Khi chuyến tàu từ Đà Nẵng về Ninh Bình lăn bánh, Hoàng Hoa (27 tuổi) canh cánh nhiều nỗi lo: Về quê liệu có sống được không? Không làm ra tiền liệu gia đình có xích mích?

Chia sẻ với Zing, Hoa cho biết cô bắt đầu làm việc trong ngành du lịch tại Đà Nẵng từ 2018. Hai năm sau, cô cùng chồng thành lập công ty riêng với nhiều hoài bão.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, kinh tế công ty suy kiệt, hai người quyết định đưa con nhỏ rời thành phố về quê Ninh Bình vào cuối năm ngoái.

“Ban đầu, họ hàng đôi bên khuyên vợ chồng mình đừng về vì sợ không có việc làm, đời sống thiếu thốn và khó khăn. Hai đứa cũng lo lắng nhưng cố gắng động viên nhau. Không ngờ về đến tháng thứ 5 rồi, nhà mình cũng có ý định ở đây luôn”.

Bo pho ve que anh 1

Vợ chồng Hoa quyết định về quê ngoại sau khi cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống ở thành phố.

Sống chậm lại

Hoa sinh ra ở Ninh Bình, sống tại Hà Nội từ nhỏ và lấy chồng, lập nghiệp ở Đà Nẵng. Làm việc trong ngành du lịch, cô có cơ hội xê dịch khắp nơi.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Hoa dần cảm thấy cuộc sống phố thị ngột ngạt khi phải giam mình trong 4 bức tường. Cô tự nhủ tìm nơi nào khác để tâm hồn được tự do.

Từ gợi ý của mẹ, Hoa rủ chồng về quê ở xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) ăn Tết, đồng thời thử thay đổi môi trường sống. Điều khiến cô lo lắng là nơi đây còn nghèo, lớp trẻ và thanh niên tầm tuổi mình đều lên thành phố học tập, làm việc rồi trụ lại. Bởi vậy, kinh tế sẽ là vấn đề khó khăn.

Có sẵn ngôi nhà cùng mảnh vườn nhỏ, vợ chồng Hoa cải tạo đôi chút và trồng hoa, cây cối xung quanh.

Thời gian đầu chưa có việc làm, Hoa theo dì, mợ ra ruộng cấy lúa. Vốn là dân văn phòng, cô thấy toàn thân nhức mỏi, run lẩy bẩy khi chuyển sang công việc đồng áng. Phải mất vài hôm, cô mới dần quen.

Bo pho ve que anh 2

 

Bo pho ve que anh 3

Bỏ phố về quê, Hoa tập làm quen với công việc đồng áng.

Bên cạnh đó, nhịp sống thay đổi hoàn toàn cũng khiến Hoa gặp nhiều khó khăn.

“Quá quen với cuộc sống náo nhiệt, đi đây đi đó và ở nơi sang trọng, mình không nghĩ có ngày về quê xắn quần lên đi cấy. Nhiều khi cũng buồn vì 19-20h làng xóm đã tắt điện tối om. Hàng quán thì không có nên mình phải nấu 3 bữa/ngày cho chồng con. Nhiều khi thèm ly trà sữa cũng không có. Chợ mở cách nhật nên hôm nào họp, mình phải hẹn giờ dậy thật sớm vì 7h30 đã tan rồi”, cô kể.

Trong khi đó, Trung Võ (28 tuổi), chồng của Hoa, thích thú khi lần đầu được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn. Khi mới về, anh tò mò từ cây lúa đến cái cuốc, cái xẻng.

“Thấy nhà ông bà trồng được nhiều gừng, nghệ, chồng mình nảy ra ý tưởng bán nông sản sạch qua mạng. Gia đình chú, bác bán mật ong rừng nên hai đứa cũng có cơ hội tiếp xúc với sản phẩm quê hương. Nhờ đó, nhà mình duy trì được thu nhập”, Hoa kể.

Bo pho ve que anh 4

 

Bo pho ve que anh 5

 

Bo pho ve que anh 6

Hồi vợ chồng Hoa mới về, bà nội thương nên đào từng củ nghệ, gừng cho cháu bán kiếm thêm thu nhập.

Thay đổi

Thời gian đầu về quê, Hoa không đăng ảnh lên mạng vì ngại mọi người đã quen với hình ảnh “lung linh” của mình trước kia. Tuy nhiên, Trung lại thích chụp hình và bắt đầu chia sẻ về cuộc sống mới.

Trái với lo lắng của Hoa, nhiều người ủng hộ vợ chồng cô.

Đôi khi nhớ Đà Nẵng, Hoa rủ ông xã trở về thành phố. Mỗi lần như vậy, Trung động viên vợ ở lại vì ở quê không khí trong lành, thực phẩm sạch, da dẻ đẹp và sức khỏe tốt hơn.

Nhận thấy sự thay đổi tích cực từng ngày, nhất là ở cậu con trai 3 tuổi, Hoa dần chấp nhận.

“Hồi còn ở phố, bé chỉ quanh quẩn trong nhà, không có bạn bè. Về quê, bé được ba mẹ mua cho cún cưng, được chạy nhảy ngoài đồng, thả diều, đi hái quả, lên rừng lấy mật ong, gặp gỡ mọi người. Mình thấy con vui vẻ, cứng cáp và dạn dĩ hơn, đồng thời có nhiều trải nghiệm tuổi thơ thú vị”, cô kể.

Bên cạnh đó, Hoa cảm thấy cuộc sống tự do hơn và gắn kết với gia đình. Nhờ làm việc từ xa, cô vẫn có thể duy trì công việc du lịch ở Đà Nẵng.

Đến hiện tại, Hoa nói rằng bỏ phố về quê là lựa chọn đúng đắn.

Bo pho ve que anh 7

 

Bo pho ve que anh 8

 

Bo pho ve que anh 9

Mỗi tuần, vợ chồng Hoa dành một ngày theo chân chú, bác vào rừng lấy mật ong.

Những ngày rảnh rỗi, Hoa thích đi dạo quanh xóm làng và ngắm nhìn mọi thứ. Với cô, đây là sự trở về, ấp ôm những điều thân thuộc, bình dị nơi chôn rau cắt rốn.

Sau thời gian phong tỏa kéo dài tại thành phố, Hoa cũng nhận ra giá trị của gia đình. Nhiều lúc, cô cảm thấy may mắn vì khi vấp ngã, khó khăn vẫn có nơi để tìm về, trong vòng tay của người thân.

“Về rồi mới thấy thương quê hương vì nhiều bạn trẻ như mình lên thành phố rồi bám trụ lại, thành ra ở nhà chỉ có người già, trẻ em. Mình mong những người con đi xa nếu có cơ hội trở về, hãy ôm ấp và mang kiến thức học được ngoài kia xây dựng quê hương, giúp người dân cải thiện đời sống”.

Đó cũng là điều vợ chồng Hoa đang cố gắng từng ngày: vận dụng kỹ năng về truyền thông để đưa sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương đến với mọi người.

“Sắp tới, khi dịch bớt căng thẳng, vợ chồng mình sẽ có nhiều dự án liên kết với bạn trẻ cùng quê để hoàn thiện hơn”, cô nói.

Bo pho ve que anh 10

 

Bo pho ve que anh 11

 

Bo pho ve que anh 12

Hoa mong đóng góp cho quê hương bằng cách vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được trong nhiều năm qua.

Theo Zing

Cô gái rời TP.HCM về quê trong dịch, xây nhà giữa núi đồi

Cô gái rời TP.HCM về quê trong dịch, xây nhà giữa núi đồi

Nhiều năm đi làm ở thành phố, chị Hồ Trinh cố gắng tiết kiệm để thực hiện ước mơ xây ngôi nhà của riêng mình tại vùng quê. Dịch Covid-19 đã đẩy nhanh mọi dự định của chị.