Đơn hàng rơi rụng, thắt lưng buộc bụng
Ít ngày trước, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đã có tâm thư gửi đến hàng vạn lao động của đơn vị này. Trong thư, ông Trường đánh giá dịch Covid-19 đã khiến tập đoàn này đang trải qua “thách thức rất lớn, chưa từng có”.
“Mỗi con người đều cần có một nơi làm việc, một doanh nghiệp, một tổ chức... để có thu nhập, nuôi sống gia đình mà còn là nơi chúng ta cống hiến, chứng minh bản thân mình với xã hội. Sức khỏe của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân, nhân viên, cán bộ và ngược lại. Doanh nghiệp mạnh thì đời sống người lao động được sung túc, doanh nghiệp gặp khó khăn chắc chắn đời sống người lao động cũng gặp khó khăn, thách thức”, lãnh đạo Vinatex nhìn nhận một thực tế có mối quan hệ qua lại mật thiết.
2,8 triệu lao động ngành dệt may đang gặp khó khăn. |
Nhắc đến "cơn bão" mất việc, sa thải người lao động đang càn quét khắp thế giới, ông Lê Tiến Trường hiểu rằng với một ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, việc thiếu việc làm sẽ là vấn đề “hết sức nghiêm trọng”.
“Thực tế, nếu doanh nghiệp không có việc làm thì sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương. Nếu chỉ trả tiền lương tối thiểu cho người lao động trong 3 tháng thì doanh nghiệp đã không còn một đồng vốn nào. Mấu chốt ở đây là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp. Chính vì thế, đây là câu hỏi rất lớn đặt ra cho trái tim, khối óc của những người quản lý và tất cả người lao động trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam”, lãnh đạo Vinatex giãi bày.
Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 cũng như cuộc chiến giá dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận thức rằng tập đoàn này đang ở thời khắc “khó khăn nhất trong lịch sử”.
Hệ lụy tác động kép của dịch bệnh và giá dầu đã khiến kết quả hoạt động tháng 3 của PVN và các đơn vị thành viên bị phương hại và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn lớn trong quý II cũng như cả năm 2020. Đặc biệt, giá dầu sụt giảm từ 60-70 USD/thùng thời điểm đầu năm xuống còn trên dưới 20 USD/thùng những ngày qua và dự báo sẽ còn kéo dài ở mức thấp, khiến niều tập đoàn, công ty dầu khí lớn trên thế giới đã cắt giảm việc làm, sa thải công nhân.
Không ai mong muốn điều đó xảy ra và lãnh đạo PVN cũng vậy, luôn xác định mục tiêu cao nhất là bảo vệ người lao động. “PVN đã và đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn sức khỏe, môi trường, duy trì công ăn, việc làm”, PVN cho biết.
Nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đang gồng lên để giữ ổn định sản xuất, không để lao động mất việc. Chia sẻ với phóng viên, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết: Hoạt động bán hàng, sản lượng bán hàng tháng 3 này dự kiến sẽ tăng trưởng tốt so với tháng 2, xuất khẩu cả thép thành phẩm và phôi thép tăng trưởng cao và không bị phụ thuộc vào một thị trường nào cụ thể. Nhờ vậy, đến lúc này công ăn việc làm và thu nhập của 23.000 cán bộ công nhân viên vẫn được đảm bảo.
Lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ cho hay tuy không chịu khó khăn trực tiếp như các doanh nghiệp du lịch, hàng không,... nhưng công ty cũng không tránh khỏi vòng xoáy do dịch Covid 19 gây ra. “Đến lúc này, chúng tôi không phải giảm lương nhân viên hay cắt giảm lao động, thậm chí vẫn đang tuyển thêm. Tuy nhiên trong lúc này, những bộ phận hay nhân viên kém hiệu quả thì chúng tôi sẽ lọc kỹ hơn hoặc tuyển thận trọng hơn”, vị này nói.
Ngành dầu khí đang trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. |
Đồng cam cộng khổ, san sẻ vượt khó
Để duy trì công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU dồn dập bị giãn, hoãn, hủy, Vinatex đã phải tổ chức sản xuất những mặt hàng “chưa từng sản xuất”.
Con số của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người). |
Lãnh đạo Vinatex mong rằng người lao động “san sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn”. Với niềm tin “gái có công, chồng chẳng phụ” - những người lao động sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp để xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng.
Còn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nếu giá dầu diễn biến đúng kế hoạch là 60 USD/thùng, PVN sẽ đủ chi 18 tháng lương năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu xuống 20 USD nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh. Chính vì vậy, PVN kêu gọi người lao động “đồng cam, cộng khổ”, cùng “thắt lưng buộc bụng”, cùng chia sẻ khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực kể cả việc thực hiện cắt, giảm lương, thu nhập của mỗi cá nhân trong giai đoạn này.
“Theo quy luật, “nước nổi bèo nổi” - khi dịch bệnh qua đi, giá dầu ổn định trở lại, chắc chắn mỗi cá nhân người lao động dầu khí sẽ càng cảm thấy tự hào, phấn khởi trước thành quả đạt được và tự tin cùng tập đoàn bước vào chặng đường mới”, đại diện PVN gửi thông điệp.
Nhưng những biện pháp tạm thời đó chỉ để “trợ thở” thêm phần nào cho doanh nghiệp. Điều đó không che lấp được một thực tế, hàng vạn doanh nghiệp đang trong tình cảnh thoi thóp. Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/3 cho thấy, trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào diễn biến dịch bệnh mỗi ngày một phức tạp, khó lường. Những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn không tránh khỏi làm nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Khi đó, hàng vạn lao động sẽ bị ảnh hưởng, có người phải giảm lương, người thì mất việc.
Con số ấy có thể sẽ tăng lên trong tháng 3/2020 và các tháng tiếp theo nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt. Vì thế, có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này là cần thiết, bởi khi doanh nghiệp “ổn” thì người lao động mới thoát bị “tổn thương”.
Hà Duy
Tính cách lo việc làm cho hàng triệu công nhân dệt may
Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11 nghìn tỷ đồng.