Cái tên Donald Trump, Tổng thống đắc cử Mỹ, liên tục được các chuyên gia kinh tế nhắc đi nhắc lại tại Diễn đàn kinh tế 2017. Ở bên kia bán cầu, nhưng Donald Trump cũng tác động to lớn tới Việt Nam.

Những tuyên bố và quyết định chấn động của Tổng thống đắc cử Mỹ như hủy bỏ TPP, rút các cơ sở sản xuất về Mỹ, khời động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc... sẽ khiến một đối tác thương mại xuất siêu vào Mỹ như Việt Nam phải toan tính nhiều hơn trước các biến động chính sách toàn cầu.

"Donald Trump thực sự là một cao thủ”, TS. Lê Đăng Doanh đã nói như vậy đánh giá những tác động của chính sách tân tổng thống nước Mỹ tới kinh Việt Nam.

Ông Doanh tỏ ra lo ngại về chính sách của ông Trump và tác động đến Việt Nam. Lý do, tổng thống mới đắc cử này định hướng tập trung cho nước Mỹ, rút lui khỏi các cam kết, các biện pháp đã từng cam kết.

{keywords}
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump

Theo phân tích của TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế Mỹ và Việt Nam bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh, nhưng Việt Nam xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ và sản phẩm khác cho Hoa Kỳ, việc có thị trường khác thay thế là khó. Việt Nam cam kết rất cao về cải cách thể chế khi tham gia TPP, ví dụ thời gian thông quan, hiện là 12 ngày giảm xuống chỉ còn 48 tiếng. “Nếu không có TPP, TPP chậm lại chúng ta có đẩy mạnh được cải cách hay không”, ông Doanh nghi ngại.

Bên cạnh đó, ông Doanh cho rằng, với xu thế bảo hộ tăng thì Việt Nam phải có chính sách cho một tương lai trung hạn, hội nhập chiếm lĩnh đa dạng hoá thị trường như nào. Nhất là khi nhiều nước dựng lên các rào cản trực tiếp và kỹ thuật, lại là sức ép nữa để vươn lên.

Ở lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Công ty Chứng khoán SSI, cho biết, ba tuần từ khi ông Trump thắng cử, TTCK Mỹ đã được rót thêm 35 tỷ USD. Dòng vốn do đó sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam. Trong vòng 3 tuần, tổng dòng vốn chạy ra khỏi Việt Nam là 72 triệu USD.

Liên quan tới lĩnh vực BĐS, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc đại diện JLL Việt Nam tại, Hà Nội, cho hay: “Tôi gặp nhiều nhà đầu tư, nhiều công ty, họ rất lạc quan về TPP nhưng chưa nghĩ đến việc nếu TPP không được thông qua thì sẽ ra sao. Cho tới hiện tại, nhiều người đã trót xây dựng thì đã ghìm tiến độ lại”.

{keywords}
Ngoài TPP, Việt Nam còn chuẩn bị ký kết nhiều hợp định hợp tác khác

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song TS. Lê Đăng Doanh cũng tỏ ra lạc quan rằng, 2017 là một năm thuận lợi. Môi trường quốc tế quanh Việt Nam đang có sự thay đổi nên phải tỉnh táo. “Chính trong khó khăn lại tạo cơ hội cải cách để đầu tư”, ông nói.

Tác động của TPP tới kinh tế trong nước, TSKH. Nguyễn Thành Long nhận định, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và cũng có những lý do qua lại nhất định như TPP, Donald Trump ảnh hưởng đến dư địa.

TPP triển khai thuận lợi sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cao cho Việt Nam. Hàng xuất khẩu sang Mỹ, nền kinh tế Việt Nam và Mỹ bổ sung chứ không có cạnh tranh. Với Mỹ là thị trường đảm bảo, tình hình xuất khẩu của Việt Nam không hẳn quá bi quan.

Theo ông Long, hiện nay còn có thêm một hiệp định đang đàm phán là RCEP. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng nhiều nhất từ hiệp định này. Ngoài ra, chúng ta cũng đang đàm phán ký 12 hiệp định khác.

“Nếu TPP không thành thì chúng ra cũng còn rất nhiều các hiệp định khác. Nhìn chung ở một góc độ nào đó, với bối cảnh thế giới diễn ra, mức độ xán lạn trong nước có thể không bằng nhưng cũng sẽ không kém hơn hiện tại”, ông Long dự đoán.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, một số dự báo nền kinh tế đi xuống thì sự thật không hẳn là như vậy. “Tư tưởng của Donald Trump là chống tự do hóa thương mại hay chống một vài nước cụ thể? Nếu chống vài nước thì có thể sẽ có lợi cho Việt Nam”, ông nói.

Nam Hải