Như VietNamNet đã đưa, tối 31/5, lãnh đạo phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội xác nhận sự việc một bảo mẫu có hành động lắc mạnh em bé 1 tháng tuổi trên tay khiến cháu bé khóc thét lên.

Trước đó, 1 clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh người phụ nữ sau đó tiếp tục bế xốc em bé lên, khiến cháu khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường.

Sự việc xảy ra tại một căn hộ ở khu chung cư HH Linh Đàm, Hà Nội đang được công an xác minh làm rõ.

Trong một diễn biến khác xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng vào tối 20/5, khi đó một bé gái hơn 2 tháng tuổi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh này trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, đa chấn thương, gãy tay, xương đùi. 

Điều tra ban đầu cho thấy, bé gái ở cùng mẹ và người tình của mẹ là Trần Hoài Thương (33 tuổi). Thương khai nhiều lần đánh bé gái hơn 2 tháng tuổi do cháu không chịu uống sữa và khóc quấy. 

Bé gái được bác sĩ chăm sóc. Ảnh: X.N.

Ngày 19/5, Thương lấy núm vú giả, đặt vào miệng và dán băng keo vào miệng của em bé để cháu không khóc. Khi thấy trẻ khó thở, Thương tháo băng keo ra, ném gấu bông vào người cháu. Đến ngày 20/5, bé gái không chịu uống sữa đã bị Thương tát vào mặt, đầu. Người mẹ thấy tình nhân bạo hành con, nhưng không can ngăn, chỉ tới khi bé nguy cấp tới tính mạng mới đưa đi cấp cứu.

Hồi chuông báo động về nạn bạo hành trẻ em

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, gần đây số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước có hơn 24 triệu trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số là cao, nhu cầu bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ở Việt Nam là rất lớn.

Đối với vụ việc cháu bé 1 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội bị bảo mẫu bạo hành, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, có lẽ bé là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị bảo hành trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy, cần gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa để bảo vệ trẻ em. Đồng thời cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ trẻ em, tôn trọng pháp luật của mọi công dân trong xã hội, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em hoặc có chức năng nhiệm vụ nghề nghiệp trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Phân tích hình ảnh trong clip về vụ bạo hành em bé 1 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, luật sư cho rằng, hành vi của người phụ nữ trong clip rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cháu bé nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo luật sư, 1 tháng tuổi cơ thể trẻ em còn quá non nớt, não chưa ổn định và xương sọ chưa hoàn thiện. Chỉ cần những rung lắc nhẹ nhưng thường xuyên là có thể gây tổn thương đến não bộ. 

Hành vi rung lắc mạnh kèm theo những hành vi bạo hành, tác động vật lý vào cơ thể của trẻ em là rất nguy hiểm. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần khám, điều trị và xác định hậu quả của hành vi này để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Theo khoản 6, Điều 4, Luật trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Hành vi bạo hành có thể thể hiện bằng lời nói hoặc tác động vật lý, đánh đập hành hạ trẻ em dẫn đến hậu quả trẻ em bị tổn thương, bị thương tích, thậm chí có thể thiệt mạng.

Hành vi này là vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm Luật trẻ em. Người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.

Trong vụ việc bạo hành bé 1 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ trong clip, đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ trong clip không có động cơ mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội Hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 BLHS.