Kiên Giang là tỉnh có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối đông. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền địa phương hết sức quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trong khu vực KTTT ngày càng ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong tổng số có 543 HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay, với 55.642 thành viên thì HTX có thành viên là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng hơn 10% tổng số thành viên HTX cả tỉnh (chưa tính tổ hợp tác). Các HTX hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ thương mại; xây dựng; vận tải và tín dụng.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, thông qua chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, các sản phẩm của các HTX đã được mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát, nông sản. Trong đó, đáng kể nhất là các mô hình HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số điển hình như: sản phẩm đan đát từ cỏ bàng của HTX Cỏ Bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành; HTX Thủ công mỹ nghệ Tân Thuận Phát, huyện Gò Quao; HTX nông nghiệp Tân Hưng, huyện Châu Thành…
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đã có quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 với nội dung hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện cũng như cơ hội tạo ra sức lan tỏa lớn nhằm thay đổi tư duy về chuyển đổi số, liên kết trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ thành viên HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về KTTT, dạy nghề trực tiếp cho thành viên các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các HTX đã chủ động chú trọng đổi mới hình thức hoạt động, tiêu thụ các sản phẩm của thành viên HTX ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, có giá trị, có thương hiệu, nhãn hiệu được công nhận…
Nhìn chung các HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy được vai trò trong hỗ trợ người dân, là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Chủ động nắm bắt thông tin, chính sách có liên quan để tranh thủ, tạo cơ hội phát triển lợi thế sẵn có trong HTX, nâng cao giá trị sản phẩm; đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, từ nhỏ lẻ manh mún sang liên kết, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đang là điểm nhấn trong hoạt động của HTX Tân Thuận Phát. Với tổng diện tích trên 100ha, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Theo lãnh đạo UBND huyện Giồng Riềng, toàn huyện hiện có 97 HTX, tổng vốn điều lệ gần 11 tỷ đồng, với 9.412 thành viên, tạo việc làm cho 1.210 lao động. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của HTX, huyện chủ động đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các HTX nhỏ liên kết, sáp nhập để tăng quy mô, khả năng cạnh tranh, gia tăng lợi ích cho thành viên, người lao động. Nhờ hướng đi đúng đắn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của huyện giảm còn dưới 1%.
Không chỉ ở huyện Giồng Riềng, mà ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mô hình KTTT, HTX liên kết đang phát triển mạnh mẽ, hiệu quả. Tại huyện Vĩnh Thuận, HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận) được thành lập năm 2019, với 8 thành viên ban đầu, vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng. HTX thực hiện dịch vụ cơ bản là thu mua và sản xuất các sản phẩm từ con tôm. Lợi thế của HTX là tận dụng nguồn nguyên liệu từ tôm nuôi của các hộ thành viên cũng như vùng nguyên liệu dồi dào tại địa phương.
Bên cạnh những mặt thuận lợi trên, nhìn chung, các HTX ở vùng đồng bào DTTS Kiên Giang quy mô vẫn còn nhỏ, số lượng thành viên ít. Còn bị động trong tất cả các khâu dịch vụ. Nguyên nhân do, người đứng đầu các HTX thiếu năng động, không chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội nên doanh nghiệp không liên kết tiêu thụ. Bên cạnh đó, trình độ quản trị của HTX còn yếu, chỉ làm theo kinh nghiệm; khả năng tiếp cận các chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng thấp kém, mặt bằng dân trí và các điều kiện tiếp cận thông tin, thị trường sản xuất hàng hóa, tiến bộ khoa học - công nghệ còn hạn chế.
Ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Kiên Giang cho hay, để KTTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, cần một số giải pháp sau: Phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động phổ biến, giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số về KTTT, HTX; nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác dân tộc, về phát triển KTTT, HTX.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai nhiều chính sách, chương trình dự án, đề án trong phát triển các mô hình KTTT; có những ưu tiên nhất định trong các mô hình có đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho phát triển KTTT, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về quản trị HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cộng đồng; tư vấn, vận động phát triển các mô hình KTTT gắn với lợi thế về sản phẩm trên địa bàn; xây dựng và biểu dương tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong phát triển KTTT, HTX.