qua một cứ liệu khách quan hơn để dùng một cứ liệu khác chủ quan hơn trong xét tuyển?

Cũng liên quan đến việc xét tuyển theo môn học, giả sử các trường đại học xét tuyển theo môn thi tốt nghiệp (vì có cơ sở khách quan cao hơn điểm học bạ). Nhưng nếu thí sinh chọn thi tốt nghiệp môn này, kết quả đạt, nhưng không trúng tuyển vào trường mình đăng kí, mà sau đó muốn thay đổi sang một ngành khác, trường khác xét tuyển trên môn khác (không chọn thi) thì sao?

Cách định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh phổ biến hiện nay vẫn là theo khối thi A, B, C, D... Đây là "di sản lịch sử", có những lí do để tiếp tục chấp nhận trong một thời gian trước mắt, nhưng sẽ phải và đang bắt đầu có sự thay đổi.

Khoa học hiện nay phát triển theo hướng liên ngành và có yêu cầu kiến thức nền tảng rộng từ bậc phổ thông. Các ngành khoa học về sự sống, con người hay kĩ thuật môi trường học đòi hỏi sinh viên không chỉ giỏi hoá học hay sinh học mà cả vật lí, địa lí. Các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế và luật không chỉ đòi hỏi kiến thức tổng quát về xã hội (văn học, lịch sử, địa lí) mà cả khả năng tính toán, mô hình hoá (toán học) hay các kĩ năng tư duy khác...

Trong tương lai, việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng phải dựa trên đánh giá kết quả học tập ở nhiều môn học khác nhau trong nhà trường phổ thông kèm với nhiều tiêu chí khác (viết luận, phỏng vấn, v.v.) chứ không còn nằm trong khuôn khổ 3 môn học của mỗi khối thi. "Thủ thuật" xếp 6 môn thi tự chọn trong 3 buổi để giảm bớt số ngày thi và "ép" học sinh lựa chọn môn thi theo khối chắc chắn không đáp ứng được những mục tiêu dài hạn về đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, tạo mọi cơ hội định hướng và thay đổi định hướng nghề nghiệp cho các em vào bất cứ thời điểm nào trong đời.

Về việc miễn thi tốt nghiệp THPT

Có nhiều lời khẳng định rằng miễn thi tốt nghiệp cho 20 % học sinh khá giỏi là xứng đáng, dựa trên  tỉ lệ học sinh khá giỏi trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề của việc miễn thi không phải là sự xứng đáng, mà là có đảm bảo công bằng hay không.

Trong thực tiễn, tình hình trường lớp và điều kiện kinh tế xã hội của tất cả các tỉnh thành trong cả nước hiện nay là cực kì đa dạng.  Thật khó có một thước đo chính xác nào để thoả mãn được tiêu chí công bằng cho tối đa các trường hợp được miễn thi.

Đánh giá học sinh khá giỏi trong năm học là việc của mỗi trường THPT. Hiện trong cả nước chưa có địa phương nào có hệ thống đánh giá xếp loại học sinh đồng loạt cho tất cả các trường THPT do mình quản lí. Do đó, sẽ không thể có một tỉ lệ chung 20 % học sinh khá giỏi đồng nhất về mọi tiêu chí trong phạm vi một Sở GD&ĐT.

Còn giao quyền cụ thể hoá các tiêu chí miễn thi về cho từng Sở GD&ĐT, thì mọi thứ lại càng rắc rối: điều kiện dạy-học thế nào là đảm bảo chất lượng, kết quả đã đạt được đến mức nào thì được cấp tỉ lệ nhiều hay ít, tỉnh thành này so với tỉnh thành khác có quy định giống nhau hay khác nhau, lại còn phải trình ra chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và tổng tham mưu trưởng quân đội trung ương phê duyệt,...

Áp dụng một con số chính xác cụ thể, dựa trên những tiêu chí rất mơ hồ hay cảm tính, liên quan đến quyền lợi của hàng trăm ngàn học sinh, cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho vô số cách diễn giải tuỳ ý khác nhau cho từng địa phương. Do đó, những công cụ giám sát được nêu ra trong dự định sẽ trở nên vô tác dụng. Bất công xảy ra ở mức độ vô kiểm soát sẽ là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp duy nhất đảm bảo sự công bằng là áp dụng một mức điểm trung bình chung nào đó mà học sinh đạt được để miễn thi, với giả định là mỗi trường THPT đều đảm bảo việc kiểm tra đánh giá học sinh được tất cả các giáo viên, từng người một, thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan trong suốt năm học. Nhưng, đây chỉ là điều kiện lí tưởng mà chưa chắc trong nhiều năm tới nền giáo dục chúng ta đạt được.

Tóm lại, đối với vấn đề miễn thi tốt nghiệp THPT, hiện nay chỉ nên dừng lại ở việc xem xét những trường hợp đặc biệt, riêng lẻ, chủ yếu dựa trên thành tích đạt được trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế. Đây là những kì thi tuyển chọn tinh hoa, tự thân người tham gia đã phải qua một quá trình sàng lọc và rèn luyện từ cấp cơ sở, với kết quả thi và đánh giá vừa ở mức yêu cầu cao, vừa hoàn toàn độc lập với điểm số đánh giá thường kì của giáo viên đứng lớp.

Còn với các kì thi sáng tạo khoa học kĩ thuật thì còn phải xem xét cụ thể từng trường hợp, vì tính chất, quy mô và chất lượng các kì thi này có khi khác nhau rất nhiều. Riêng về ý tưởng sử dụng kết quả kì thi PISA để miễn thi tốt nghiệp THPT thì cần phải hết sức thận trọng; nói chung là không nên vì mục đích và cách tổ chức thi PISA không đồng nhất với mục đích đánh giá toàn diện học sinh phổ thông ở Việt Nam.

Nguyễn Tấn Đại (còn nữa)