Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi lãnh đạo gần như đồng thời tại Trung
Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang lại cho Đông Bắc Á một sự khởi đầu mới mẻ sau
một thời gian dài chìm vào căng thẳng.
Từ trái qua: Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng kế tiếp của Nhật Shinzo Abe |
"Các mối quan hệ nhìn chung nên cải thiện hơn. Có vẻ như sẽ có thêm không gian cho hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc" - ông Zhou nói.
Cả ba quốc gia này đều đối mặt với các vấn đề từ nền kinh tế toàn cầu lao đao và thành công từ vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo của Triều Tiên, khiến cho khu vực Đông Bắc Á trở nên bất ổn.
Thủ tướng sắp tới của Nhật Bản là Shinzo Abe dành khá nhiều thời lượng tranh cử của mình để nói về đường lối cứng rắn với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ 'khôngkhoan nhượng' trong vấn đề chủ quyền với quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản cùng nói là của mình.
Căng thẳng giữa hai bên bùng nổ vào tháng Chín khi Tokyo quốc hữu hóa các đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc đáp trả bằng cách điều các tàu công vụ tới vùng biển gần đó hầu như mỗi ngày.
Tuy nhiên, đội tuần duyên được trang bị kỹ lưỡng của Nhật không hề đưa tin có tàu nào của Trung Quốc tại vùng biển gần đó nhất kể từ sau khi đảng Tự do Dân chủ của ông Abe thắng cử.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) mà LDP thế chỗ đã cho thấy một điều gì đó kỳ bí đối với những người bạn và cả đối thủ trong suốt ba năm họ nắm quyền.
Những người bên trong Washington phàn nàn rằng họ (DPJ) rất khó hiểu và đôi khi Bắc Kinh gặp phải trở ngại.
Các cây bút bình luận thì nói rằng chính quyền LDP sẽ dễ làm việc hơn.
"DPJ bị kẹt trong thế bế tắc với Trung Quốc. Nhưng LDP lại có các kênh truyền thông và liên hệ với Trung Quốc mà họ phát triển thông qua nhiều thập kỷ trao đổi" trong suốt hơn nửa thế kỷ họ cầm quyền - Zhou nói.
"Họ sẽ dễ dàng điều chỉnh lại quan hệ với Trung Quốc hơn" - Zhou bình luận.
Quan hệ giữa Tokyo với Seoul từng ở thời kỳ đỉnh cao; họ có trao đổi tiền tệ, trao đổi văn hóa và suýt nữa ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.
Nhưng mọi chuyện trở nên xấu đi khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak khơi lại vết thương cũ về quần đảo mà hai bên tranh chấp.
Tiếp đó là các cáo buộc rằng Tokyo đã không xin lỗi đầy đủ vì những hành động họ gây ra trong Chiến tranh Thế giới II và yêu cầu đền bù cho những phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục trong thời gian đó.
Giáo sư Lee Nae-Young của Đại học Hàn Quốc cho biết với việc bà Park Geun-hye thắng cử và trở thành Tổng thống, quan hệ giữa hai bên có thể sẽ trở lại như xưa.
Ông Lee chỉ ra rằng cha của bà Park là cố Tổng thống Park Chung-hee đã từng làm việc với Thủ tướng Nobusuke Kishi - ông của Thủ tướng sắp tới của Nhật Shinzo Abe - để bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương năm 1965.
"Cũng giống như cha mình từng củng cố quan hệ với Mỹ và Nhật, Tổng thống đắc cử Park Geun-hye được kỳ vọng sẽ tìm kiếm quan hệ tốt hơn nữa với hai đồng minh của mình" - ông Lee nói.
"Không dễ dàng gì cho bà Park khi phải nhượng bộ trong các tranh cãi về chủ quyền, nhưng chính sách ngoại giao ôn hòa của bà sẽ đóng góp vào ổn định của khu vực" - ông Lee nói thêm là bà Park còn có thể muốn Trung Quốc trở thành 'đối tác chiến lược' với Seoul.
Bà Park nhậm chức vào tháng Hai tới đây, tức là chỉ một tháng trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức trở thành Chủ tịch nước.
Các nhà bình luận nói rằng mục tiêu sống còn của ông Tập sẽ là ổn định.
Ông Zhou nói rằng Bắc Kinh muốn Seoul ngừng 'chọc vào tổ ong' ở Bình Nhưỡng, vì điều này sẽ giúp làm trấn tĩnh tình hình ở Triều Tiên.
"Lee Myung-bak là một người cứng rắn... nhưng Park Geun-hye lại là người cấp tiến hơn và có thể sẽ có chính sách linh hoạt hơn với Triều Tiên.
Có vẻ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ dễ dàng hợp tác hơn một khi mà một lãnh đạo (Hàn Quốc) lên nắm quyền với một chính sách rộng lượng hơn với Triều Tiên" - Zhou phân tích.
Giáo sư danh dự của Đại học Keio tại Tokyo là Masao Okonogi nói rằng một điều chắc chắn là năm 2013 sẽ là một năm rất 'bận rộn' khi Đông Bắc Á có ba lãnh đạo mới.
Ông Okonogi nhận định: "Ngoại giao tại Đông Bắc Á thậm chí sẽ còn năng động hơn để phản ánh căng thẳng đang nổi lên" tại khu vực này.
- Lê Thu (theo Asia One)