Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” của Việt Nam được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp ngày 29/11/2022.
Đây là tin vui và đồng thời cũng là động lực để đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề gốm tương xứng với sự ghi nhận đó.
Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Làng gốm Bàu Trúc có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền-con nối.” Nơi đây được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Do được làm thủ công hoàn toàn, từng sản phẩm một, nên gốm Chăm được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất với đặc trưng riêng, mang đậm nét văn hóa Chăm. Điều này được thể hiện ở chỗ dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như sản phẩm đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác.
Ngoài ra, giữa các sản phẩm gốm Chăm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc, tâm trạng và đôi bàn tay tài hoa của người thợ với dấu ấn để lại trong từng sản phẩm luôn hiện hữu.
Thanh Bình, Lê Nhung, Hồng Hạnh, Diệu Bình, Kiều Oanh