- Mãi đến bây giờ, khi lão tỷ phú đã bước sang tuổi 80, con cái ăn nên làm ra, người làm ở sân bay, đứa sĩ quan quân đội…tất cả đều có nhà riêng to đẹp ở Đà Nẵng, nhiều lần họ đánh xe về rước ông ra Đà Nẵng an dưỡng tuổi già nhưng ông đều lắc đầu, kiên quyết bám trụ với nghề phu xe và nhặt nhạnh từng viên đá, viên gạch rơi vãi trên đường tiếp tục xây căn nhà mơ ước còn dang dở suốt hơn 30 năm nay…


Đời phu kéo

Hơn 80 tuổi đời, trải qua bao nhiêu công việc, nhưng ông bảo đời phu kéo xe thuê gắn bó với ông nhất, đã hơn 40 năm nay. Nhiều người nói, nếu không tin cứ nhìn chiếc xe kéo, qua bao bể dâu của cuộc đời vẫn được ông giữ bên mình và vẫn lăn bánh phía sau mỗi khi ông không đau ốm.

Ông Hai Hộ trong căn nhà của mình.

Không tin lời kể của những người hàng xóm, tôi vào nhà, săm soi nhìn chiếc xe kéo, vừa là tài sản mà ông cho là vô giá, vừa là người bạn gắn bó với ông, tôi mới hiểu những giai thoại sống của lão tỷ phú này là có thực.

Anh Hai Lễ, người hàng xóm với lão tỷ phú Hai Hộ bảo rằng, chiếc xe kéo đã gắn bó với ông gần nửa cuộc đời. Cứ sáng ra, họ thấy ông kéo xe ra đứng bên ngã ba. Ai thuê kéo gì thì kéo, không có thì ông cùng chiếc xe vẫn bình yên nơi góc ngã ba này chờ đợi.

Nhiều người hàng xóm tôi gặp khi hỏi chuyện về tỷ phú Hai Hộ, tất cả đều bảo, chú muốn hiểu rõ về ổng thì cứ xem chiếc xe bò kéo là hiểu hết à! 

Chiếc xe kéo - vật bất ly thân của ông Hai Hộ trên 40 năm nay.

Tôi đứng ngắm chiếc xe kéo ông để trong nhà, chiếc xe già nua cũ nát mà nếu vứt ra đường chẳng ai thèm lấy. Nhìn thân xe vá chằng vá đụp với chi chít những tấm ván vụn. Còn hai cần xe đã gãy được ông lấy dây thép buộc lại.

Anh Hai Lễ kể, hồi sau giải phóng, để chống mòn cho hai bánh lốp ông lấy vải bọc kỹ hai lốp xe rồi mới đi kéo hàng. Hôm nào trời mưa, đi làm về ông đưa xe vô nhà rửa sạch và lau chùi cẩn thận rồi mới đi nghỉ.

Khi những lớp vải mòn, ông tiếp tục thay bằng những lớp vải khác chứ nhất định không để cho lốp xe trực tiếp chạm vào đất.

Giấc mơ đời người và ngôi nhà kỳ dị

Hỏi chuyện về ngôi nhà ông tự tay xây dựng phía sau, ông chỉ ậm ừ và bảo: Chú muốn xem thì cứ ra sau mà xem. Hỏi ông xây căn nhà ni hết bao nhiêu tiền? Ông không gật, cũng không lắc, chỉ ậm ừ trong miệng một lúc rồi bảo: Cái nhà nớ tui xây bằng công sức của tui biết mần răng mà tính được tiền chú hè, vô giá…!

Tôi lại hỏi ông xây căn nhà này từ lúc nào? Ông lắc đầu bảo không nhớ, lâu lắm rồi. Như chợt nhớ, ông bảo sau giải phóng chừng 5 năm. “Hồi nớ vợ và mấy đứa con thấy căn nhà ni xuống cấp, muốn đập đi xây lại, tui bảo còn ở được, cớ chi mà đập phá phí lắm. Muốn nhà mới để đó tau xây cho…”, ông kể.

Và căn nhà tự tay ông xây vẫn còn dở dang


Tôi đi một vòng quanh căn nhà ông xây dựng dang dở. Nhìn căn nhà kỳ dị ông xây dựng chưa tô trát, tôi có cảm giác như lạc vào một căn nhà ma quái mà trí tưởng tượng của tôi dù có phong phú đến mấy cũng không thể hình dung được.

Chuyện tìm vật liệu xây căn nhà cũng trở thành giai thoại sống với người dân nơi cái thị trấn này. Mỗi sáng sớm ông kéo xe ra khỏi nhà, trên đường gặp viên đá, hay viên gạch nào rơi vãi bên đường là ông nhặt đưa lên xe, hết ngày làm việc ông kéo về.

Bắt đầu từ đó ông tự hoạch định để xây căn nhà mơ ước cho mình. Vợ con thấy ông đi nhặt nhạnh đá, gạch, cát rơi vãi trên đường đem về xây nhà, ra sức ngăn cản nhưng ông không nghe. Một mình ông cứ thế làm.

Hàng ngày ông vừa kéo xe, vừa tranh thủ nhặt đá, gạch. Cát thì ông đến các sông, suối để lấy. Hoặc trên đường thấy nhà ai có đống cát thì ông vào xin vài vốc trong tay đem về dồn đống lại.

Khi thấy gạch đá, cát đã đủ, ông lấy tiền công kéo xe thuê đi mua xi măng lẻ bên cửa hàng vật liệu đem về, một mình ông hì hục trộn hồ rồi tự tay xây dựng ngôi nhà.

Mỗi ngày ông xây một ít, và cũng chỉ với đôi tay trần của mình cứ thế mà bôi, trét. Những đứa con ông thấy ông xây nhà như vậy không thể ngăn cản, nên không tham gia và hy vọng một mình ông làm như vậy vài ngày mệt mỏi sẽ tự bỏ cuộc.

Nhưng 3 đứa con trai ông đã lầm. Suốt 30 năm nay một mình ông cứ cần mẫn làm mà không cần bất kỳ một người thứ 2 nào giúp sức.

Tôi luồn lách ra sau nhà để tận mắt xem công trình mơ ước đời người của ông. Thú thực, khi đặt chân vào trong ngôi nhà, tôi có cảm giác như đi trong lòng một hang động, bởi những hang hốc của các bức tường lồi lõm mà tự tay ông xây dựng không theo thước tấc nào.

Tổ trưởng tổ dân phố Long Xuyên 2 Trần Thế Tuyển nói, anh sống cùng ông Hai Hộ ở khu phố này đã mấy chục năm nay nhưng không thể nào hiểu được những việc làm của ông lão. Nhiều lần tổ dân phố đến vận động ông từ bỏ việc xây nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già nhưng ông bỏ ngoài tai.

Điều đáng nói là bà con ai ở đây cũng yêu quí ông bởi ông không bao giờ làm phiền bất kỳ ai. Chỉ có một điều là chẳng ai hiểu nổi tai sao lại sống cuộc sống bần hàn như vậy khi có khối tài sản tiền tỷ trong tay…?

Vũ Trung