Việt Nam – Lào – Campuchia đều đang xác định lúa gạo là cây lương thực quan trọng, do đó cần đẩy nhanh việc chuyển đổi hệ thống ngành hàng để đảm bảo bền vững an ninh lương thực và tăng giá trị cho sản phẩm. Việc các nước trong vùng cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm có ý nghĩa thiết thực, giúp các nước học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển
Thời gian qua, giá lương thực, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu đều tăng lên chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân trên toàn cầu.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn phải giải quyết những thách thức về đói nghèo, suy dinh dưỡng, mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây nên đói nghèo, suy dinh dưỡng thông qua quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng.
Những tác động ngày càng rõ nét đó đang ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh lương thực, sinh kế của hàng chục triệu người dân sinh sống hai bên bờ sông Mekong. Đáng chú ý, những năm gần đây, người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã cảm nhận được sự suy giảm môi trường hạ lưu sông Mekong.
Trước đây, dòng Mekong thường xuyên có lũ mạnh từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, mang theo lượng phù sa và lượng thủy sinh lớn cho cộng đồng dân cư khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, hạ lưu Mekong bắt đầu chứng kiến lũ yếu dần, chỉ còn xuất hiện trong khoảng hai tháng hoặc thậm chí không hề có lũ. Đất đai bị khô cằn và nhiễm mặn do nước biển xâm thực. Người dân đã phải khai thác nước ngầm cho nông nghiệp, dẫn đến sụt lún đất và xâm nhập mặn nhiều hơn.
Tại Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng sông Mekong được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 3 vừa qua, tại phiên toàn thể về hiện trạng, xu thế và các tác động của biến đổi khí hậu, đập thủy điện đối với nông nghiệp, sản lượng lúa và thủy sản của Tiểu vùng Mekong, các chuyên gia đánh giá chất lượng môi trường đi xuống và xu hướng di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm việc làm.
Do đó, để khắc phục những khó khăn về nhân lực và tăng sản lượng nông, thủy sản, người nông dân sử dụng nhiều loại hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc tăng trọng...) khiến môi trưởng đất và nước ngày càng ô nhiễm. Trong bối cảnh đó, việc hoạch định chính sách hiệu quả đòi hỏi sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, các học giả và nhà nghiên cứu để cùng tìm lời giải cho các câu hỏi đầy thách thức này.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, trong đó coi trọng tiến trình hợp tác khu vực. Xây dựng cơ chế chính sách đã góp phần tạo ra những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Không chỉ giới hạn chính sách trong nước, Việt Nam cũng quan tâm và đóng góp vào những vấn đề tầm khu vực có ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.