Sáng 16/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích về những yếu tố nền tảng để Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng thu hút đầu tư, bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư góp phần cùng Hậu Giang biến tiềm lực thành nguồn lực, biến khát vọng thành hành động thiết thực, hiệu quả, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo để vươn lên. Tại chuỗi Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022, tỉnh đã giới thiệu với các nhà đầu tư về những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh để có chiến lược đầu tư lâu dài; các đại biểu chia sẻ, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để tỉnh tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. UBND tỉnh Hậu Giang trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha; ký biên bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở ra cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang; đồng thời tiếp nhận nhiều khoản tài trợ, ủng hộ của các nhà đầu tư dành cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. |
Nỗ lực để đón đầu các làn sóng đầu tư
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của hệ thống đường thủy nội địa sông Cửu Long, có tổng số 2.300 km sông, rạch, nằm ở trung điểm của nhiều tuyến đường cao tốc, cách sân bay và cảng biển chỉ 30 km từ ranh giới tỉnh.
Hậu Giang có 140.457ha đất nông nghiệp; mục tiêu đến năm 2045, Hậu Giang sẽ là Trung tâm dịch vụ logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ cũng như nhiều tuyến đường thủy trọng điểm đi qua, đặc biệt trong thời gian tới có 3 tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn; Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết về 4 trụ cột (công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - du lịch), trong đó nông nghiệp là trụ cột số 2 về khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã xác định 5 loại nông sản chủ lực và 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch để tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ có Chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và đã có Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt đã dành nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Do đó, Thủ tướng mong muốn Hậu Giang phải tranh thủ các chủ trương, chính sách này; biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy tinh thần nội lực đi lên.
Hậu Giang đang nỗ lực mời gọi, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, dự án có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách, có tác động lan tỏa, sử dụng ít diện tích, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực chính như công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, logistics. Đây là những lĩnh vực được tỉnh xác định là trụ cột của nền kinh tế trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh cam kết về việc luôn thực hiện nhất quán quan điểm “Ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”, với phương châm“doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Những trụ cột của nền kinh tế trong giai đoạn 2020-2025
Hiện nay, Hậu Giang đã quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển cụ thể các lĩnh vực để kêu gọi thu hút đầu tư và đặc biệt là hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang chuyển tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, tức là phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân với khát vọng đưa Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.
Mặt khác, Hậu Giang xác định sẽ ưu tiên đầu tư trong trung hạn để hình thành không gian văn hóa, đa dạng sinh học, không gian cảnh quan sông nước có tính nhận diện, đặc trưng của vùng. Nơi đây định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái hai bên sông nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái. Định hướng dài hạn sẽ trở thành vùng đô thị chiến lược đối trọng với vùng Thành phố Hồ Chí Minh, với tiềm năng lớn và kết nối, giao thương quốc tế về đường thủy nội địa và hàng hải. Khi Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ lan tỏa sự tăng trưởng cho các tỉnh lân cận, là cơ hội tốt cho Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững.
Với phương châm mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức và cá nhân, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực mà tỉnh đang mời gọi. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.
Cửu Long