Theo chiến lược đã phê duyệt, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho các thiết bị quân sự, bao gồm máy bay, máy bay tàng hình và các phương tiện đổ bộ.

Ngày 17/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới và tăng chi tiêu quốc phòng quốc gia. Hành động lần này cũng được coi như một thái độ phản ứng chính thức từ phía Nhật Bản trước những động thái ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp.

Từ "giấc mơ dân tộc" của Shinzo Abe

Gần đây nhất, việc Trung Quốc thiết lập vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực biển Hoa Đông đã châm ngòi cho hàng loạt căng thẳng quân sự trong khu vực. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: "Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đã trở nên nghiêm trọng hơn, và để duy trì hòa bình, việc thực hiện các chính sách an ninh quốc gia một cách có chiến lược và cấu trúc hơn là cần thiết."

Đó có lẽ là lý do mà Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch an ninh quốc gia mới. Theo kế hoạch này, biết Nhật Bản sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời thiết lập một hệ thống phòng vệ vững chắc cho quốc gia qua việc triển khai một hệ thống cảnh báo, tàu ngầm và một hệ thống phòng thủ chống tên lửa, song song với một cánh quân từ miền Bắc đến hải đảo ở phía Tây Nam.

Hầu hết các thiết bị quân sự mới trong danh sách mua sắm của Nhật Bản bao gồm thiết bị đường biển và trên không, có thể được sử dụng để bảo vệ quần đảo đang bị tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chiến lược đã phê duyệt trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho các thiết bị quân sự, bao gồm máy bay, máy bay tàng hình và các phương tiện đổ bộ.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ mua thêm 3 máy bay không người lái của Mỹ, 5 tàu khu trục hải quân, bao gồm 2 hệ thống tên lửa chống đạn đạo, 6 tàu ngầm, 52 xe lội nước, 28 máy bay chiến đấu F-35 và 17 máy bay Boeing Osprey trong vòng 5 năm tới. Chi tiêu dự kiến cho kế hoạch này sẽ lên đến 240 tỷ đôla trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, tăng 5% so với kế hoạch trước đó.

Một trọng tâm khác của kế hoạch Abe là chuyển quân và trang thiết bị cho các lãnh thổ phía Tây Nam của quốc gia bao gồm quần đảo Senkaku. Máy bay giám sát và máy bay giám sát tầm xa sẽ được sử dụng để tuần tra trên Biển Hoa Đông và các vùng biển xung quanh Nhật Bản. Gần một nửa lực lượng trên mặt đất của Nhật Bản sẽ được tổ chức để việc triển khai quân sự được nhanh chóng.

{keywords}
Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng. Ảnh: AP

Đáng kể hơn, một đơn vị Thủy quân lục chiến đặc biệt sẽ được tổ chức để bảo vệ hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản, và mở rộng hơn về phía nam hòn đảo chính của nước này. Lần đầu tiên, Nhật Bản sẽ mua máy bay V-22 Osprey, xe tấn công đổ bộ và các thiết bị được thiết kế chủ yếu cho chiến tranh đổ bộ.

Ông Abe cũng đã sửa đổi hiến pháp để cho phép quân đội Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn ở nước ngoài, bao gồm cả việc sử dụng quyền tự vệ tập thể, và viện đến sự trợ giúp của một đồng minh một khi bị tấn công.

Trước đó, ông Shinzo Abe cũng đã thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) có thể giám sát các vấn đề quan trọng. Kế hoạch này sẽ đóng vai trò cơ sở cho việc ra quyết định tại NSC. Các kế hoạch phòng thủ trung, dài hạn và sẽ tăng cường giám sát trên quần đảo Sensaku/Điếu Ngư, và tăng cường khả năng của các lực lượng tự vệ.

Có thể thấy, những bước tiến quân sự của Nhật Bản đã thể hiện rất rõ ràng ý định của Thủ tướng Abe về việc xây dựng một sức mạnh quân sự ổn định, độc lập và lớn lao hơn cho đất nước. Có thể xem tất cả những động thái của Nhật Bản là hành động "tức nước vỡ bờ" trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo nhiều người thuộc phe cánh tả ở Tokyo, ông Abe đã lợi dụng vụ việc ADIZ của Trung Quốc để tạo lực đẩy cho chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.

Theo Narushige Michishita, chuyên gia về an ninh quốc gia tại Viện đại học quốc gia về nghiên cứu chính sách ở Tokyo, việc đại tu an ninh quốc phòng của Nhật Bản này là cần thiết khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.

...đến "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình

Một quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cho biết: "Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã bị thu hẹp trong 10 năm qua, nhưng Trung Quốc đã tăng 30 lần trong vòng 20 năm qua. Đó là một yếu tố lớn trong sự thay đổi mà chúng ta đang thấy trong môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản."

Nhìn chung, tốc độ gia tăng quân sự của Nhật Bản vẫn là tương đối nhẹ nhàng so với sự bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây. Sau hai thập kỷ chi tiêu quân sự ồ ạt để hiện đại hóa lực lượng vũ trang lên tới hàng trăm tỷ đô la, Trung Quốc ngày càng củng cố tham vọng thách thức Mỹ trong khu vực của mình.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng đã tăng cường khả năng của máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu chiến. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đẩy mạnh các chương trình chiến tranh mạng, xây dựng lực lượng hải quân có thể di chuyển trên toàn thế giới và phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh.

Không chỉ phát triển về lực lượng, Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh và quyền lực của mình trong khu vực. Lần đầu tiên, các máy bay và tàu sân bay đã được tổ chức diễn tập tại Liêu Ninh. Tàu chiến của Trung Quốc cũng đã tiến hành tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và các tháng sau đó, tàu khu trục của Trung Quốc đã lần đầu tiên đi qua eo biển giữa Nga và Nhật Bản.

Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình đã được thể hiện qua hàng loạt nỗ lực tăng cường sức mạnh quốc phòng. Quyền lực dựa trên sức mạnh đang là thứ vũ khí mà Bắc Kinh đang thách thức Tokyo - vốn phải "phụ thuộc" vào đồng minh là Mỹ. Ưu thế này đã được Trung Quốc cụ thể hóa qua việc triển khai ADIZ để xác lập chủ quyền trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Hơn lúc nào hết, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc và Nhật Bản đang dâng cao với phạm vi và tính chất ngày càng mạnh mẽ: một Trung Quốc - với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đang muốn chứng tỏ với thế giới về sức mạnh quân sự và vị thế bá chủ của mình; và một Nhật Bản - với hơn 7 thập kỷ ngủ quên, giờ đây vươn mình mạnh mẽ để lấy lại thời vàng son trong lịch sử quân sự.

Chủ nghĩa dân tộc của cả hai quốc gia đã được đại diện dưới 2 giấc mơ lớn của hai dân tộc là "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình và "giấc mơ dân tộc" của Shinzo Abe, đang ngày càng trở thành hai cực đối lập và không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề tranh chấp tại khu vực.

Trong bối cảnh Mỹ mất dần vị thế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc Nhật Bản chứng tỏ với Trung Quốc và thế giới về khả năng quân sự của mình là cực kỳ quan trọng. Trước hết là ở khả năng phòng thủ quốc gia, sau đó đến việc bành trướng sức mạnh ra bên ngoài, đồng thời thắt chặt quan hệ với các liên minh.

Dường như Nhật Bản đang đi lại con đường trở thành cường quốc quân sự mà nước này đã cố gắng xác lập trong Chiến tranh thế giới 2 để đối phó với một "giấc mơ Trung Hoa" đầy ngạo nghễ và những thách thức ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.

Huỳnh Tâm Sáng - Hồ Hải Yến

Xem thêm các bài cùng chủ đề:

Vùng phòng không TQ: Xem Nhật chính thức 'ra tay'

Bản dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia mới được xem là phản ứng chính thức từ Nhật Bản để đối phó với những tranh chấp tại biển Hoa Đông,

Nếu Nhật Bản nhận Bắc Kinh làm 'bá chủ' mới?

Nếu chiến tranh Đông Bắc Á nổ ra, một trong những kịch bản được dự đoán là Nhật thất bại, chấp nhận Bắc Kinh là bá chủ mới và quay lưng với Mỹ.

Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ 'bênh' Nhật?

Căn cứ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1960, Mỹ hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp diễn ra các cuộc tấn công.