"Nếu Hiến pháp mở ra khả năng tổ chức chính quyền đô thị, thì HN có thể tính đến việc tổ chức mô hình thành phố nhỏ nằm trong thành phố lớn như TP.HCM đang đề xuất. Hà Nội với 9-10 triệu dân nên có những mô hình như vậy, cũng là để gỡ chuyện khó xử khi TP Hà Đông lại quay về mô hình quận Hà Đông như xưa", ông Ngô Trung Hải gợi ý.

Kỳ 1: 5 năm mở rộng: Thủ đô hoành tráng lên nhiều

LTS: Phần cuối cùng của bàn tròn trực tuyến Nhìn lại 05 năm mở rộng Hà Nội tập trung vào những câu chuyện về quản lý, từ quản lý dự án đến quản lý văn hóa... Và khâu mấu chốt cuối cùng của mọi bộ máy lãnh đạo, quản lý là vấn đề con người, từ phẩm chất cho đến trình độ cũng đã được các khách mời thảo luận.

Còn hiện tượng cắm đất xí phần?

Nhà báo Kim Dung: Quý vị nhìn nhận thế nào về việc HN chậm giải quyết các dự án treo, thậm chí tới hơn 130 dự án chiếm khoảng 1.600 ha đất mà chậm tiến độ và gây lãng phí, như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mới đây đề cập. Xin mời ông Hồ Quang Lợi?

Ông Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội): Khi HN mở rộng địa giới hành chính và hợp nhất với Hà Tây thì một vấn đề rất lớn là khớp nối quy hoạch. Chỉ khi khớp nối quy hoạch thật tốt, HN mới có thể xây dựng quy hoạch chung của Thủ đô. Đây là bài toán không đơn giản.

Sau khi rà soát lại, HN đã thấy rằng cần phải xác định lại để sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án. Những dự án thật cần thiết, đáp ứng được những lĩnh vực mà HN đang cần, phù hợp với quy hoạch chung sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

{keywords}
Ông Hồ Quang Lợi

Năm 2009, HN có một đợt rà soát  377 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư và có 241 dự án  đủ điều kiện tiếp tục cho thực hiện. Hiện nay HN vẫn đang tiếp tục rà soát bổ sung thêm.

Theo tôi, nhiều quy hoạch treo bắt nguồn từ việc các dự án được phê duyệt một cách tương đối dễ dàng. Bây giờ, sau một thời gian "cọ xát", nhất là khi hợp nhất vào mới thấy chúng không đủ điều kiện thực hiện.

Có những dự án treo nằm trong những lĩnh vực chưa thực sự cần cho Thủ đô. Thứ hai, một số nhà đầu tư "cắm đất xí phần", sau đó muốn chuyển đổi để kiếm lời chứ không phải để thực hiện dự án.

Nhà báo Kim Dung: Ở đây liệu có vấn đề quản lý lỏng lẻo của Nhà nước?

Ông Hồ Quang Lợi: Chính vì thế đồng chí Bí thư Phạm Quang Nghị mới nói có những vấn đề phải xem xét lại trách nhiệm. Bây giờ HN cần phải rà soát lại, để những dự án treo này không kéo dài quá lâu. Dự án nào không đủ điều kiện thực hiện thì dứt khoát phải thu hồi.

Vừa rồi HN đã thu hồi hàng loạt dự án và tới đây sẽ tiếp tục rà soát. Đất của những dự án bị thu hồi sẽ được giao cho những nhà đầu tư đủ khả năng thực hiện và để xây dựng các công trình, hạ tầng xã hội.

{keywords}
Các khách mời và nhà báo Kim Dung (dẫn bàn tròn)

Cân đối phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa

Nhà báo Kim Dung: Khi bắt đầu sáp nhập, chuyển hóa, đồng hóa hội nhập văn hóa giữa hai vùng miền, hai đơn vị hành chính có xảy ra những mâu thuẫn? Vấn đề cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa đang đang đặt ra rất nóng, HN đã xử lý ra sao?

Ông Hồ Quang Lợi: Khi mở rộng và hợp nhất HN, một vấn đề lớn đặt ra là kết hợp như thế nào văn hóa Thăng Long với văn hóa Xứ Đoài. Đây là hai vùng văn hóa lớn, nhiều thành tựu và mang tính đặc thù rõ nét.

Qua 05 năm, với vai trò người chịu trách nhiệm về lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa tinh thần... của thành phố, tôi nhận thấy, những lo ngại đó là có và đến giờ vẫn chưa hết.

Tuy nhiên, đã có một sự kết nối rất tốt giữa nền văn hóa, chứ không hề có sự đối lập đến mức loại trừ nhau. Văn hóa Xứ Đoài làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long. Đồng thời văn hóa Thăng Long lại lan tỏa, làm đẹp thêm văn hóa Xứ Đoài.

Không phải tất cả mọi việc đều thuận lợi, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nhìn nhận để xử lý rốt ráo. Đặc biệt vấn đề bảo tồn các di tích, di sản hiện nay đang rất nóng.

Chẳng hạn, gần đây trên địa bàn thành phố HN xảy ra một số vụ vi phạm về quản lý di tích lịch sử văn hóa, có những vụ việc nghiêm trọng như hạ giải chùa Trăm Gian, chùa Một cột xuống cấp... Qua đó có thể thấy nhận thức, hiểu biết của một số người được giao trách nhiệm quản lý các di tích rất thiếu hụt, cần tiếp tục đào tạo, huấn luyện để họ đủ tầm với trách nhiệm được giao.

Đối với văn hóa HN, phải kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, nhưng cũng không vì phát triển mà xâm hại di tích. Xử lí hài hòa lợi ích của phát triển và lợi ích của bảo tồn văn hóa là bài toán khó với HN.

Không phải trường hợp nào cũng dễ dàng xử lý, nhưng các nhà khoa học và lãnh đạo Thủ đô có trách nhiệm để hợp lực lại tìm được phương án tốt. Ví dụ, việc xây cầu vượt Xã Đàn đã gây rất nhiều tranh cãi, nhưng cuối cùng HN đã đưa ra phương án chuyển dịch cây cầu theo hướng giảm  tối đa sự xâm  hại đến di tích.

Ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội): Trong quản lý, phải làm sao giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Chúng ta chỉ mất 20, 30 năm phát triển tuyến đường sắt cao tốc, sân bay bến cảng, nhưng phải mất hàng nghìn năm mới có di tích văn hóa để lại. Vì vậy, phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với gìn giữ được bản sắc văn hóa, đặc biệt các di sản.

{keywords}
Ông Lê Như Tiến

Lấy ví dụ câu chuyện xin trả danh hiệu của người dân làng cổ Đường Lâm. Nếu không để người dân được hưởng lợi từ di sản, di tích, thì họ sẽ quay lưng lại với di tích, thờ ơ với việc bảo tồn phát huy giá trị của di tích.

Thứ nữa, đầu tư cho kinh tế, giao thông, hạ tầng... đã đành, nhưng cũng cần đầu tư đúng mức cho văn hóa, đặc biệt cho trẻ em. Đôi khi ta giăng khắp nơi những khẩu hiệu rất tốt như "Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai", nhưng lại chỉ tập trung đầu tư vào kinh tế, mà lãng quên các yếu tố văn hóa, nhất là cho trẻ em.

Chúng ta thiếu trường học, cơ sở chữa bệnh, rạp chiếu phim, sách báo... Trên 80% đồ chơi trẻ em chủ yếu là đồ chơi TQ nguy hại. Nền văn hóa sẽ quyết định tính cách và hành vi sau khi trưởng thành.

Khu vui chơi cho trẻ em rất thiếu trong khi chúng ta xây dựng rất nhiều khu đô thị mới nhưng không cân đối với GD, VH, y tế, làm bùng nổ lên những khó khăn đó.

Hà Nội phải giải quyết bài toán khó là phát triển kinh tế nhưng phải giữ được hồn vía HN là Thủ đô văn hiến, thanh lịch của người dân HN.

Cán bộ Hà Nội chuyên nghiệp chưa?

Nhà báo Kim Dung: Trước những thách thức nhận diện để Thủ đô phát triển đáp ứng yêu cầu của quốc gia trên hành trình hội nhập, sắp tới HN cần làm những việc gì, giải pháp gì theo thứ tự ưu tiên? Ví dụ như vấn đề chính sách, đặc biệt về vai trò của đội ngũ lãnh đạo các cấp, nâng tầm quản lý của đội ngũ này. Theo các quý vị, những giải pháp nào HN tâm đắc cần đặt ra và ưu tiên?

Ông Hồ Quang Lợi: Giải quyết các công việc của HN luôn luôn cần giải pháp đồng bộ ở nhiều lĩnh vực, mà trước hết tạo hành lang pháp lí cần thiết. Việc mới đây QH thông qua Luật Thủ đô theo tôi là rất quan trọng để tạo điều kiện đặc thù cho HN phát triển.

Bây giờ là vấn đề khai thác nguồn lực của HN, và thu hút nguồn lực của các địa phương và quốc tế như thế nào để biến chúng thành sức mạnh vật chất, tinh thần xây dựng Thủ đô HN. Đó là bài toán lớn HN cần giải.

Vấn đề lớn nhất của HN vẫn là con người. Hiện dân số HN có 9-10 triệu người, trong đó 7,3 triệu người đăng kí hộ khẩu thường trú và khoảng 02 triệu không đăng ký hộ khẩu thường trú.

Như vậy, lực lượng lao động không thiếu, nhưng cái thiếu nhất vẫn là nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao, đặc biệt trong các hệ thống quản lí điều hành bộ máy của Thủ đô.

Việc có những chính sách đưa ra mà người dân không đồng tình, buộc phải rút lại cho thấy trong đội ngũ cán bộ hiện nay, một bộ phận không nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng Thủ đô trong tình hình mới. Trình độ năng lực, chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong công việc còn yếu, chưa kể đến phẩm chất có lấy tinh thần phục vụ dân là chính hay không.

Ông Lê Như Tiến: Công tác cán bộ vẫn được coi là cái gốc của mọi việc. Nhưng cần xem công tác luân chuyển cán bộ của HN đã thực sự là hợp lý chưa, hay còn có những vấn đề "bằng mặt nhưng chưa bằng lòng", rồi những tâm tư "Hà Nội 1, Hà Nội 2".

Đội ngũ cán bộ của HN đã thực sự chuyên nghiệp, vì dân, là công bộc của dân chưa? Người dân vẫn kêu nhiều về đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, phường vừa xa dân lại vừa có phần quan liêu, hay đòi hỏi. Tất nhiên những vấn đề đó chỗ nào cũng có, nhưng theo tôi, đã là Thủ đô thì phải đi đầu cả nước.

Ông Ngô Trung Hải (Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng): Đội ngũ cán bộ luôn có vai trò quyết định, vì quy hoạch hay bất cứ chính sách nào đưa ra mà con người không đáp ứng được thì chắc chắn sẽ dẫn đến trì trệ hoặc thậm chí thất bại.

{keywords}
Ông Ngô Trung Hải

Vừa rồi, chỉ số cạnh tranh PCI xuống rất thấp đã khiến lãnh đạo thành phố phải hết sức nghiêm túc nhìn lại tại sao HN là Thủ đô với rất nhiều nguồn lực, ưu đãi mà khả năng thu hút đầu tư lại bị đánh giá thấp hơn các tỉnh khác.

Đây là câu chuyện của thái độ công chức, cách xử lý công việc và cần kiên quyết loại trừ những biểu hiện cán bộ trong bộ máy của chúng ta không đáp ứng tiêu chuẩn, nếu làm thật mạnh thì đầu tiên ta có đội ngũ trong sạch.

Thứ hai là đủ trình độ. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải có trình độ chuyên môn quản lý. Quản lý một thành phố cơ bản cũng giống quản lý một doanh nghiệp. Nếu coi thành phố như mô hình bộ máy quản lý sản xuất có đầu vào đầu ra, thì phải có mô hình điều hành thành phố như một cỗ máy trong cơ chế thị trường.

Lý thuyết về City marketing sẽ đem lại cho Hà Nội cũng như các đô thị khác một cách điều hành năng động hơn, có khả năng "bán" sản phẩm của thành phố mình tốt nhất trên "thị trường" hệ thống đô thị quốc gia, khu vực hay toàn cầu. Và chính điều này sẽ đem lại lợi nhuận đô thị tốt hơn.

Chẳng hạn, nếu tới đây Hiến pháp mở ra khả năng tổ chức chính quyền đô thị, thì HN có thể tính đến việc tổ chức mô hình thành phố nhỏ nằm trong thành phố lớn như TP.HCM đang đề xuất thí điểm. Một thành phố với 9-10 triệu dân nên có những mô hình như vậy và cũng là để gỡ chuyện khó xử khi thành phố Hà Đông lại quay về mô hình quận Hà Đông như xưa khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô.

Mô hình điều hành đó sẽ tạo bộ máy năng động giải quyết kịp thời, tăng tính cạnh tranh cao của Hà Nội. Với tinh thần quản lý đô thị năng động, phân cấp mạnh mẽ, trình độ cán bộ tương xứng thì quy hoạch đến 2030- 2050 sẽ hi vọng thực hiện được.

Tất nhiên cần hiểu quy hoạch không phải là sản phẩm bản vẽ (Product) mà thực chất đó là một quá trình lâu dài phát triển (Process) được thực hiện nhiều thế hệ đô thị, mà mỗi người dân Thủ đô đều là một thành tố quan trọng trong việc xây dựng cơ ngơi của mình.

Nhà báo Kim Dung: Mới đây, TP. HCM đã đề xuất và được chấp nhận thí điểm xây dựng chính quyền đô thị. Vậy Thủ đô HN nghĩ thế nào về mô hình này và có dự kiến xây dựng chính quyền đô thị không? Đây cũng là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Hoàng Minh và nhiều bạn đọc khác gửi đến?

Ông Hồ Quang Lợi: Việc xây dựng một chính quyền đô thị như TP.HCM đang làm, HN đã nói từ 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện là bởi Hiến pháp chưa cho phép mô hình thành phố trong thành phố.

Còn việc thí điểm, vì HN là Thủ đô, có vị trí trung tâm rất đặc biệt, nên phải chờ nơi khác làm trước. HN là một thành phố lớn, cũng gặp những vấn đề tương tự TP. HCM, nên để TP. HCM làm trước, sau đó từ kinh nghiệm của TP.HCM sẽ có những quy định chung và thậm chí từ đó thay đổi cả Hiến pháp, rồi HN sẽ làm.

Nhà báo Kim Dung: Rất cảm ơn ý kiến của 03 vị khách mời đã tới tham dự buổi bàn tròn hôm nay.

Thưa bạn đọc VietNamNet, qua ít giờ giao lưu với các vị khách là những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm của các ban, ngành thành phố HN, của Quốc hội, chúng ta có thể thấy khá rõ diện mạo và tốc độ đi lên của Thủ đô sau 05 năm mở rộng. Những cái hay dở, tốt và chưa tốt, những thành bại, được mất của Thủ  đô hôm nay đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi thành phố có những giải pháp nâng tầm quản lý về đội ngũ, chủ trương chính sách để có giải pháp phù hợp thực tiễn hơn nữa.

Cụ thế đó là những việc xây dựng đội ngũ quản lý lãnh đạo Thủ đô các cấp, xoay quanh hàng loạt các vấn đề mà người dân Thủ đô hàng ngày đang chờ đợi. Đó là phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân, quy hoạch đô thị, giao thông khoa học hợp lý. Văn hóa du lịch, giáo dục y tế, dịch vụ hành chính công..., đều cần được chấn chỉnh nâng cao chất lượng đổi mới theo chiều hướng tích cực, quyết liệt. Có như vậy HN mới tương xứng với vai trò là Thủ đô văn minh, văn hóa trên hành trình hội nhập.

Cảm ơn các quý vị đã tham gia giao lưu trực tuyến. Và cảm ơn các quý bạn đọc đã theo dõi.

Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Loạt bài Chính quyền đô thị:

Chỗ đứng của thị trưởng ở đâu?

Ưu điểm của "chế độ thủ trưởng" là quyền lực được tập trung gần như tuyệt đối về tay thị trưởng.

Dân đủ sáng suốt để bầu thị trưởng

Khi phải chịu trách nhiệm lớn hơn, trực tiếp hơn trước dân, đến lượt  thị trưởng được bầu trực tiếp sẽ phải thúc ép bộ máy hành chính của mình hoạt động hiệu quả, giảm thiểu hiện tượng nhũng nhiễu nhân dân.

Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức

Người dân sẽ đánh giáthị trưởng trên sự phát triển của thành phố... Ông Thị trưởng phải dám từ chức khi tình hình không được cải thiện.