Khánh Thượng là xã miền núi xa nhất của huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Xã có 12 thôn, 52% dân số là đồng bào các dân tộc Mường, Dao. Hơn 80% dân số sống bằng trồng trọt, chăn nuôi và nghề phụ. Những năm trước đây, hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm đều nghèo nàn, lạc hậu.
Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm khá thấp, tuy nhiên nhờ khát vọng vươn lên, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của huyện và thành phố, Khánh Thượng đã cán đích nông thôn mới với 16 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn.
Mặc dù đã về đích các tiêu chỉ chuẩn xã nông thôn mới, tuy nhiên xã Khánh Thượng vẫn nhanh chóng bắt tay nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Các xóm, thôn khác của xã Khánh Thượng không ngừng chuyển mình nhờ sự phát triển mạnh mẽ từ giao thông và hạ tầng nông thôn. Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp... Thông qua đó, địa phương đã vượt qua tiêu chí khó nhất trong chương trình xây dựng NTM. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần từ đó cũng đi lên theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Để phát huy tốt địa hình và khí hậu của vùng bán sơn địa, xã đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh, nâng cao giá trị nông sản. Đến nay, toàn xã có hơn 856ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa có khoảng 381ha, diện tích trồng dong riềng hơn 170ha, còn lại là diện tích trồng các loại rau màu khác.
Thêm vào đó, toàn xã có hơn 170ha diện tích trồng cây ăn quả, gồm cam, chanh, mít, chuối, bưởi… cho năng suất, sản lượng cao.
Bên cạnh đó, xã còn có tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định với 423 con trâu, 1.420 con bò, 13.423 con lợn và gần 60 nghìn con gia cầm các loại.
Hằng năm, cùng việc bảo vệ hiệu quả hơn 1.500ha rừng hiện có, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn luôn được chú trọng, cán bộ và nhân dân trong xã tích cực trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao hiệu quả rừng trồng, góp phần thúc đẩy kinh tế rừng phát triển.
Về những kết quả của xã Khánh Thượng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá, thành quả có được là do Khánh Thượng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, lấy sự đồng thuận trong nhân dân làm nòng cốt để đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của mỗi địa phương.
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, dù nguồn lực đầu tư công hạn chế nhưng các xã miền núi vẫn được ưu tiên bố trí 1.255 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần tại 14 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các xã của huyện Ba Vì.
Các dự án hướng đến nâng cao nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thiết chế hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy, từ cơ sở hạ tầng, đến đời sống của các xã miền núi đã thay đổi rõ rệt…