-Trong các án mờ nếu không chắc chắn một người có tội hay không thì việc khẳng định một người vô tội phải được ưu tiên.
Tạm gọi các bản án đang bị phản ứng từ dư luận là án mờ bởi lẽ kết luận có tội của các cơ quan tiến hành tố tụng còn rất nhiều điểm chưa thuyết phục khiến người ta dấy lên nghi ngờ có căn cứ.
Thế nào là oan?
Tố tụng hình sự là quá trình chứng minh đặc biệt và có những nguyên lý riêng của nó, không cho phép chứng minh bằng mọi giá nhất là chứng minh bằng cách xâm phạm đến quyền con người. Chính vì vậy, luật tố tụng hình sự các nước trong đó có Việt Nam vạch ra giới hạn cho quyền lực nhà nước bằng cách đều khẳng định các cơ quan điều tra chỉ được các biện pháp điều tra hợp pháp (luật định) để xác định sự thật.
Chứng minh bằng phản chứng được coi là văn minh nhất bởi lẽ nó không chỉ đưa ra kết quả đúng mà còn bảo vệ được quyền con người. Thay vì chứng minh trực tiếp một người có tội, người ta đặt ra giả thiết rằng người này không có tội. Giả thiết đó vẫn tồn tại cho đến khi nó có đầy đủ chứng cứ buộc tội bác bỏ toàn bộ giả thiết này, tức là một người đã bị buộc tội. Đó chính là suy đoán vô tội. Nếu kết luận buộc tội vẫn còn có thể bị bác bỏ tức là vẫn còn nghi ngờ hợp lý thì việc buộc tội không thành công.
99% chứng cứ cho thấy bị can có tội nhưng chỉ 1% chứng cứ xác định vô tội (còn nghi ngờ hợp lý) chưa được làm rõ thì 99% kia cũng bị vô hiệu. Do đó, tác giả rất không đồng ý với nhận định rằng: Tuy còn sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án!
Chính vì vậy, luật tố tụng hình sự Việt Nam đòi hỏi phải đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ không chỉ chú ý đến chứng cứ buộc tội mà bỏ qua chứng cứ xác định vô tội.
Như vậy, oan được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, có đầy đủ chứng cứ xác định họ bị oan ví dụ chứng cứ ngoại phạm. Thứ hai, vẫn còn băn khoăn tranh cãi giữa có và không do thiếu chứng cứ hay quá trình chứng minh không hợp pháp. Nói cách khác không thể chấp nhận tư duy: Một người bị coi là có tội cho đến khi chứng minh được họ vô tội.
Đối xử với án mờ
Thực ra phát hiện tội phạm và không làm oan là mơ ước của bất cứ hệ thống tố tụng quốc gia nào trên thế giới. Nhưng không phải vụ án nào cũng có thể tìm ra chính xác sự thật vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có lý do như vụ án diễn ra lâu, chứng cứ không còn, thủ đoạn tội phạm quá tinh vi và không loại trừ sự sự sai sót trong quá trình tố tụng mà có hủy án, trả hồ sơ cũng không giải quyết được.
Trước bàn thắng gây tranh cãi các trọng tài hay có cách xử sự khôn ngoan, thà từ chối bàn thắng hợp lệ còn hơn công nhận bàn thắng hợp lệ! Trong các án mờ nếu không chắc chắn một người có tội hay không thì việc khẳng định một người vô tội rõ phải được ưu tiên. Bởi lẽ, phản ứng của dự luận hay nói cách khác cảm nhận về công lý của dân chúng đối với việc kết án oan rõ ràng mạnh mẽ hơn bỏ lọt tội phạm.
Đối với án mờ nhiệm vụ là phải tìm ra sự thật khách quan bởi lẽ còn đó nỗi đau của gia đình bị hại, bởi sứ mệnh trừng trị cái ác bảo vệ xã hội. Nhưng đã làm hết cách thì tinh thần của suy đoán vô tội lên ngôi: Buộc phải tuyên vô tội. Đó là cách hành xử văn minh, nhân đạo và “Fair Play” nhất của công quyền.
Án chưa rõ ràng hay án oan là một tồn tại khách quan và nỗi ưu tư của tất cả các nền tư pháp trên thế giới, không ở đâu không có. Thượng đế còn sai lầm nên Vontaire phải thốt lên: Tôi rùng mình khi nghĩ đến cảnh người xử người. Cơ quan điều tra ở đâu cũng không phải là thánh nhân. Họ là người không trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội. Bởi theo quy định của luật tố tụng hình sự, nếu họ chứng kiến sự việc thì họ không được tiến hành tố tụng mà chỉ là người làm chứng. Nhưng nhiệm vụ cự kỳ nặng nề là dựng lại toàn bộ diễn biến của vụ việc và đánh giá nó dưới khía cạnh pháp lý: Có hay không, tội gì, trách nhiệm ra sao?
Án oan ở đâu cũng có. Nhưng sự khác nhau chính là nguyên nhân của nó và cách đối xử với án oan.
Có một cảnh sát trưởng ở châu Âu đã nói. Luật hình sự là của kẻ bất lương, luật tố tụng hình sự là của người lương thiện. Thành công bằng mọi giá là tư duy phải dẹp bỏ. Xã hội cảm thấy đỡ bức xúc hơn khi bỏ lọt tội phạm hơn là làm oan 1 người!
Hình phạt tử hình, tồn tại hay không tồn tại?
Liên quan đến sự tồn tại của hình phạt tử hình trong hình luật Việt Nam hiện nay đã dấy lên nhiều tranh luận bởi sự tác động đa chiều có nó: đạo đức, tôn giáo, pháp luật, nhân quyền, công lý….Xung quanh hình phạt tử hình là hai câu chuyện giữ hay bỏ và không thể nói những quan điểm này là cảm tỉnh bởi đằng sau nó là những triết thuyết rất cơ bản.
Nhiều người không mặn mà với nó thì cho rằng: Bản chất của người là sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa chữa, làm lại, đền bù. Nhưng có những sai lầm không thể khắc phục ví dụ tử hình oan. Khắc phục sai lầm này chỉ có cách là bỏ hình phạt tử hình. Tôn giáo cũng không đứng ngoài cuộc tranh luận này khi quan điểm rằng chỉ có Đấng tối cao mới sinh ra con người và chỉ có Người mới có quyền tước đi tính mạng của chúng sinh. Nhà nước không vượt lên cái quyền tối cao và thiêng liêng đó.
Nhưng những người có nhiệm vụ sử dụng quyền lực nhà nước để bảo vệ xã hội cũng có lập luận không tồi bằng rút ra từ nghiên cứu tâm lý tội phạm. Thông thường trước khi đi giết người, kẻ sát nhân thường cân nhắc hai khả năng. Khả năng bị phát hiện và khả năng bị xử lý- giết người sẽ phải gánh chịu hậu thế nào?. Nếu hình phạt tử hình còn tồn tại thì chưa cần thực hiện, nó đã có tác dụng ngăn ngừa tội phạm trong ý nghĩ….
Bên cạnh đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hình phạt tử hình trong việc phòng ngừa chung đối với xã hội. Kẻ ác phải bị trừng trị đó mới là công lý: Ác giả ác báo….
Tổng kết các quan điểm trên có thể sơ bộ rút kết luận giữ hay bỏ hình phạt tử hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là sự phức tạp và nghiêm trọng của tình hình tội phạm, là quan niệm về án tử trong tập quán, tôn giáo và cao hơn cả là quan niệm về công lý của dân chúng từng xứ sở.
Trước sự băn khoăn đó, các nhà lập pháp hình sự Việt Nam đã có sự lựa chọn theo chúng tôi là chấp nhận được đó là không bỏ nhưng cũng không giữ nguyên mà thu hẹp phạm vi các tội phải chịu hình phạt tử hình. Rất nhiều tội phạm trong luật hình sự 1985 đã không xuất hiện hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự hiện hành. Xu hướng nhân đạo và văn minh đã rõ hình hài bằng động thái lập pháp này.
Nhưng trong sâu thẳm trái tim của những con người văn minh luôn mong muốn đến một ngày đẹp trời nào đó, không ai phải chết để trả giá cho tội ác của mình!
- Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật)