Theo tờ Wall Street Journal, Tổng thống Donald Trump đã xác nhận ông yêu cầu chính quyền của mình xem khả năng mua lại hòn đảo Greenland từ Đan Mạch cũng như về tài nguyên thiên nhiên và tình hình địa chính trị của hòn đảo này.
Cũng theo WSJ, ông Trump cho biết “rất nhiều điều có thể được thực hiện” và việc sở hữu Greenland “sẽ là tuyệt vời” đối với Mỹ từ góc độ chiến lược. Tuy nhiên, ông Trump cũng lưu ý rằng đó không phải ưu tiên số 1.
Greenland được biết đến là một phần của vương quốc Đan Mạch. Ý tưởng mua Greenland được Washington Post đã được ông Trump đề cập đến trong vài tuần vừa qua và các cố vấn của ông Trump đang đợi xem thực hư như thế nào trước khi nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này.
Ông Trump có kế hoạch sẽ có chuyên thăm cấp nhà nước Đan Mạch vào ngày 2/9. Tuy nhiên, vị tống thống thứ 45 của Mỹ cho biết chuyến thăm của ông không liên quan tới sự quan tâm của ông tới đảo Greenland.
Theo WSJ, ông Trump muốn mua Greenland từ Đan Mạch. |
Trước đó, vài ngày sau khi thông tin ông Trump muốn mua Greenland bung ra, bộ ngoại giao Greenland cho biết hòn đảo này “không phải để bán”.
Nhà Trắng từng có kế hoạch mua đảo Greenland. Sau Thế chiến 2, tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD để mua lại, song nước Mỹ đã bị từ chối.
Greenland được biết đến là một hòn đảo rất đặc biệt. Về địa lý, nó được coi là thuộc về Bắc Mỹ nhưng về địa chất Greenland lại thuộc về Bắc Cực. Hòn đảo có phần lớn diện tích bị tuyết bao phủ nhưng băng tuyết đang tan theo đà ấm lên của trái đất và diện tích đất sinh sống sẽ gia tăng theo đó.
Greenland có nhiều tài nguyên quý giá như khoáng sản, đất hiếm, có khối lượng nước ngọt và băng đá tinh khiết nhất thế giới. Đây cũng là một địa điểm du lịch mạo hiểm ưa thích. Nhưng quan trọng hơn, Greenland sở hữu vị trí địa lý chiến lược trên tuyến đường vận tải biển mới ở Bắc Cực khi băng tan.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới. |
Greenland còn trở nên quan trọng hơn với Mỹ khi Bắc Cực đang trở thành khu vực bị tranh chấp giữa nhiều bên mà Mỹ không muốn là người đứng ngoài cuộc. Đã từ lâu, Nga và Trung Quốc cũng đã nhòm ngó và âm thầm mở rộng hoạt động nhằm tạo dựng ảnh hưởng ngày một tăng ở Bắc Cực.
Mỹ hiện có căn cứ không quân Thule trên đảo Greenland. Căn cứ này chứa một trạm ra đa thuộc hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo của Mỹ, được nhiều đơn vị quốc phòng quan trọng của Mỹ sử dụng.
Greenland có quyền tự trị rất sâu rộng ở Đan Mạch. Và trên lý thuyết, người dân trên hòn đảo này có quyền tự quyết định tương lai của hòn đảo, bán hay không. Tuy nhiên, những thông tin gần đây cho thấy, người dân Greenland không muốn bán cho bất cứ nước nào. Đây cũng là điều mà Đan Mạch đã bày tỏ rõ quan điểm.
80% diện tích Greenland vẫn bị băng tuyết bao phủ. |
Chưa biết kết quả tới đâu và Mỹ có chiêu bài gì không, nhưng thông điệp của ông Trump cũng đã đủ cho người dân Greenland hiểu rằng họ có thể về với Mỹ bất cứ lúc nào trong tương lai, giống như trường hợp Puerto Rico. Với tầm quan trọng của Greenland và vị thế nền kinh tế số 1 của Mỹ, Washington có thể đổ những khoản tiền khổng lồ để phát triển hòn đảo lớn nhất thế giới.
Trong lịch sử, Mỹ đã có nhiều lần mua đất mở mang bờ cõi quốc gia. Việc mua đảo Greenland nếu thành công sẽ là một thành công to lớn của vị tổng thống có nguồn gốc từ tỷ phú bất động sản này.
Lần gần đây nhất, năm 1867, Mỹ đã mua Alaska từ người Nga với giá 7,2 triệu USD. Thương vụ mua đất nổi tiếng nhất của Mỹ là Louisiana từ Pháp năm 1803. Đây là vùng đất chiếm gần 1/4 lãnh thổ hiện tại của Mỹ.
Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:
H. Tú