Theo một nghiên cứu mới, thảm họa động đất kéo theo sóng thần ngày 11/3 vừa qua ở Nhật dữ dội tới mức đã gây lở các tảng băng khổng lồ cách xa hàng ngàn dặm tại Nam Cực.

TIN LIÊN QUAN

Các hình ảnh do vệ tinh Envisat của Cơ quan vũ trụ châu Âu vào ngày trên 12/3 (trái) và ngày 16/3 (phải) cho thấy việc vỡ, lở băng trôi ra biển ở Nam Cực. Ảnh: BBC

Các quan sát bằng vệ tinh vùng bờ biển Nam Cực ngay sau cơn địa chấn mạnh 9 độ Richter ngoài khơi đảo Honshu của Nhật cho thấy, việc tạo thành các tảng băng mới từ việc đổ vỡ những mảng lớn từ thềm băng Sulzberger có liên quan đến sóng thần xảy ra ngay sau đó.

Nhiều báo cáo trước đây từng ghi nhận việc hình thành các tảng băng sau động đất, kể cả sau cơn địa chấn mạnh 6,3 độ Richter ở Christchurch, New Zealand ngày 22/2. Tuy nhiên, phát hiện mới đánh dấu việc lần đầu tiên giới khoa học quan sát được một mối liên hệ như vậy giữa sóng thần và sự ra đời của các tảng băng trên biển.

Hãng thông tấn BBC đưa tin, sau đợt sóng thần tiếp theo động đất Nhật ở Thái Bình Dương, Kelly Brunt - một chuyên gia băng quyển thuộc Trung tâm không gian Goddard ở Greenbelt, bang Maryland (Mỹ) - và các đồng nghiệp ngay lập tức hướng sự chú ý về phía nam. Sử dụng vô số hình ảnh vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã có thể quan sát các tảng băng mới trôi nổi ra biển ngay sau khi sóng thần chạm tới Nam Cực.

Diễn biến sự cố được tổng kết như sau: Một trận động đất ngoài khơi bờ biển Nhật đã gây ra những cơn sóng lớn khởi phát từ tâm chấn. Các đợt sóng nước lan truyền đã tràn tới thềm băng Sulzberger có diện tích 125km2 ở Nam Cực, nằm cách xa đó tới 13.600km. Và chỉ khoảng 18 giờ sau khi xảy ra động đất, những đợt sóng thần này đã gây lở, vỡ nhiều mảng từ thềm băng này. Tảng băng lớn nhất trôi nổi ra biển có kích thước khoảng 6,5km x 9,5km, gần gấp 2 lần diện tích bề mặt khu vực Manhattan thuộc thành phố New York (Mỹ), và có độ dày 80m. Các tài liệu có ghi, thềm băng Sulzberger đã không dịch chuyển ít nhất 46 năm trước khi xuất hiện sóng thần hồi tháng 3 vừa qua.

Nhóm nghiên cứu kết luận, tác động của sóng thần và sự lan truyền của các đợt sóng phân tán, kết hợp với các điều kiện của thềm băng và băng trên biển đã mang tới cơ chế gây đổ vỡ thềm băng Sulzberger lần đầu tiên  trong 46 năm qua.

Thanh Bình