- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế và xử lý kỷ luật nghiêm.

Hà Nội sáng nay tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.

Còn nhiều kẽ hở

Theo báo cáo do Phó chủ tịch TP Nguyễn Văn Sửu trình bày, đã có 9 trường hợp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị  khi để xảy ra tham nhũng.

{keywords}

Qua tự kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, từ năm 2006 đến nay, TP đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm lên tới 2.542 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.

Cũng trong thời gian này, CATP Hà Nội đã thụ lý điều tra 214 vụ với 563 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó đã khởi tố 201 vụ với 540 bị can…

Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù TP đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo nhưng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực. Tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng. Vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Nguyên nhân được Hà Nội xác định là công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao, vòi vĩnh để vụ lợi.

Cán bộ nào vòi vĩnh thì thay thế

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nghiêm túc của Hà Nội trong việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Phó Thủ tướng, báo cáo của TP đã đánh giá tương đối đầy đủ những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho hay,  tình hình tham nhũng trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: quản lý đô thị, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính, ngân hàng... đặc biệt nhiều vụ việc nổi lên gần đây như 8B Lê Trực, Ba Vì...

"Chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân vì sao, năng lực cán bộ, chế độ trách nhiệm hay tham nhũng... Thủ tục hành chính tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải xử lý. Vẫn còn nhiều dư luận về tình trạng nhũng nhiễu. Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn nhiều yếu kém", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu 8 vấn đề cấp thiết Hà Nội phải làm trong thời gian tới. Trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nghiên cứu mô hình Trung tâm hành chính công của một số địa phương để có thể vận dụng...

"Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe. Kiến nghị của mọi người dân phải được xử lý, trong bộ máy hành chính không thể để tình trạng nhận được văn bản của cơ quan, đơn từ, đề nghị của dân mà thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy. 

Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Hồng Nhì