Đồng hồ Thái Dương do kỹ sư Lưu Văn Lang (1880 – 1969, quê Đồng Tháp) thiết kế, xây dựng vào năm 1913. Di tích nằm trên đường 30/4 (phường 3, TP Bạc Liêu) đối diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Công trình được xây bằng gạch thẻ. Trên mặt có một gờ cao khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, phần còn lại là khối hình vuông cân đối hai bên, có vạch số La Mã từ I đến XII để chỉ giờ.
Khi ánh sáng chiếu vào gờ cao sẽ chia mặt đồng hồ làm hai mảng sáng - tối. Lằn ranh giới giữa hai mảng này chính là kim chỉ giờ của đồng hồ.
Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đây là đồng hồ xem giờ bằng sáng duy nhất còn sót lại tại Việt Nam. Độ sai lệch của đồng hồ này so với đồng hồ thông thường từ 5 – 7 phút.
Năm 2006, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng chiếc đồng hồ Thái Dương là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cần được bảo tồn và phát huy giá trị hiếm có.
Trải qua hơn 100 năm, chịu ảnh hưởng nắng mưa, bề mặt đồng hồ bị bào mòn, có nhiều vết bong tróc khiến khó có thể nhận biết đầy đủ vạch phân chia các số La Mã. Phía mặt sau và xung quanh đồng hồ cũng bị rêu bám đen.
UBND TP Bạc Liêu xác định, việc lựa chọn phương án trùng tu đồng hồ rất quan trọng, không chỉ giữ gìn giá trị di sản của di tích mà còn thu hút khách du lịch.
Theo phương án tu bổ dự kiến của chính quyền địa phương, phần nền đá hoa cương hiện được bóc gỡ, đào hố khai quật xác định mặt bằng gốc ban đầu (hố khai quật có đường kính dự kiến 12m và chiều sâu 1m).
Sau khi xác định được mặt bằng ban đầu mới tiến hành xử lý móng và đổ bê tông mặt nền làm bậc tam cấp đi xuống, dựng hàng rào bảo vệ và hệ thống thu nước, chống ngập.
Đồng hồ sẽ được phục hồi các giờ bị mục hỏng; tháo bỏ mặt đá hoa cương trên đồng hồ thay thế bằng đất nung. Ngoài ra, có thể bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật lên đồng hồ; trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan và cắt tỉa cây xanh xung quanh để có ánh nắng chiếu vào đồng hồ.
Kinh phí dự kiến tu bổ chiếc đồng hồ đá khoảng trên 800 triệu đồng. Hiện phương án cải tạo được trình để UBND tỉnh phê duyệt.